Nhân sự chứng khoán diễn biến “lên - xuống” theo sự thăng trầm của thị trường. Vào giai đoạn 2006 - 2007, sự sôi động của thị trường đã tạo sức hút rất lớn không chỉ với nhà đầu tư mà cả với những người làm nghề chứng khoán. Tới giai đoạn 2009 - 2013, chứng khoán lao dốc đã khiến không ít người chán nản quay lưng với thị trường, nhiều nhân sự rời bỏ bảng điện tử để tìm cho mình công việc mới.
Cũng bởi vậy, sự hồi phục của thị trường chứng khoán kể từ giữa năm 2014 tới nay đã giúp những CTCK dần hồi sinh, hàng loạt thông tin tuyển dụng được thông báo với mong muốn tìm kiếm nhân sự giỏi để đón đầu sự hồi phục của thị trường, đặc biệt là vị trí trưởng các phòng ban quan trọng như giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng môi giới, đầu tư, phân tích…
Nhìn lại những chuyển dịch nhân sự của các CTCK trong một năm gần đây, có thể thấy, nếu vị trí tổng giám đốc cơ bản không có sự thay đổi đáng kể, thì khá nhiều các vị trí trưởng, phó phòng, hay giám đốc các khối có sự chuyển dịch từ CTCK này sang CTCK khác.
Theo đó, với môi trường làm việc chuyên nghiệp, CTCK HSC đã thu hút được khá nhiều “nhân sự cứng” về đầu quân cho mình. Một số CTCK khác như VNDirect, CTCK SHS… cũng có sự chuyển dịch nhất định tại một số vị trí trưởng, phó phòng.
Nghề chứng khoán rất khắc nghiệt và nhiều biến động. Mỗi nhân viên nếu không cố gắng nỗ lực sẽ bị đào thải, chưa nói đến việc thăng tiến
Giám đốc một CTCK lớn tại TP. HCM cho biết, Công ty đã, đang sẽ tiếp tục “chiêu mộ” các nhân sự giỏi bằng các chế độ đãi ngộ phù hợp và những người làm việc hiệu quả sẽ không bao giờ bị thiệt. Theo tìm hiểu sơ bộ của Đầu tư Chứng khoán, mức lương đối với các vị trí trưởng, phó phòng hiện tại bình quân từ 25 - 40 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, mức thu nhập của các vị trí trưởng, phó phòng môi giới, tự doanh sẽ dao động nhiều hơn vì phụ thuộc vào doanh số cũng như hiệu quả làm việc của phòng, ban. Việc một trưởng, phó phòng có thể đạt thu nhập 60 - 70 triệu đồng/tháng không là chuyện lạ, thậm chí cao hơn nữa tùy vào chế độ đãi ngộ của từng công ty và sự biến động của thị trường.
Tất nhiên, kèm theo mức thu nhập là trách nhiệm. Do vậy, khi mức thu nhập không cân xứng với trách nhiệm thì rất dễ có sự thay đổi. Chưa kể, áp lực phải tăng thị phần giao dịch cũng đè nặng lên vai các vị trí chủ chốt khi bối cảnh thị trường không thuận lợi. Áp lực và trách nhiệm còn tăng theo cấp số cộng đối với các vị trí cao hơn nữa.
Sau những bài học đắt giá, các CTCK đã thận trọng hơn trong việc “dùng người”, đặc biệt là vị trí CEO, thế nhưng tìm và giữ được người có tâm có tài vẫn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Cơ hội cho vị trí CEO luôn rộng mở với những người thực sự đủ năng lực và tâm huyết, nhưng tìm được người xứng đáng khó vô cùng, dễ hiểu vì sao hơn 10 năm nay, CTCK SSI chưa tìm ra nhân sự phù hợp để làm Tổng giám đốc. Bản thân ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK SSI cũng từng chia sẻ, ông chưa bao giờ thích kiêm nhiệm cả hai vị trí Chủ tịch và Tổng giám đốc tại SSI, nhưng để tìm được người đủ sức lãnh đạo SSI là không đơn giản.
Thực tế, CTCK này tìm kiếm được nhân tố mới cũng đồng nghĩa với việc CTCK khác “chảy máu chất xám”, nhưng người lao động luôn có quyền tìm kiếm cho mình những cơ hội mới và có nhiều lý do dẫn tới quyết định “dứt áo ra đi”.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về quyết định chuyển việc, anh M cho biết, chuyển sang làm giám đốc bộ phận cho một CTCK mới với chức danh tương tự công ty cũ cũng là điều làm anh suy nghĩ rất nhiều.
“Tôi đã gắn bó với CTCK cũ gần 7 năm, một khoảng thời gian không phải ngắn, nhưng đã đến lúc cần có sự thay đổi. Tôi kỳ vọng ở công ty mới một môi trường chuyên nghiệp hơn, với nhiều sản phẩm hỗ trợ khách hàng, cũng như các dự án định hướng hoạt động hiện đại”, anh tâm sự về quyết định chuyển sang nơi làm việc mới.
Không phủ nhận yếu tố thu nhập là một điểm hấp dẫn, nhưng anh M cho rằng, thu nhập không phải tất cả, quan trọng là môi trường làm việc mới tạo cơ hội làm việc đúng chuyên môn, đúng sở thích, doanh nghiệp có tầm nhìn tốt, tạo môi trường thử thách để nhân sự thể hiện mình.
“Nghề chứng khoán rất khắc nghiệt và nhiều biến động. Mỗi nhân viên nếu không cố gắng nỗ lực sẽ bị đào thải, chưa nói đến việc thăng tiến”, giám đốc chiến lược một CTCK nói và cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn rất nhiều thay đổi trong thời gian tới và xác định làm một nhân sự giỏi, phải không ngừng học tập, tìm tòi để nâng cao năng lực và thích nghi.