Điểm tên những ngân hàng lên kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh kế hoạch tăng vốn, mục tiêu lợi nhuận, một số ngân hàng cũng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX trong năm nay.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB - UPCoM) sẽ thực hiện kế hoạch niêm yết trong năm 2025 hoặc năm 2026 tới đây Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB - UPCoM) sẽ thực hiện kế hoạch niêm yết trong năm 2025 hoặc năm 2026 tới đây

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cho biết, tại kỳ họp ĐHĐCĐ vào ngày 26/4 tới, Ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án niêm yết toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành lên sàn chứng khoán. Việc niêm yết sẽ được triển khai khi điều kiện thị trường thuận lợi và tuân thủ đúng quy định pháp luật, Hội đồng quản trị (HĐQT) được ủy quyền quyết định lựa chọn niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE hay HNX.

Đồng thời, VietABank cũng sẽ trình cổ đông thông qua mục tiêu tăng vốn điều lệ gần gấp đôi, từ 5.400 tỷ đồng lên 11.582 tỷ đồng, tương ứng tăng 114,5%. Phương án tăng vốn bao gồm ba cấu phần.

Cụ thể, VietABank dự kiến phát hành hơn 285 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 52,8% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 52,8 cổ phiếu), tổng giá trị theo mệnh giá khoảng 2.851 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ Ngân hàng dự kiến đạt 8.251 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tương đương 200 tỷ đồng (tỷ lệ 3,7%). Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm và sẽ được triển khai trong vòng 12 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý chấp thuận.

Ngoài ra, VietABank sẽ chào bán hơn 313 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 58% (100 quyền mua được 58 cổ phiếu), tổng giá trị phát hành gần 3.132 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất ba cấu phần trên, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ tăng lên 11.582 tỷ đồng.

Tương tự, tại ĐHCĐ năm 2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, mã VBB - UPCoM) đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE. Căn cứ vào kết quả hoạt động của Vietbank năm 2022, năm 2023 và phương tái cơ cấu lại hoạt động, xử lý nợ xấu giai đoạn năm 2021-2025, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển sàn niêm yết.

Tuy nhiên, theo HĐQT VietBank, năm 2024 trong bối cảnh thị trường và điều kiện thị trường chưa thuận lợi, áp lực lạm phát, chính sách lãi suất... làm gia tăng rủi ro khi niêm yết. Do đó, ngân hàng này cho biết, sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp hơn để thực hiện kế hoạch niêm yết trong năm 2025 hoặc năm 2026 tới đây, nhằm đảm bảo mức định giá cổ phiếu tối ưu khi lên sàn.

Đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ, Vietbank cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ đồng lên 7.139 tỷ đồng. Năm 2024, Vietbank có hơn 1.131 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, cộng với lợi nhuận còn lại các năm trước, Ngân hàng có gần 824 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối dùng để tăng vốn điều lệ.

Năm 2025, Vietbank dự kiến tăng thêm 3.780 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Đợt 1, Ngân hàng dự kiến phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 15%) cho cổ đông hiện hữu, với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Nguồn thực hiện từ vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ đến hết năm 2024).

Số cổ phần phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II-III/2025. Tổng mệnh giá phát hành 1.071 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất phát hành đợt 1, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng lên 8.210 tỷ đồng.

Đợt 2, Ngân hàng dự kiến phát hành thêm gần 271 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1) cho cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông góp vốn mới). Với giá phát hành 10.000/CP, tổng giá trị cổ phiếu phát hành đợt 2 hơn 2.709 tỷ đồng. Số cổ phần phát hành trong đợt này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III-IV/2025.

Nếu phát hành thành công cả 2 đợt, vốn điều lệ của Vietbank có thể tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng.

Ngoài VietBank, Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank, mã BVB - UPCoM) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, mã SGB - UPCoM) cũng đã có kế hoạch niêm yết sàn HOSE, song đến nay chưa hoàn tất.

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, HĐQT BVBank đã liên tiếp trình và thông qua việc đưa cổ phiếu BVB niêm yết trên sàn HOSE. Tuy nhiên, BVBank chưa thực hiện được kế hoạch này với lý do Ngân hàng đưa ra là bối cảnh thị trường không thuận lợi.

Theo kế hoạch, Saigonbank cũng sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE/HNX. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank từng cho hay, các chỉ số tài chính của Saigonbank đã đủ điều kiện để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và đã ký hợp đồng với công ty tư vấn chuyển sàn. Nhưng theo Saigonbank, đây là quá trình dài và phức tạp, cho dù Ngân hàng mong làm sớm nhất câu chuyện niêm yết cổ phiếu trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã ABB - UPCoM), dù chưa có kế hoạch niêm yết năm nay, nhưng trước đó, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cũng đã đề cập đến vấn đề này và cho biết, đánh giá chung về điều kiện thị trường chưa thuận lợi để niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Trong lộ trình 5 năm, ABBank đã đặt mục tiêu vốn hoá 3 tỷ USD. Kết quả này không chỉ là tăng trưởng hữu cơ của ABBank sẽ cần những cú hích như M&A hay gọi vốn. Để đạt mục tiêu này sẽ cần phối hợp niêm yết, cổ đông mới tham gia. Ngân hàng sẽ trao đổi lại với McKinsey để cùng ABBank triển khai lộ trình niêm yết này.

Trên thị trường chứng khoán, hiện sàn HOSE có 18 cổ phiếu ngân hàng là VCB, TCB, Viettinbank (CTG), BIDV (BID), MBB, SHB, TPB, VIB, ACB, HDB, STB, VPB, LPB, SSB, MSB, OCB, EIB, NAB; trong khi sàn HNX có 2 mã là NVB và BAB.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục