Loạt ngân hàng khởi động kế hoạch niêm yết
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện có 20 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức. Trong đó, 18 cổ phiếu niêm yết trên HOSE, gồm VCB, TCB, CTG, BID, MBB, SHB, TPB, VIB, ACB, HDB, STB, VPB, LPB, SSB, MSB, OCB, EIB, NAB; sàn HNX có 2 mã là NVB và BAB.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu VAB của VietABank. Hiện cổ phiếu VAB đang được giao dịch tại sàn UPCoM.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2025, cổ đông VietABank đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Theo ông Phương Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietABank, dự kiến trong quý III/2025, VietABank sẽ thực hiện chuyển sàn, qua đó, giúp giao dịch cổ phiếu sôi động hơn.
Cũng theo ông Long, việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE nhằm nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu VietABank, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu, tranh thủ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế.
Đại hội cổ đông thường niên 2025 của Kienlongbank (mã KLB) cũng thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Kienlongbank cho biết, việc niêm yết cổ phiếu là điều cần thiết chứng minh Ngân hàng ngày càng minh bạch trong hoạt động, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh được nâng cao. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ rất quan trọng và Hội đồng quản trị Kienlongbank sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết. Lãnh đạo Kienlongbank cho hay, Ngân hàng khẩn trương để hoàn tất nhưng về thủ tục sẽ cần sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mục tiêu là sẽ hoàn thành trong quý IV/2025.
Đại hội cổ đông thường niên 2025 của BVBank cũng thông qua kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE trong năm nay. Thực ra, kế hoạch chuyển sàn đã được cổ đông nhà băng này thông qua từ đại hội cổ đông năm trước, nhưng do bối cảnh thị trường không thuận lợi nên Ngân hàng vẫn chưa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển sàn.
Hội đồng quản trị BVBank nhận định, năm 2025 nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán diễn biến theo xu hướng tích cực hơn năm 2024 nên Hội đồng quản trị tiếp tục trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu BVB trên HOSE.
Tương tự, năm ngoái, đại hội cổ đông VietBank đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu VBB trên sàn HOSE khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi. Tại đại hội cổ đông năm nay, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VietBank Nguyễn Hữu Trung cho biết, căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, 2023 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, VietBank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành để thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, năm 2024, bối cảnh thị trường và môi trường kinh tế chưa thuận lợi. Thị trường chứng khoán chịu tác động từ chính sách lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và diễn biến kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, làm gia tăng rủi ro khi niêm yết. Do đó, Ngân hàng cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp, có thể vào năm 2025 hoặc đầu năm 2026 nhằm đảm bảo định giá cổ phiếu tối ưu khi lên sàn.
Theo kế hoạch, Saigonbank (mã SGB) cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE hoặc HNX trong thời gian tới. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và Ngân hàng đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Dù mong muốn sớm đưa cổ phiếu lên niêm yết, song lãnh đạo Saigonbank cho rằng, “đây là quá trình dài và phức tạp”.
Thông tin liên quan đến việc chuyển sàn sang HOSE giúp cho các cổ phiếu này ghi nhận đà tăng tích cực. Cụ thể, trong tháng 5/2025, thị giá cổ phiếu KLB ghi nhận mức tăng 54%; thị giá cổ phiếu VAB tăng 25%; VBB tăng 20%; BVB tăng gần 12%.
|
Năm nay, BVBank có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HOSE |
Nâng cao năng lực tài chính trước khi lên sàn
Cùng với việc chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết, các nhà băng nỗ lực nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ.
Ngày 27/5/2025, BVBank thông báo phát hành 20 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP), tương ứng tỷ lệ 3,624% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nộp tiền mua cổ phiếu từ 30/5 - 13/6/2025.
Trước đó, trong tháng 4/2025, BVBank thông báo chào bán gần 69 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 8:1 (cổ đông sở hữu 8 cổ phiếu sẽ được mua 1 cổ phiếu mới). Nếu hoàn tất cả hai phương án phát hành trên, vốn điều lệ của BVBank dự kiến sẽ tăng từ 5.518 tỷ đồng lên hơn 6.408 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên 2025 của VietABank (mã VAB) đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 114%, thông qua ba hình thức: phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (2.851 tỷ đồng); phát hành ESOP (200 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (3.132 tỷ đồng).
Trong khi đó, VietBank (mã VBB) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tối đa 3.783 tỷ đồng, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương án đã được đại hội cổ đông thông qua. Trong đó, đợt 1, Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 15%) từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2024), thời gian phát hành trong quý II - III/2025. Sau khi hoàn tất phát hành đợt 1, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng lên mức 8.210 tỷ đồng. Đợt 2, Ngân hàng dự kiến phát hành thêm gần 271 triệu cổ phiếu (tương đương 33% vốn điều lệ sau đợt 1) cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian triển khai dự kiến trong quý III - IV/2025. Nếu phát hành thành công cả 2 đợt, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng trong năm nay.
Saigonbank đã lên kế hoạch phát hành gần 33,9 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10%, để tăng vốn điều lệ thêm 339 tỷ đồng, từ 3.388 tỷ đồng lên 3.727 tỷ đồng. Nguồn vốn tăng thêm sẽ được nhà băng dùng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, đổi mới hạ tầng công nghệ thông tin chuyển đổi số và mở rộng hoạt động tín dụng.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, niêm yết cổ phiếu sẽ cải thiện tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo điều kiện cho nhà băng huy động nguồn vốn mới trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, để thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư và tạo giá trị tốt cho cổ phiếu, các ngân hàng muốn nâng cao năng lực tài chính trước khi niêm yết.