Sách lược ứng phó của hãng bay Việt trước “bão” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Ngay cả khi đã áp dụng nhiều giải pháp “cắt da, cắt thịt” như bán tàu bay, bán tài sản..., Vietnam Airlines và Vietjet vẫn cần gấp liều thuốc trụ sinh từ Chính phủ.

Những giải pháp “cắt da”

Sức khỏe tài chính của Vietjet ít nhiều được thể hiện qua báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh vừa được lãnh đạo hãng bay tư nhân này gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tháng 10/2021.

Vietjet được đánh giá là có chiến lược kinh doanh linh hoạt để thích ứng hiệu quả với những tác động bất lợi của các Covid-19, khi là một trong số rất ít các hãng hàng không trên thế giới đạt lợi nhuận dương trong năm 2020. Tuy nhiên, 2 đợt bùng phát khốc liệt kéo dài trên phạm vi toàn quốc trong năm 2021 đã bào mòn sinh lực của đơn vị liên tục chia sẻ vị trí số 1 về thị phần thị trường hàng không nội địa trong vòng 3 năm trở lại đây này.

Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, đợt bùng phát Covid-19 lần thứ ba diễn ra vào giai đoạn cao điểm Tết 2021 đã giáng một đòn mạnh vào hy vọng phục hồi của các hãng hàng không. Đối với Vietjet, doanh thu hoạt động vận tải hàng không trong đợt xuân vận 2021 giảm tới 80% so với cùng kỳ năm 2020, làm gia tăng áp lực thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, trong đó nợ phải trả người bán ngắn hạn vọt lên tới 4.600 tỷ đồng và các khoản phải trả ngắn hạn khác là hơn 7.900 tỷ đồng.

Chưa kịp định thần sau nhiễu động của đợt bùng phát dịch thứ ba, các hãng bay Việt ngay lập tức phải hứng chịu “cơn cuồng phong” từ đợt bùng phát dịch lần thứ tư, bắt đầu ngay sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Do mất trọn giai đoạn cao điểm hè và quý III/2021, nên doanh thu của Vietjet giảm hơn 90% so với năm 2020.

Nguy hiểm hơn, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến tâm lý khách hàng bị thay đổi. Biểu hiện rõ nhất là phần lớn chuyến bay trên trục TP.HCM - Đà Nẵng - Hà Nội vừa được khôi phục trong nửa cuối tháng 10/2021 chỉ đạt 40 - 50% tải cung ứng, thậm chí nhiều chuyến phải hủy bỏ do không có khách.

Không như các hoạt động kinh tế khác, chỉ cần ngừng hoạt động thì chi phí sẽ giảm đáng kể, ngành hàng không có đặc trưng riêng. Theo đó, ngay cả khi chấp nhận dừng hoạt động, các hãng bay cũng chỉ tiết kiệm được chi phí xăng dầu và một phần chi phí nhân công, nhưng chi phí thuê máy bay, chi phí mặt đất không thay đổi. Trong khi đó, hai khoản này chiếm phần lớn chi phí của các hãng hàng không.

“Các doanh nghiệp này cũng không thể trả máy bay đã thuê và sa thải quá nhiều nhân viên, vì họ cần giữ lại phi công, tiếp viên và nhân viên kỹ thuật, nhân viên hỗ trợ mặt đất cho việc bay trở lại bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, mức lỗ của hàng không nằm ngoài hình dung của nhiều người, nhất là trong trường hợp hoạt động hàng không bị tê liệt như thời gian qua”, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không đánh giá.

Để thích ứng với khó khăn, trong năm 2020, Vietjet đã đẩy mạnh các hoạt động phụ trợ để bù đắp sự sụt giảm của doanh thu bán vé; tăng cường dịch vụ vận chuyển hàng hóa; cắt giảm 10% cho phí hoạt động thông thường. Đồng thời, hãng bay thế hệ mới của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng phải chấp nhận chuyển nhượng tài sản và các dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong những năm qua, nhằm tăng cường dòng tiền hỗ trợ duy trì hoạt động vận tải hàng không.

Mặc dù vậy, với hai “đợt sóng” Covid-19 trong năm 2021, Vietjet đang dần hết nguồn lực tài chính, tài sản tích lũy để huy động nguồn vốn, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

“Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa của Cục Hàng không nội địa đang phụ thuộc rất nhiều vào việc nới lỏng giãn cách của cơ quan chức năng và độ phục hồi của nền kinh tế. Do vậy, việc hồi phục vận tải hành khách của các hãng bay nói chung và Vietjet nói riêng sẽ kéo dài, khó khăn hơn dự báo”, bà Yến Phương cho biết.

Tiếp tục “cắt thịt”

Dù đã kích hoạt các giải pháp chống đỡ với tác động của Covid-19 từ khá sớm, nhưng kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines rất đáng lo ngại. Cuối tuần trước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines từ diện cảnh báo sang kiểm soát.

Theo thông báo của HoSE, cổ phiếu HVN sẽ bị chuyển sang diện kiểm soát từ ngày 3/11. Lý do là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay của cổ đông Công ty mẹ Vietnam Airlines âm 8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 âm 17.808 - vượt quá vốn điều lệ thực góp căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2021.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã được soát xét, Deloitte Việt Nam nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines, phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ và được gia hạn các khoản vay từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, cho thuê, cũng như diễn biến dịch Covid-19.

Lo ngại trên xuất phát từ việc, đến ngày 30/6/2021, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 34.664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn 14.805 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 2.800 tỷ đồng.

Mặc dù trong quý III/2021, Vietnam Airlines đã được giải ngân gói tín dụng lãi suất 0%, trị giá 4.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành thành công gần 800 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gần 8.000 tỷ đồng, nhưng với việc trong 2/3 thời gian của quý III/2021, phần lớn đội bay phải tiếp tục “nằm sân”, hãng hàng không quốc gia vẫn cần thêm những hỗ trợ của Chính phủ, cổ đông để trụ vững.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Vietnam Airlines sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào giữa tháng 11/2021 để trình cổ đông thông qua định hướng tái cơ cấu tổng thể Tổng công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài việc tái cơ cấu đội tàu bay thông qua việc đàm phán lùi thời gian nhận các tàu bay mới, Vietnam Airlines sẽ quyết liệt tái cơ cấu tài sản qua việc thanh lý các tàu bay cũ; thực hiện bán và thuê lại tàu bay. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines đã tìm kiếm được đối tác mua 2/11 tàu bay thuộc kế hoạch thanh lý 11 tàu bay năm trong năm 2021. Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch tiếp tục bán 9 tàu bay còn lại trong năm 2021.

“Chúng tôi sẽ chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa một số đơn vị thành viên; thực hiện bán một số danh mục đầu tư để vừa tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi; đồng thời bù đắp lỗ lũy kế và dòng tiền cho Công ty mẹ”, lãnh đạo Vietnam Airlines thông tin.

Cần thêm trợ lực từ Nhà nước

Theo chuyên gia Lương Hoài Nam, trong 3 năm tới, các hãng hàng không lớn ở Việt Nam, kể cả có được trợ giúp theo nhiều cách, vẫn sẽ tiếp tục kinh doanh thua lỗ, chỉ là thua lỗ ít đi thôi, chứ không thể có lợi nhuận. Các hãng có thể mất 10 năm hoặc nhiều năm hơn để bù đắp được những thiệt hại do đại dịch Covid-19.

“Trong giai đoạn trước mắt, sự hỗ trợ về dòng tiền là cần thiết để các hãng có thể tồn tại, duy trì hoạt động bay, nhất là các hãng bay tư nhân chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ”, ông Nam cho biết.

Về mặt chính sách, Chính phủ đã giảm thuế môi trường cho các hãng hàng không, nhưng thuế này được tính dựa trên số lượng nhiên liệu tiêu thụ. Do đó, nếu không bay hoặc bay ít, thì cũng đồng nghĩa, sự hỗ trợ mà doanh nghiệp nhận được từ chính sách này là ít.

Chính vì vậy, trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Vietjet tiếp tục đề nghị bộ này báo cáo cấp có thẩm quyền mở rộng đối tượng áp dụng cho các hãng bay tư nhân được hỗ trợ vay thanh khoản không có tài sản đảm bảo theo Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 như Vietnam Airlines.

Theo đó, Vietjet cần vay 4.000 - 5.000 tỷ đồng theo cơ chế vay 12 tháng và gia hạn 2 lần, mỗi lần 12 tháng. Đại diện Vietjet cũng đề nghị được hỗ trợ nguồn vốn dài hạn trị giá 8.000 tỷ đồng, lãi suất 4-5%/năm, ân hạn trong vòng 3 năm để mua lại tài sản tàu bay thuê, đầu tư vào xưởng sửa chữa máy bay…

“Các giải pháp trên không những hỗ trợ ngành hàng không vượt qua khủng hoảng, mà còn giúp đất nước không bị chảy máu ngoại tệ lên tới 400 - 500 triệu USD/năm để thanh toán chi phí thuê tàu, sửa chữa tàu bay tại nước ngoài”, đại diện Vietjet đánh giá.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục