Sẵn sàng đẩy tín dụng ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%. Ngay từ đầu năm, các nhà băng đã chạy đua chuẩn bị thanh khoản, sẵn sàng đẩy mạnh tín dụng.
Lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng trong năm 2022 Lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng trong năm 2022

Tăng lãi suất huy động

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang được một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhằm thu hút tiền nhàn rỗi, qua đó gia tăng thanh khoản, chuẩn bị nguồn đáp ứng nhu cầu cho vay. Mặt bằng lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nhu cầu về tín dụng của khách hàng hồi phục sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Hiện tại, lãi suất tiết kiệm tại VPBank kỳ hạn từ 6 - 9 tháng tăng 0,3 - 0,7%/năm so với trước; lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng 0,7 - 0,8%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn so với gửi tại quầy từ 0,2 - 0,3%/năm.

Tại Techcombank, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng 0,4 - 0,5%/năm đối với hầu hết các kỳ hạn, kể từ ngày 7/2/2022.

Bac A Bank nâng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 3 tháng thêm 0,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng có lãi suất tăng 0,2%/năm, lên 6,5%/năm.

Tương tự, DongA Bank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại hầu hết các kỳ hạn từ 0,1 - 0,2%/năm. OCB thì triển khai chương trình tặng quà tiền mặt lên đến 700.000 đồng cho khách hàng khi mở sổ tiết kiệm từ nay đến hết ngày 31/3/2022.

Mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm thuộc về Nam A Bank, áp dụng cho các khoản tiền gửi online kỳ hạn 16 - 36 tháng. Nhà băng này đang triển khai chương trình “Xuân sum vầy - Tết đủ đầy”, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng, kéo dài đến 14/4/2022.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất huy động hiện nay ở mức thấp. Nếu tiếp tục giảm, tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm mạnh. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra vấn đề giảm thêm lãi suất huy động.

Theo ông Tú, khi lãi suất huy động thấp, không ít người gửi tiền sẽ lựa chọn rút tiền ra khỏi ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng… Trong khi đó, ngân hàng muốn có tiền cho vay phải có lượng tiền gửi đầu vào ổn định. Vì thế, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 11/2021 đạt hơn 10,68 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020 - mức tăng trưởng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được cơ quan quản lý công bố. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,63% và tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 10,78%. Trước đó, vào tháng 8 và 9/2021, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng giảm. Chính vì vậy, giai đoạn đầu năm 2022, lãi suất tiền gửi tăng được đánh giá là phù hợp, nhất là khi tín dụng dần hồi phục.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, lãi suất đầu vào gần đây tăng là điều dễ hiểu, vì nhu cầu vốn của khách hàng đang gia tăng sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Thực tế, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng bật mạnh trong quý IV/2021 và cả năm 2021 tăng khoảng 13,53%, cao hơn mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, dư địa cho việc giảm mạnh lãi suất huy động hiện không còn. Dự báo, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 0,2 - 0,25%/năm trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn và mức tăng cao hơn tại không ít ngân hàng khác.

Tương tự, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó có thể giảm so với cuối năm 2021. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng từ 0,25 - 0,5%/năm, nhất là trong nửa cuối của năm.

Sẵn sàng đẩy tín dụng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 13,53%, dự kiến năm 2022 sẽ tăng 14%. Tăng trưởng tín dụng sẽ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực giúp kinh tế phục hồi.

Quý I năm nay, tín dụng có khả năng tăng trưởng dương, thay vì thường tăng trưởng âm như giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, kinh tế dần tăng trưởng sau khi làn sóng Covid-19 thứ tư được kiểm soát nhờ độ phủ của vắc-xin. Tín dụng tăng trở lại trong quý cuối năm 2021 khi nhu cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục, hoạt động sản xuất - kinh doanh nhộn nhịp trở lại. Trong khi đó, Chính phủ có kế hoạch đưa ra các gói kích cầu trong năm nay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc của các dự án... Việc này sẽ thúc đẩy tín dụng năm 2022, kể cả quý I - khả năng tăng trưởng tín dụng dương, thay vì thường tăng trưởng âm như ở giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm năm 2022, dù lãi suất tiết kiệm tăng.

Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối cho vay khách hàng cá nhân, Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, với mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp, nhu cầu vốn cá nhân vay mua nhà, ô tô và tiêu dùng sẽ tăng trong thời gian tới.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện trong quý I/2022 và cả năm 2022, trong đó nhóm ngành chế biến - chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất phân phối điện và xây dựng là 5 lĩnh vực dự kiến có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm 2022.

Trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, định hướng tín dụng năm nay tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Cơ quan quản lý sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp; kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, lạm phát trên thế giới đang có xu hướng tăng, nhiều nước đã có động thái thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất trở lại. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam sắp tới có thể gặp thách thức, đòi hỏi sự linh hoạt và chủ động.

Liên quan đến việc giảm lãi suất, người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ, hệ thống ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất trong 2 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 0,8%/năm trong năm 2021 và 1%/năm trong năm 2020. Năm 2022, dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khoá, nhưng ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm trong 2 năm tới.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục