Chuyển đổi số không phải là đũa thần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam lên mức độ cao với ngành tài chính thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không gian đổi mới sáng tạo cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn, nhưng các tổ chức tài chính có tận dụng được những cơ hội mới giữa và sau đại dịch không vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.
Chuyển đổi số không phải là đũa thần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam lên mức độ cao với ngành tài chính thế giới

Tại Hội thảo Future Banking 2021 do IDG Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 7/10 với chủ đề “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết:

“Dù làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực lên sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính - ngân hàng nói riêng, song không thể phủ nhận đó cũng là tác nhân tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình số hoá nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục”.

Nhờ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn nên các hoạt động ngân hàng “không tiếp xúc” cũng trở nên phổ biến hơn, việc sử dụng dịch vụ online của khách hàng cũng dần trở thành thói quen. Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng mobile banking của các ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng.

Số liệu của NHNN cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 28,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 86,52 triệu món, tương ứng với giá trị đạt 83,19 triệu tỷ đồng (tăng 5,31% về số lượng và tăng 40,75% về giá trị so với 7 tháng đầu năm 2020).

Đến cuối tháng 7/2021, có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 45 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet đạt 381,9 triệu món với giá trị 20,12 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 58,51% về số lượng và 32,04% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020); qua kênh điện thoại di động đạt 1.030,9 triệu món với giá trị 12,29 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 79,47% về số lượng và 105,24% về giá trị).

Toàn thị trường hiện có 19.932 ATM, 284.706 POS và hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Giao dịch qua ATM đạt hơn 594,50 triệu món với giá trị đạt 1,7 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 3,59% về số lượng giao dịch và 7,07% về giá trị). Giao dịch qua POS đạt 242,82 triệu món với giá trị đạt 404,92 nghìn tỷ đồng (tăng 29,59% về số lượng giao dịch và 21,85% về giá trị).

Một điểm đáng chú ý đó là Ngân hàng mở - Open Banking (cung cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tài chính thông qua đối tác công nghệ thứ ba thay vì cung cấp trực tiếp tới khách hàng theo mô hình truyền thống) đang được các ngân hàng thương mại triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau, dưới nhiều hình thức dịch vụ khác nhau.

Ví dụ như cuối năm 2019, OCB ra mắt API Portal - nền tảng API mở cung cấp hơn 30 API của Ngân hàng để các đối tác có thể kết nối hệ thống OCB vào hệ sinh thái. Cũng cùng năm 2019, VietinBank cũng đã chính thức cho ra mắt iConnect - nền tảng open banking cung cấp hơn 100 APIs và đã có kết nối với trên 60 đối tác qua các APIs tại thời điểm ra mắt, con số này hiện tại đã tăng hơn gấp đôi.

Các Ngân hàng lớn trên thị trường như Vietcombank, BIDV,… cũng đã bước đầu xây dựng và triển khai cung cấp Open API đến các đối tác. Nhìn chung, các Ngân hàng đang ngày càng mở rộng hợp tác, kết nối với các Công ty công nghệ, Fintech để đón đầu và tận dụng các cơ hội kinh doanh từ nền kinh tế số.

“Open Banking là nền tảng mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho ngành ngân hàng. Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ”, ông Hùng nói.

Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, không gian đổi mới sáng tạo, cho chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng còn rất lớn khi có tới gần 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh nhưng chỉ khoảng 20% giao dịch ngân hàng trực tuyến và ứng dụng kỹ thuật số.

“Dù dư địa là rất lớn, nhưng các tổ chức tài chính có tận dụng được những cơ hội mới giữa và sau đại dịch không? Có khả năng đổi mới sáng tạo mang tính đột phá để thích ứng với mô hình tiêu dùng mới của khách hàng sau đại dịch không... sẽ phụ thuộc vào quyết tâm chuyển đổi số ở mỗi tổ chức tài chính, ngân hàng”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, hệ thống ngân hàng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, trong 5 năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm dịch vụ, đem đến nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các hoạt động thanh toán.

“Chuyển đổi số là công cụ, không phải là đũa thần đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam lên mức độ cao với ngành tài chính thế giới và vẫn cần phải cải tổ một cách toàn diện hơn nữa”, TS. Hiếu nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục