Theo hồ sơ, dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú (huyện Đức Trọng) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về việc điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, trong đó điều chỉnh công năng Khu công nghiệp Tân Phú thành Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú vào ngày 12/8/2015.
Dự án đã được UBND tỉnh lâm Đồng chấp thuận ranh giới đất vào ngày 18/3/2016. Quy mô dự án 316,8 ha, chia làm 2 khu (khu vực 1 hơn 205 ha và khu vực 2 hơn 111 ha) tại xã Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa huyện Đức Trọng.
Tuy nhiên, ngày 19/4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có báo cáo cho biết, qua xúc tiến đầu tư và hoạt động giới thiệu quảng bá, đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư nào đến đầu tư dự án.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh chi phí thực hiện công tác bồi thường là rất lớn (khoảng 4,255 tỉ đồng), thì các nhà đầu tư đều đánh giá đầu tư vào nông nghiệp là một lĩnh vực đem lại lợi nhuận không cao, tỷ suất lợi nhuận trên tổng chi phí, doanh thu rất thấp. Ngoài ra, rủi ro về thị trường, thời tiết, đối tác… là rất lớn.
Trong khi đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án lại quá cao, dẫn đến hiệu quả khi phân tích tài chính không đạt; chỉ số giá trị ròng (NPV) và tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) qua đánh giá tổng thể đem lại rủi ro cho nhà đầu tư.
Mặc dù dự án được đầu tư tại địa bàn huyện Đức Trọng là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được miễn tiền thu đất theo quy định là 11 năm và một số chính sách ưu đãi khác.
Tuy nhiên, nếu tính cả vòng đời dự án là 50 năm thì việc phải bỏ ra một khoản tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng một lần là khá lớn để trừ vào tiền thuê đất cho thời gian còn lại khoảng 39 năm (sau khi đã trừ thời gian miễn tiền thuê đất 11 năm, chưa kể thời gian được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa 3 năm) là không khả thi, vẫn còn lớn hơn tiền thuê đất phải nộp của thời gian thuê đất 39 năm. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại (ngày 29/4/2021), vẫn chưa có nhà đầu tư nào quyết định đầu tư thực hiện dự án.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, vị trí quy hoạch dự án là tương đối gần trung tâm huyện, gần sân bay. Tuy nhiên, việc kết nối giao thông còn hạn chế, đường vào khu sản xuất còn nhỏ hẹp, chưa được đầu tư, khó khăn trong việc di chuyển. Nhà đầu tư đánh giá hạ tầng chưa được thuận lợi, việc vận chuyển về các nơi tiêu thụ còn xa nên nhà đầu tư quyết định không đầu tư.
Đó là chưa kể, khi triển khai thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng khoảng 280 hộ dân, với 1.400 nhân khẩu. Trong khi hầu hết những người dân nằm trong khu quy hoạch chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp từ lâu đời, tâm lý hộ dân muốn sinh sống và canh tác ổn định nên không muốn di dời chỗ ở, chuyển đổi bị trí đất canh tác. Đồng thời, hiện nay nhiều hộ dân đang triển khai đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Từ những khó khăn, vướng mắc kể trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét đưa dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú ra khỏi danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, không tiếp tục thực hiện kêu gọi đầu tư trong thời gian tới.
Xét đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường vào ngày 19/4/2021, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký quyết định đưa dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú (huyện Đức Trọng) ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.
Tại quyết định trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Trọng có trách nhiệm thông báo và thực hiện các bước công việc tiếp theo theo quy định.