
Sụt giảm và phân hóa mạnh trong quý I/2025
Trong quý I/2025, có đến 21 ngân hàng trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm, kể cả tại các ngân hàng vốn dẫn đầu về CASA như Techcombank, MB.
MB tiếp tục giữ vị trí “quán quân” trong ngành về tỷ lệ CASA, đạt 35,7%, giảm 3,4 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Techcombank đuổi sát nút phía sau, với tỷ lệ CASA đạt 35,1%. Vietcombank xếp vị trí thứ ba, với tỷ lệ CASA đạt 34,3%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái. Ba ngân hàng này đang duy trì khoảng cách đáng kể với phần còn lại về tỷ lệ CASA, nhờ lợi thế về hệ sinh thái tài chính toàn diện, khách hàng doanh nghiệp lớn, nền tảng số hóa mạnh mẽ và năng lực quản trị dòng tiền hiệu quả.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng về tỷ lệ CASA lần lượt là MSB, VietinBank, ACB, TPBank, BIDV, Sacombank và OCB. Top 10 CASA toàn ngành ngân hàng có sự xuất hiện của OCB (từ vị trí thứ 12 lên vị trí thứ 10) sau khi ghi nhận mức tăng 0,9 điểm phần trăm so với đầu năm nay. Ngược lại, SeABank đã tụt khỏi Top 10 do ghi nhận tỷ lệ CASA đi xuống 8,8 điểm phần trăm trong quý I/2025. Tính đến 31/3/2025, số dư tiền gửi khách hàng tại nhà băng này giảm gần 5% so với đầu năm, kéo theo tỷ lệ CASA giảm xuống 10,4% (từ mức 19,2% hồi đầu năm).
Các ngân hàng khác cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ CASA, như LPBank giảm 2,9 điểm phần trăm, HDBank giảm 2,2 điểm phần trăm, PGBank giảm 2,1 điểm phần trăm, MSB giảm 2 điểm phần trăm.
Trong nhóm thống kê, có đến 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA dưới 10%; trong đó, Bac A Bank có tỷ lệ CASA thấp nhất, ở mức 2,8%. Các vị trí kế trên là VietABank (4,3%), VietBank (5,4%), Nam A Bank (5,7%), BVBank (6,2%), KienlongBank và Saigonbank (6,7%), SHB (7%), NCB (8,4%), HDBank (9,7%)…
Hiện tượng CASA giảm trong quý I/2025 không hoàn toàn bất ngờ đối với giới phân tích tài chính. Theo các chuyên gia, đây là diễn biến mang tính mùa vụ, thường xảy ra sau Tết Nguyên đán, khi nhu cầu rút tiền mặt tăng cao để phục vụ chi tiêu cá nhân, thanh toán lương thưởng và các khoản chi cuối năm của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự sụt giảm CASA đặt ra một thách thức lớn cho các ngân hàng: nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn ngày càng thu hẹp, buộc các nhà băng phải chuyển sang huy động vốn từ tiền gửi có kỳ hạn hoặc đi vay với lãi suất cao hơn. Điều này trực tiếp đẩy chi phí vốn (COF) của các ngân hàng tăng và tạo áp lực lên biên lợi nhuận.
![]() |
Những ngân hàng có chiến lược số hóa hiệu quả sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua thu hút CASA |
Cuộc đua ngày càng nóng
Tỷ lệ CASA cao giúp ngân hàng giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiền gửi có kỳ hạn, từ đó giảm chi phí vốn (COF), nhằm duy trì khả năng cung ứng tín dụng với lãi suất cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ được định hướng nới lỏng hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, CASA cao tạo tiền đề giúp ngân hàng cải thiện biên lãi thuần, có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường. Trong bối cảnh tỷ giá chịu áp lực khiến chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ đi lên, làm tăng chi phí vốn, việc có mức CASA cao trở nên rất quan trọng với ngân hàng.
CASA được xem là “huyết mạch lợi nhuận” của một số ngân hàng, nhưng thực tế đang bị rút đi một cách rõ rệt. Không đơn thuần là một chỉ số tài chính, tỷ lệ CASA giảm còn là dấu hiệu chuyển dịch dòng tiền và niềm tin thị trường, phản ánh cả chiến lược của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kỳ vọng của giới đầu tư đối với nền kinh tế, lãi suất và cơ hội sinh lời.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, dòng tiền có thể chuyển sang kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản. Trong những tháng đầu năm, giá vàng trong nước và thế giới liên tục lập đỉnh, khiến dòng tiền cá nhân và tổ chức đổ vào vàng như một kênh trú ẩn và đầu cơ. Trong khi đó, với thị trường bất động sản, dù chưa hồi phục toàn diện, một số phân khúc đất nền, shophouse đang hút tiền trở lại và không loại trừ tiết kiệm chảy sang.
Theo VPBankS, trong những năm tới, CASA sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát chi phí vốn huy động (COF) của các ngân hàng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là các nhà băng phải cải thiện trải nghiệm và dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân, đặc biệt là nhóm khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán chính, nhằm duy trì sự gắn bó lâu dài. Để làm được điều đó, đầu tư vào công nghệ, số hóa quy trình và phát triển các nền tảng giao dịch tiện ích sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà băng.
Nhìn về nửa cuối năm 2025, các chuyên gia tài chính dự báo, tỷ lệ CASA có thể phục hồi nhẹ khi các yếu tố mùa vụ qua đi, tuy nhiên khó có thể đạt được mức cao như năm 2024. Sự phân hóa về tỷ lệ CASA giữa các ngân hàng sẽ ngày càng rõ nét, từ đó tạo ra khoảng cách lớn về biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Những ngân hàng có chiến lược số hóa hiệu quả, sở hữu hệ sinh thái tài chính đa dạng và khả năng liên kết với các đối tác lớn sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua này. CASA ngày càng trở thành yếu tố phân định thắng thua trong cuộc đua huy động vốn của các ngân hàng. Những nhà băng đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái tài chính toàn diện và tạo được trải nghiệm khách hàng vượt trội sẽ là những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.
Thực tế, trong bối cảnh CASA sụt giảm, các ngân hàng đang đứng trước bài toán cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng tín dụng và kiểm soát chi phí vốn. Tuy nhiên, với những ngân hàng có tỷ lệ CASA cao như MB, Techcombank và Vietcombank sẽ có nhiều dư địa hơn trong việc mở rộng cho vay với chi phí cạnh tranh, trong khi các ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp buộc phải cân nhắc giữa tăng lãi suất cho vay (ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về tín dụng) hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn.