
Chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chiến lược phát triển quan trọng, trong đó Nghị quyết 57-NQ/TW nhấn mạnh chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự phát triển.
Đối với ngành ngân hàng, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tích cực chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một mệnh lệnh nhằm đáp ứng sự vận động của nền kinh tế, yêu cầu của các bên liên quan.
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch và quyết định nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành, như Quyết định 810/QĐ-NHNN về kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, với tầm nhìn đến năm 2030 và gần đây là Quyết định số 1938/QĐ-NHNN về việc ban hành kế hoạch của ngành ngân hàng triển khai Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, liên quan đến việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”.
Các kế hoạch này nhằm nâng cao nền tảng về chuyển đổi số và kỹ năng số cho toàn thể cán bộ của ngành, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ ngân hàng, cải thiện trải nghiệm khách hàng, đồng thời đảm bảo an ninh và an toàn trong các giao dịch số.
Bên cạnh những lợi ích đạt được, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tích cực chuyển đổi số trong ngành ngân hàng cũng đặt ra những thách thức lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Ngành cần một đội ngũ lao động có kỹ năng chuyên môn cao trong các lĩnh vực công nghệ số, phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin và các công nghệ tài chính.
Kiến tạo đội ngũ nhân lực sẵn sàng cho kỷ nguyên số toàn cầu
Học viện Ngân hàng với vai trò là một trong những trường đại học hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh trực thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngân hàng và xã hội; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành; nghiên cứu khoa học, tham mưu và tham gia phản biện chính sách cho ngành.
Trước làn sóng ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ, Học viện Ngân hàng đã chủ động đổi mới, không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn truyền thống mà còn tiên phong xây dựng các chương trình đào tạo năng lực số hiện đại, tích hợp công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, bồi dưỡng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Những nỗ lực này nhằm đáp ứng các định hướng chiến lược của ngành ngân hàng, đồng thời bắt nhịp với xu thế phát triển của nền kinh tế số, góp phần kiến tạo đội ngũ nhân lực sẵn sàng cho kỷ nguyên số toàn cầu.
Thứ nhất, Học viện Ngân hàng phát triển các chương trình đào tạo liên ngành có định hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thực hiện Chiến lược phát triển Học viện Ngân hàng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Học viện định hướng trở thành trường đại học thông minh đa ngành, liên ngành, xuyên ngành.
Trong giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc duy trì các ngành đào tạo truyền thống, Học viện Ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển các chương trình đào tạo liên ngành, tập trung vào chuyển đổi số và ứng dụng khoa học dữ liệu trong kinh tế, kinh doanh và quản lý.
Một số chương trình đào tạo cử nhân theo định hướng ứng dụng công nghệ thông tin nổi bật bao gồm: ngân hàng số, công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ thông tin, hệ thống thông tin quản lý, khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, thương mại điện tử, marketing số...
Đặc biệt, Học viện Ngân hàng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam triển khai chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh chuyên sâu về công nghệ tài chính liên kết với Đại học CityU (Mỹ), đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngân hàng.
Thứ hai, xây dựng chuẩn đầu ra năng lực số áp dụng cho các chương trình đào tạo bậc cử nhân. Học viện Ngân hàng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đưa chuẩn đầu ra “Năng lực số” là chuẩn đầu ra bắt buộc với 100% người học kể từ đợt rà soát, cập nhật chương trình đào tạo năm 2021.
Chuẩn đầu ra này dựa trên bốn trụ cột chính: một là, sử dụng các thiết bị phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin; hai là, khai thác, quản lý và phân phối dữ liệu; ba là, giao tiếp và cộng tác trong môi trường số; bốn là, sử dụng năng lực số trong chuyên môn.
![]() |
TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện, phụ trách Ban giám đốc Học viện Ngân hàng |
Các chương trình đào tạo tại Học viện đều xây dựng theo tuyến học phần, giúp người học đạt được chuẩn đầu ra trên tại thời điểm tốt nghiệp. Các tuyến học phần được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm học phần về công nghệ (năng lực số ứng dụng, hệ thống thông tin quản lý, trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh...) và Nhóm học phần ứng dụng công nghệ số trong chuyên môn (ngân hàng số, công nghệ tài chính, ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu tài chính - ngân hàng, marketing số…).
Đề cương của các học phần này được rà soát, cải tiến hàng kỳ để cập nhật với các thay đổi của môi trường bên ngoài, đặc biệt là thay đổi của công nghệ. Các học phần này đều có tính ứng dụng và thực tế cao, sinh viên không chỉ được học lý thuyết, thực hành trên giảng đường mà còn có cơ hội đi thực tế, trải nghiệm số tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
Thứ ba, Học viện Ngân hàng luôn chú trọng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo, cho sinh viên. Từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã đưa môn Đổi mới, sáng tạo vào chương trình chất lượng cao, môn Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp cho các chương trình đào tạo hệ chuẩn.
Bên cạnh đó, Học viện Ngân hàng đã thành lập Trung tâm Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trực thuộc Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng với vai trò là đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cùng các khóa đào tạo và chương trình trải nghiệm thực tế, với quy mô và số lượng không ngừng tăng.
Nổi bật có thể kể đến: Cuộc thi thường niên “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên Học viện Ngân hàng - Startup B.A”, nơi tạo nguồn cho không ít dự án sinh viên đạt giải cao tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp quốc gia, hay Ngày hội “Tăng tốc thâm nhập thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong kỷ nguyên số”...
Những nỗ lực này thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và bài bản của nhà trường, hướng đến xây dựng một thế hệ sinh viên năng động, sáng tạo, giàu trí tuệ và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Thứ tư, Học viện Ngân hàng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng, đặc biệt năng lực số. Giai đoạn 2020-2024 là giai đoạn bản lề, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong việc chú trọng đến yếu tố con người trong bối cảnh chuyển đổi số.
Với vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ (nay trực thuộc Học viện Ngân hàng) đã cùng các đơn vị triển khai các chương trình đào tạo năng lực số với những kết quả đáng ghi nhận.
Các chương trình đào tạo đã tập trung vào nhiều lĩnh vực thiết yếu, phản ánh đúng trọng tâm của chuyển đổi số trong ngành ngân hàng như: nhóm kiến thức nền tảng, kỹ năng sử dụng công cụ công nghệ thông tin trong môi trường văn phòng như thư điện tử công vụ, quản lý văn bản điện tử và họp trực tuyến; các chuyên đề kỹ thuật chuyên sâu như an toàn thông tin, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo; nhóm năng lực quản lý và định hướng chiến lược như hoạch định chiến lược ứng dụng công nghệ, kỹ năng xây dựng và triển khai chương trình nội bộ tại các đơn vị.
Thứ năm, Học viện Ngân hàng triển khai các khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho cán bộ, giảng viên. Học viện đã sớm xác định nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên là yếu tố then chốt cho mục tiêu chuyển đổi số toàn diện và đóng góp vào sự phát triển của ngành ngân hàng.
Điều này thể hiện qua việc chủ động lồng ghép yêu cầu năng lực số vào kế hoạch phát triển đội ngũ, bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tiên phong trang bị kiến thức số cho cán bộ giảng viên, tạo tiền đề lan tỏa năng lực số đến người học.
Nâng cao năng lực số và đổi mới công tác đào tạo
Phong trào “Bình dân học vụ số” theo Quyết định 1938/QĐ-NHNN ngày 28/4/2025, cùng với định hướng chiến lược từ Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cho ngành ngân hàng trong việc nâng cao năng lực số và đổi mới công tác đào tạo.
Học viện Ngân hàng, với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm hàng đầu của ngành ngân hàng, đã tiên phong triển khai các chương trình đào tạo định hướng chuyển đổi số, thiết lập chuẩn năng lực số bắt buộc cho người học và nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên cũng như cán bộ ngành ngân hàng. Để đáp ứng đầy đủ thách thức của kỷ nguyên số, Học viện Ngân hàng cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp sau.
Một là, hoàn thiện chính sách và hệ sinh thái dạy học số. Giải pháp mang tính nền tảng là tạo dựng một môi trường làm việc và học tập đậm chất số trong nhà trường. Nhà trường cần xây dựng chiến lược và chính sách rõ ràng để thúc đẩy dạy học trực tuyến.
Đồng thời, cần phát triển các nền tảng học tập trực tuyến và thư viện số thân thiện, dễ sử dụng, tích hợp kho học liệu mở để sinh viên có thể truy cập tri thức mọi lúc, mọi nơi. Nói cách khác, cần hình thành một hệ sinh thái số trong nhà trường, nơi giảng viên và sinh viên đều trở thành công dân số thực thụ.
Hai là, nâng cao năng lực số cho giảng viên. Đây là giải pháp cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực số. Nhà trường cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho giảng viên một cách liên tục, bài bản.
Chuyển đổi số cần được lồng ghép vào công việc hàng ngày, như tiêu chí đánh giá giảng viên, yêu cầu báo cáo tiến độ số hóa, khuyến khích đổi mới giảng dạy thông qua thử nghiệm công nghệ mới.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi học thuật. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nguồn nhân lực số. Thông qua các dự án hợp tác, giảng viên có cơ hội trao đổi, tham quan, học tập các mô hình đại học số tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, cần thúc đẩy các chương trình trao đổi học giả, hội thảo quốc tế về chủ đề chuyển đổi số và giáo dục số để giảng viên được tiếp cận những tri thức cập nhật nhất, qua đó, nâng cao tầm nhìn và kỹ năng.
Bên cạnh học hỏi, hợp tác quốc tế còn giúp nhà trường tiếp cận nguồn tài trợ để cải thiện hạ tầng số (ví dụ như các dự án ODA, AAF của Chính phủ Úc, Erasmus+ của EU, hợp tác với doanh nghiệp công nghệ). Nhờ đó, Trường có thêm nguồn lực để đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực số.
Bốn là, thành lập và phát triển mạng lưới “Đại sứ số” và “Hạt nhân số”. Việc thành lập mạng lưới “Đại sứ số” và “Hạt nhân số” là yếu tố then chốt để dẫn dắt và hỗ trợ kỹ năng số tại Học viện Ngân hàng.
Học viện sẽ tuyển chọn giảng viên và sinh viên có năng lực công nghệ vượt trội để đảm nhận vai trò này, đảm bảo mỗi khoa có ít nhất một đại sứ số và mỗi lớp có một hạt nhân số. Các thành viên này sẽ được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hướng dẫn và xử lý tình huống thực tế, triển khai mô hình “Mentor - Mentee”, với mỗi mentor hỗ trợ ít nhất 5 mentee sử dụng các nền tảng số.
Năm là, tăng cường truyền thông và tuyên truyền về phong trào “Bình dân học vụ số”. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về Phong trào “Bình dân học vụ số”.
Học viện Ngân hàng sẽ tạo chuyên mục “Sáng kiến số” trên website và Cổng thông tin điện tử của mình, chia sẻ video, bài giảng điện tử và sáng kiến số của sinh viên, giảng viên. Các hội thảo chuyên đề về AI, bảo mật thông tin sẽ được tổ chức định kỳ hàng quý với sự tham gia của chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Học viện cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông trên fanpage, YouTube và các nhóm cộng đồng sinh viên.
Sáu là, thúc đẩy mô hình “Học từ làm việc thực tế” và hợp tác với doanh nghiệp. Học viện Ngân hàng sẽ triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế” bằng cách hợp tác với các tổ chức tín dụng để tổ chức thực tập và các dự án thực tế. Sinh viên sẽ tham gia các dự án như phân tích quy trình số hóa hoặc xử lý rủi ro số, đồng thời tham gia chiến dịch “Thanh niên chung tay phổ cập kỹ năng số” nhằm hỗ trợ cộng đồng sử dụng các ứng dụng số như VNeID.