Rừng ngập mặn, "nhà an toàn" phát huy hiệu quả trong bão

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau cơn bão số 9 ở Quảng Ngãi, rừng ngập mặn và mô hình "nhà an toàn" đã cho thấy hiệu quả phòng tránh và hạn chế thiệt hại từ bão.

Rừng ngập mặn Bầu Cá Cái, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Nguyễn. Rừng ngập mặn Bầu Cá Cái, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hiệu quả của "nhà an toàn"

Sau bão, chính quyền và người dân tại Quảng Ngãi đang nỗ lực khắc phục các thiệt hại và ổn định cuộc sống. Trong đó, rừng ngập mặn và mô hình "nhà an toàn" do Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" (GCF-UNDP) đã cho thấy tác dụng rõ rệt.

Ông Nguyễn Bóng, người dân thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết, nhà ông bị bay gần hết mái tôn, hiện ông đang phải ở nhờ nhà người cháu…

Ông Bóng là chủ nhân căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ vài năm trước, do mái tôn bay hết, nhà ông đang lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Chi phí để lợp lại mái tôn cho gia đình vào khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, do bão làm nứt tường, nên ông Bóng chưa dám lợp lại mái tôn vì lo sợ không an toàn.

Nhà ông Bóng bị bay hết mái tôn.
Nhà ông Bóng bị bay hết mái tôn.

Ông Nguyễn Long, người dân cùng thôn cho biết, gia đình ông cũng bị ảnh hưởng bởi bão, tuy nhiên, do thiệt hại nhẹ hơn nên gia đình tự khắc phục, nhường phần hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại nặng. Bão khiến gia đình ông Long và các hộ dân khác không thể đi biển, khiến cuộc sống sinh hoạt cũng khó khăn hơn khi nguồn thu nhập bị giảm sút.

Báo cáo sơ bộ của xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho thấy, có 1 nhà bị sập hoàn toàn; 48 nhà thiệt hại trên 70% (tốc mái hoàn toàn, hư hỏng tường, xà gồ); 300 nhà bị thiệt hại rất nặng (50 - 70%); 375 nhà thiệt hại nặng (30 - 50%); 432 nhà bị thiệt hại một phần (dưới 30%).

Ngoài ra, còn nhiều thiệt hại về cây lâm nghiệp (trên 60ha cây bị ngã đổ); nhiều hồ tôm, lồng bè,…

Tổng thiệt hại trên địa bàn xã ước khoảng 10 tỷ đồng.

Trong khi nhiều gia đình trong thôn bị thiệt hại khá nặng nề, thì gia đình hộ bà Nguyễn Thị Huyên lại hầu như không bị thiệt hại, do ngôi nhà của bà là "nhà an toàn".

Ngồi nhà của bà Huyên được bàn giao từ tháng 6/2020, được xây dựng với sự hỗ trợ của Chính phủ, GCF-UNDP. Bà Huyên cho biết, cơn bão số 9/2019 làm cho nhà bà bị bay hết nóc, chỉ còn vách. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo nên được dự án hỗ trợ xây "nhà an toàn".

Sự khác biệt của ngôi "nhà an toàn" là có thêm một gian trên cao, trường hợp có nước dâng thì chủ nhà có thể di chuyển và đảm bảo an toàn cho người, tài sản.

"Gian lánh nạn" trong "nhà an toàn".
"Gian lánh nạn" trong "nhà an toàn".

Ngoài ra, một giải pháp khá hiệu quả được nhiều hộ dân tại xã Bình Thuận thực hiện để giảm thiểu thiệt hại do bão, đó là chằng chống nhà cửa thật chắc bằng các can đựng nước, bao tải đất/cát, dây thừng,…

Chị Nguyễn Thị Chín, hộ gia đình gần như không chịu thiệt hại từ bão số 9 cho biết, gia đình chị đã mua 25 chiếc can nhựa loại 20 lít (20.000 đồng/cái) và 1.500.000 đồng tiền dây thừng để chằng giữ mái tôn. Ngoài ra, đồ đạc trong nhà đều được chuyển lên cao, bọc nilong cho đồ điện tử… do đó, gia đình chị Chín cơ bản không bị thiệt hại bởi bão.

Chị Chín chia sẻ về giải pháp dùng can nhựa đựng nước chằng giữ mái tôn.
Chị Chín chia sẻ về giải pháp dùng can nhựa đựng nước chằng giữ mái tôn.

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết, sau cơn bão số 9 cho thấy, các ngôi nhà an toàn đã phát huy tốt tác dụng trong bão, thực sự mang lại an toàn cho người dân. Phía địa phương cũng đang khuyến khích người dân xây nhà kiên cố. Trường hợp không đủ điều kiện thì có thể bố trí vài mét vuông làm kiên cố (có thể dạng hầm) để phòng chống bão.

Rừng ngập mặn chống bão

Bão số 9 đi qua Quảng Ngãi còn cho thấy hiệu quả của rừng ngập mặn do GCF-UNDP tài trợ. Dự án được thực hiện tại Bầu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn.

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, các khu rừng ngập mặn do GCF-UNDP tài trợ tại xã Bình Thuận không chỉ góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, mà còn giữ một vai trò quan trọng trong phòng chống biến đổi khí hậu. Và một tác dụng lớn của rừng ngập mặn được thể hiện vừa qua là có khả năng giảm thiểu tác động từ bão.

Một điều phối viên của dự án cho biết, dự án rừng ngập mặn được thực hiện từ năm 2014 đến nay, với 80 ha rừng trồng chia thành các giai đoạn. Hiện, dự án đã hỗ trợ được việc làm, sinh kế cho 10 hộ dân quanh dự án trồng rừng (3.000 con vịt, thức ăn, thuốc/hộ); 15 hộ quản lý, bảo vệ rừng; trên 40 hộ lao động trồng rừng…

Cóc trắng là loại cây được lựa chọn để trồng rừng ngập mặn.
Cóc trắng là loại cây được lựa chọn để trồng rừng ngập mặn.

Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn cho biết, nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của bà Hải không bị ảnh hưởng nhiều.

Không chỉ góp phần hỗ trợ phòng chống bão, rừng ngập mặn còn đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho người dân thụ hưởng (tham gia dự án).

Như gia đình bà Hải, 30 năm nay sống bằng nghề sông (khai thác thủy sản - PV). Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, gia đình bà bắt đầu là thêm dịch vụ chở khách du lịch tham quan đầm. Hiện, gia đình bà Hải có 3 chiếc ghe, mỗi chuyến chở 3 khách tham quan bà thu được 200.000 đồng/chuyến, 2 khách tham quan mức phí là 150.000 đồng/chuyến.

Do dịch vụ này mới bắt đầu được triển khai nên thu nhập từ việc chở khách chưa nhiều, nhưng như bà Hải nói, bà vẫn mong dịch vụ du lịch tại đầm (Bàu Cái Cá) sớm được triển khi đồng bộ để có thể tạo thêm nhiều công ăn, việc làm hơn.

Tham quan rừng ngập mặn.

Tham quan rừng ngập mặn.

Cũng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án rừng ngập mặn, anh Phạm Duy Nghĩa cho biết, ngoài việc rừng ngập mặn che chắn gió bão, làm giảm thiệt hại trực tiếp cho các hộ dân trong thôn, rừng ngập mặn còn giúp gia đình anh cải thiện dáng kể cuộc sống.

Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong đầm, gia đình anh Nghĩa đang hướng đến việc nuôi thả cua xanh để tăng thu nhập. Anh cho biết, với mỗi 2 vạn con cua giống, trừ tiền vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng, thì sau 3 tháng, nếu suôn sẻ cũng cho lợi nhuận khoảng 15 – 20 triệu đồng.

Rừng ngập mặn và mô hình "nhà an toàn" do Chính phủ và GCF-UNDP thực hiện đang cho thấy những kết quả ban đầu, không chỉ trong chiến lược dài hạn chống biến đổi khí hậu, bảo vệ cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam, mà ngay trong cuộc sống hàng ngày, khi giúp nhiều cộng đồng cải thiện cuộc sống, an toàn và phát triển một cách bền vững.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục