Amazon lấn sân
Nếu như trước đây Amazon chỉ bán hàng trực tuyến thì hiện tại, Công ty đang chú trọng xây dựng các cửa hàng thực cho riêng mình. Logic của Amazon rất đơn giản: gã khổng lồ thương mại điện tử muốn bán hàng cho người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào họ muốn mua.
Đầu tiên, Amazon ra mắt hơn 30 cửa hàng khắp nước Mỹ vào cuối năm ngoái để giới thiệu các thiết bị điện tử, rồi đến mở rộng các cửa hàng sách Amazon Books để giới thiệu các tựa sách với xếp hạng của khách hàng từ bốn sao trở lên cùng trích dẫn các bài đánh giá từ trang web.
Sau đó, Công ty trình làng Amazon Go - concept cửa hàng tiện lợi được công bố vào tháng 12/2016 và ra mắt tại Seattle vào đầu năm 2017. Amazon Go cho phép khách hàng lấy những món họ cần rồi đi thẳng về nhà. Tiền sẽ được tính lại sau vào tài khoản Amazon của họ, không cần phải chờ thanh toán, không cần chi tiền mặt hay rút thẻ. Ngoài ra, Amazon cũng đang chuẩn bị cho một khái niệm mới về cửa hàng tạp hóa - một hệ thống được cho là sự mở rộng dịch vụ tạp hoá Amazon Fresh.
Về giá cả, thuật toán của Amazon đảm bảo để khách hàng luôn có được mức giá thấp hơn hoặc bằng so với các cửa hàng hoặc website thương mại điện tử khác. Trong một số trường hợp, Amazon sẵn sàng bán hàng không có lợi nhuận trong một khoảng thời gian. Công ty của Jeff Bezos biết rằng, họ phải tiếp tục mở rộng sự lựa chọn của khách hàng đối với mặt hàng tạp hoá không bị hư hỏng nếu muốn thách thức Walmart.
Walmart đã “phản đòn” ra sao?
Ngay từ khi trở thành Giám đốc điều hành (CEO) của Walmart vào năm 2014, động thái đầu tiên của Doug McMillon là thông báo tăng lương cho nhân viên. Động thái này cho thấy vị CEO đã “hiểu điều gì đó” trong khi hầu hết các đối thủ khác trong ngành bán lẻ vẫn còn dậm chân tại chỗ.
Thứ nhất, thị trường lao động đang thắt chặt, đặc biệt là đối với các nhân viên ngành dịch vụ và Walmart muốn đảm bảo rằng mình vẫn giữ được những nhân sự giỏi. Thứ hai, trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng truyền thống đã tuột lại sau thương mại điện tử, do đó Walmart cần cải tiến nếu muốn ổn định kinh doanh.
Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tháng 8 năm ngoái, Walmart đã mua lại website thương mại điện tử Jet.com của Marc Lore với giá 3,3 tỷ USD, đồng thời mời ông này về dẫn dắt mảng kinh doanh trực tuyến. Cũng trong năm 2016, Walmart đã tăng số lượng mặt hàng bán online từ 8 triệu lên 35 triệu mặt hàng.
Mới đây, Walmart tung ra chương trình Shipping Pass, cung cấp vận chuyển miễn phí trong 2 ngày cho những ai mua hàng trị giá trên 35 USD. Đây được xem như đòn đánh trực tiếp vào chương trình thành viên thân thiết Prime của Amazon - cũng giao hàng miễn phí cho người dùng trong 2 ngày với phí thường niên 99 USD.
Bên cạnh đó, Walmart đồng loạt giảm giá trên 10.000 mặt hàng bán trực tuyến. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, khách hàng phải đặt hàng trên mạng, sau đó đến cửa hàng Walmart để nhận sản phẩm. Dự kiến đến tháng 6, Công ty sẽ mở rộng chương trình giảm giá lên đến hơn một triệu mặt hàng.
Marc Lore cho biết, thay vì phải chở hàng đến tận nhà cho người mua, 6.700 xe tải của hãng sẽ chỉ mang sản phẩm từ các trung tâm phân phối đến trực tiếp 4.700 cửa hàng. Vì thế, chương trình sẽ giúp Công ty tiết kiệm đáng kể chi phí giao nhận.
Walmart hy vọng việc giảm giá sẽ thúc đẩy khách hàng dành thời gian đến cửa hàng mua sắm. Khảo sát do tờ Entrepreneur thực hiện năm 2015 cho thấy, 88% những người thuộc thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 - 2000) được phỏng vấn sẵn sàng mua một mặt hàng trực tuyến và lấy nó tại cửa hàng nếu tiết kiệm 10 USD cho món đồ 50 USD, tương đương mức giảm 20%.
Cả Amazon lẫn Walmart đều có dự định đầu tư hàng tỷ đô la trong dài hạn. Đây có lẽ là tin xấu đối với phần còn lại của ngành bán lẻ. Các cửa hàng từ lớn đến nhỏ khác có thể sẽ phải cắt giảm chi phí mạnh hơn và chia nhau miếng bánh thị phần ít ỏi, hoặc suy tính đến việc bán mình cho hai gã khổng lồ này.