Rủi ro từ những yếu kém trong quản trị công ty

(ĐTCK) Rủi ro xuất phát từ quản trị công ty yếu kém là rủi ro tiềm ẩn, nhưng có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài và bền vững của một doanh nghiệp, gây thiệt hại cho cổ đông. 
FPTS là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng gói giải pháp tư vấn quản trị công ty kết hợp công nghệ hiện đại để hỗ trợ doanh nghiệp FPTS là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng gói giải pháp tư vấn quản trị công ty kết hợp công nghệ hiện đại để hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên, các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, thậm chí ngay cả các cổ đông là tổ chức đầu tư, cổ đông lớn, các chuyên gia phân tích cũng chưa nhận biết và dự báo trước được những rủi ro này.

Trong những năm gần đây, quản trị rủi ro ngày càng gắn liền với các hoạt động của doanh nghiệp. Xu hướng này bao gồm cả việc các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư một phần nguồn lực nhằm nâng cao mối liên hệ giữa việc chấp nhận rủi ro và thu nhập của doanh nghiệp, đồng thời việc thiết lập quản trị rủi ro đủ mạnh là một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách ở cấp độ quản lý của doanh nghiệp.

Trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, lựa chọn cơ cấu quản trị, cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro phù hợp là nền tảng cần thiết đối với chiến lược quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Để có thể đạt hiệu quả cao nhất, khung quản trị rủi ro của doanh nghiệp cần được thiết kế phù hợp với văn hóa và chiến lược của công ty. Đánh giá đúng vai trò của quản trị công ty và quan tâm đến quản trị công ty từ những vấn đề cơ bản nhất là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro. 

Những rủi ro tiềm ẩn

Từ đầu tháng 6 đến nay, cổ phiếu của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) với giá trị vốn hóa “bay hơi’’ hơn nghìn tỷ đồng khiến cho không ít nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề. Câu hỏi đặt ra là vai trò giám sát của HĐQT đến đâu? Nếu HĐQT Công ty làm việc không hiệu quả, không minh bạch, thiếu cơ chế phản biện sẽ không kịp thời phát hiện được rủi ro do hành vi sai phạm của Ban điều hành, nhất là khi vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc do một người nắm giữ.

Nhà đầu tư thường tham khảo thông tin trên các báo cáo phân tích để ra quyết định đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng những thông tin trên các báo cáo phân tích mã cổ phiếu thường chỉ tập trung đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh và triển vọng ngành. Các báo cáo này hầu như bỏ ngỏ không phân tích hay đề cập đến nội dung và thông tin liên quan đến quản trị công ty như: cơ cấu cổ đông và mối quan hệ sở hữu giữa các nhóm công ty, giữa các thành viên HĐQT, Ban điều hành và các bên liên quan, các yếu tố môi trường, xã hội… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết đã quan tâm hơn đến việc hoàn thiện website, công bố thông tin thường xuyên, cập nhật hơn cho cổ đông, nhiều doanh nghiệp lớn còn thành lập Ban quan hệ cổ đông (IR) để thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa cổ đông và doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp phải công bố thông tin xấu hay gặp phải những tin đồn có ảnh hưởng lớn hoạt động kinh doanh và biến động giá cổ phiếu trên thị trường thì lại lúng túng, mập mờ trong việc đính chính tin đồn, thậm chí khi tin đồn còn chưa được làm rõ thì cổ đông nội bộ lại thực hiện bán cổ phiếu mà không công bố thông tin…

Hậu quả là cổ đông mất lòng tin và bán tháo cổ phiếu, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập, đối tác cũng không còn tin tưởng để hợp tác kinh doanh. Như vậy, hoạt động IR tốt không chỉ nằm ở việc tạo dựng các kênh thông tin cho cổ đông, mà còn ở việc bản thân doanh nghiệp ứng phó như thế nào trước các tình huống xấu để duy trì được lòng tin của cổ đông.

Rủi ro cũng có thể xuất phát từ cơ cấu cổ đông chưa hiệu quả, tỷ lệ sở hữu quá phân tán, hoặc có nhiều nhóm cổ đông lớn nhưng không đồng thuận. Mặc dù doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho khâu tổ chức ĐHCĐ thường niên hàng năm để tạo dựng hình ảnh, mời các chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư có tổ chức đến dự, phóng viên đến đưa tin…, nhưng khi biểu quyết các vấn đề tại đại hội thì không thông qua được do không dung hòa được những mâu thuẫn lợi ích khi xây dựng kế hoạch tăng vốn, kế hoạch triển khai dự án, kế hoạch chi trả cổ tức. 

Giải pháp nào cho doanh nghiệp?

Có thể nhận thấy, các rủi ro nêu trên đều gây ảnh hưởng đến hoạt động ổn định, lâu dài của doanh nghiệp, đặc biệt sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông. Kết quả là các nhà đầu tư thường có khuynh hướng tránh đầu tư vào các công ty có những rủi ro cao như vậy.

Khi bản thân doanh nghiệp và các chuyên gia phân tích chưa đánh giá được các rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra xuất phát từ những vấn đề về quản trị công ty thì doanh nghiệp càng cần phải quan tâm hơn đến quản trị công ty từ những nội dung cơ bản nhất.

Luật Doanh nghiệp 2014 và văn bản của các cơ quan quản lý cũng đã đề cập đến quản trị công ty, từ yêu cầu bắt buộc đến khuyến khích doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, để áp dụng những thông lệ quản trị tốt một cách phù hợp và hiệu quả, doanh nghiệp cần tham vấn đơn vị tư vấn độc lập.

Các chuyên gia tư vấn về quản trị sẽ đưa ra những đánh giá độc lập, khách quan về thực trạng quản trị của công ty, từ những hoạt động cơ bản như tổ chức ĐHCĐ, quan hệ nhà đầu tư hiệu quả, xây dựng cơ cấu cổ đông mục tiêu… đến những nội dung chuyên sâu hơn như hoàn thiện các quy chế quản trị nội bộ, đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT, xử lý các mâu thuẫn phát sinh giữa các nhóm lợi ích.

Nhận thấy được vai trò và lợi ích của quản trị công ty tốt khi trực tiếp triển khai các nội dung tư vấn quản trị doanh nghiệp, với mục đích đưa những kinh nghiệm thực tế về quản trị công ty tốt áp dụng cho các doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) là một trong những đơn vị đầu tiên nghiên cứu xây dựng gói giải pháp tư vấn quản trị công ty kết hợp công nghệ hiện đại để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng hiệu quả thông lệ quản trị tốt, bao gồm: tư vấn quan hệ nhà đầu tư và giải pháp EzSearch; tư vấn tổ chức ĐHCĐ và giải pháp EzGSM; tư vấn quản lý cổ đông, xây dựng cơ cấu cổ đông mục tiêu và giải pháp EzLink.

Thực tế, quản trị rủi ro là một vấn đề khá phức tạp và có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp trong quá trình xây dựng một khung quản trị rủi ro hoàn thiện. Do tính phức tạp và cần một thời gian thực hiện tương đối dài để có thể đạt được mức hoàn thiện đầy đủ về năng lực quản trị rủi ro, các công ty nên bắt đầu quy trình xây dựng nền tảng ngay từ bây giờ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ củng cố hoạt động của mình, đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình phát triển.

Có thể nói, để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ nguyên nhân quản trị công ty yếu kém thì giải pháp tư vấn kết hợp tiện ích công nghệ sẽ là sự lựa chọn của số đông các doanh nghiệp hiện còn đang băn khoăn về cách thức áp dụng thông lệ quản trị công ty tốt, vừa phù hợp với thực tế, quy mô doanh nghiệp, mà lại không tốn quá nhiều chi phí, nhân sự thực hiện.

Anh Việt - Nguyên Hằng
Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục