“Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, trong đó đầu tư FDI tăng cao, kim ngạch xuất khẩu liên tục đạt mức kỷ lục. Rủi ro giai đoạn này khác với thời kỳ sau đổi mới, đó là phần lớn được chuyển đổi từ đối tác nước ngoài, sang các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam hầu như không nhập khẩu hàng trả chậm vì không cần nguồn vốn thương mại và ngân hàng nhà nước cũng siết chặt cơ chế bảo lãnh này. Các ngân hàng thương mại thực thi nghiêm túc các chuẩn mực của thông lệ quốc tế trong bảo lãnh và thanh toán.
Tuy nhiên, đặc điểm rủi ro mà doanh nghiệp hứng chịu gần đây là sự lừa đảo có tính chất quốc tế, hay sự gian lận thương mại và gian dối của nhà xuất nhập khẩu nước ngoài. Tâm lý của nhiều doanh nghiệp là nỗ lực bán được hàng, giải phóng tồn kho và dễ tin vào đối tác, xem nhẹ yếu tố phòng ngừa rủi ro. Họ thường chú trọng vào công tác tiếp thị khai thác thị trường cạnh tranh, bỏ lơi công tác điều tra nghiên cứu đối tác mà vốn dĩ nó đòi hỏi nhiều thời gian và thông tin, đặc biệt là thông tin từ nước bản địa.
Có rất nhiều hình thức lừa đảo, gian lận cả trong giao dịch xuất khẩu và nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp sẽ tránh được nếu nắm rõ đối tác.
Các doanh nghiệp Việt Nam không có thói quen bay sang tận nơi để thị sát hoạt động kinh doanh của đối tác, dẫn đến sai lầm, tin ở các giao dịch thông thường.
Một trong rất nghiều cạm bẫy đối tác gương ra là chuyển tiền 30% ứng trước, để doanh nghiệp ta tin tưởng giao hàng 100% theo phương thức DA/DP, hoặc trả trước 70% còn lại sau khi nhận hàng. Kết quả kẻ lừa đảo lấy chứng từ nhận hàng và tự giải tán. Ngay cả khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng bằng L/C, tiền phải trả để có bộ chứng từ nhận hàng, nhưng đó là những container toàn… rác.
Bọn chúng lập trang web để lừa đảo sau khi nghiên cứu kỹ công ty Việt Nam. Thương mại điện tử rất dễ bị lợi dụng nếu không nghiên cứu đối tác và trong thực tế, rất nhiều nạn nhân là doanh nghiệp Việt Nam.
Nghiên cứu một số vụ lừa đảo điểm nổi bật là doanh nghiệp quá tin người. Họ bỏ qua việc điều nghiên đối tác, khi thấy hời trong doanh số và đơn giá là bỏ qua yếu tố rủi ro. Có công ty xuất khẩu bất kể cảnh báo của ngân hàng về rủi ro trong điều khoản L/C, không yêu cầu đối tác sửa đổi, mà cứ giao hàng.
Hợp đồng thương mại cũng sơ sài và bất lợi cho phía Việt Nam, nhưng vẫn ký và thực hiện, từ đó tạo điều kiện để phía nước ngoài giao hàng không như mong muốn, gây ra kiện tụng, mà phía ta là kẻ thua kiện.
Trong năm 2006, một kẻ lừa đảo đã khuynh đảo thị trường thủy sản Việt Nam bằng những cú lừa nhập khẩu thủy sản từ gần chục doanh nghiệp trong VASEP, giá trị tới hàng triệu USD.
Vai trò ngân hàng trong tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng. Lý tưởng là các ngân hàng sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp gặp ngân hàng đại lý và nhà nhập khẩu để giải quyết vấn đề thanh toán, hay lấy lại hàng hóa để bán trên thị trường mỗi khi bị từ chối. Tuy nhiên, thực tế, có không ít ngân hàng khi nhận chứng từ đủ điều kiện thanh toán lại bị trả về, thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu đến nhận.
“Trách nhiệm trả tiền là của ngân hàng phát hành, nhưng họ như vậy, dù chúng tôi đã hết sức để bảo vệ doanh nghiệp”, một lãnh đạo ngân hàng nói.
Rủi ro thương trường là tất yếu và doanh nghiệp phải thích ứng. Tuy nhiên, cẩn trọng sẽ không bao giờ thừa trong mọi giao thương, đặc biệt là giao thương quốc tế.