Mức nợ quốc gia của Trung Quốc đã tăng lên gần 4 lần GDP, trong khi số lượng trái phiếu doanh nghiệp bị vỡ nợ ngày càng tăng trong 18 tháng qua, theo phân tích của đài CNBC.
Mặc dù các vụ vỡ nợ mới đây nhất chỉ phản ánh cho một phần nhỏ của thị trường trái phiếu trong nước trị giá 13.000 tỷ USD của Trung Quốc, nhưng một số vụ có tiếng tăm đã khiến các nhà đầu tư bối rối bởi họ lâu nay vẫn nhận thức rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không để các công ty được nhà nước hẫu thuẫn trở nên thất bại.
Trường hợp của Công ty quản lý tài sản Trung Quốc Huarong Asset Management đã khiến nhà đầu tư ngỡ ngàng, gây ra một sự xáo trộn trên thị trường khi công ty này không công khai lợi nhuận kịp thời và trái phiếu bằng USD của doanh nghiệp này lao dốc.
Các nhà phân tích đánh giá những trường hợp như Huarong báo hiệu cách thức gọi là “bảo lãnh ngầm” của nhà nước đang thay đổi khi chính phủ Trung Quốc nỗ lực cải thiện chất lượng của thị trường trái phiếu bằng việc loại bỏ các công ty yếu hơn và cho phép tạo ra một số khác biệt trong ngành.
Khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, gới chức nước này đang tìm cách cân bằng tốt hơn giữa việc duy trì quyền kiểm soát và đưa một số động lực định hướng thị trường vào nền kinh tế để duy trì tăng trưởng trong dài hạn.
Trong nửa đầu năm nay, tổng số trái phiếu doanh nghiệp bị vỡ nợ ở Trung Quốc lên tới 62,59 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,68 tỷ USD) - mức cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2014, theo dữ liệu từ Fitch Ratings. Trong đó, các vụ vỡ nợ của các công ty vốn nhà nước chiếm hơn một nửa tổng số tiền trên, khoảng 35,65 tỷ nhân dân tệ.
Fitch Ratings ghi nhận, trong cả năm 2020, các khoản vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc lên tới 146,77 tỷ nhân dân tệ, một bước nhảy vọt lớn so với năm 2014. Vào năm 2014, tổng số trái phiếu vỡ nợ là 1,34 tỷ nhân dân tệ và không có vụ vỡ nợ nào của công ty nhà nước.
Về vấn đề này, các nhà kinh tế cho rằng nhà đầu tư cần lưu tâm 3 diễn biến quan trọng.
Vỡ nợ trái phiếu trong "vùng xám"
Thứ nhất, tình trạng vỡ nợ trái phiếu đang trong "vùng xám" (ám chỉ vấn đề chưa có quy định rõ ràng) của chính quyền địa phương. Một dấu mốc quan trọng phản bác lại quan điểm rằng có sự "đảm bảo ngầm" trên thị trường Trung Quốc là sự vỡ nợ của trái phiếu do các công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) phát hành.
Các công ty này thường thuộc sở hữu hoàn toàn của chính quyền địa phương ở Trung Quốc, và được thành lập nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng. Trái phiếu do các công ty như vậy phát hành đã tăng mạnh trong bối cảnh cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc được phát triển khi nền kinh tế được cải thiện.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Macquarie, cho biết: "Nhiều các công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) thậm chí còn tệ hơn cái gọi là các công ty Zombie theo nghĩa họ không thể trả lãi, huống hồ là tiền gốc".
Các công ty Zombie được hiểu là những thực thể ngập trong nợ nần, sống nhờ các khoản vay và trợ cấp chính phủ. "Họ chỉ có thể tồn tại bởi nhờ sự hỗ trợ của chính quyền", ông ông Larry Hu nói thêm.
"Năm 2021 là thời điểm phá vỡ sự đảm bảo ngầm, vì đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách không lo lắng về mục tiêu tăng trưởng GDP. Do đó, họ chấp nhận rủi ro tín dụng nhiều hơn", ông Hu phân tích, đồng thời quả quyết rằng việc vỡ nợ trái phiếu do các công ty tài chính của chính quyền địa phương phát hành chỉ là vấn đề thời gian.
Năm 2015, nhà sản xuất thiết bị điện Baoding Tianwei đã trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên vỡ nợ, sau lần vỡ nợ đầu tiên trên thị trường trái phiếu Trung Quốc 1 năm trước đó.
Công ty tài chính Nomura cho rằng các công ty tài chính của chính quyền địa phương là “trọng tâm chính” trong động thái thắt chặt của Trung Quốc; đồng thời lưu ý rằng trái phiếu do các công ty tài chính Trung Quốc phát hành đã tăng lên mức kỷ lục 1.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 292,87 tỷ USD) vào năm 2021, từ con số 600 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018.
Các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư Bank of America cho rằng, nhân tố then chốt ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường trái phiếu đầu tư của Trung Quốc trong tương lai là cách thức giải quyết vụ việc của Công ty quản lý tài sản Huarong Asset Management, điều mà họ gọi là một "mối nguy hại lớn lơ lửng".
Huarong, Công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc, đã phải vật lộn với việc đầu tư thất bại và một vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Chủ tịch.
Sau khi lỡ kế hoạch công bố kết quả kinh doanh năm 2020 vào tháng 3 vừa qua, Huarong cho biết "các kiểm toán viên sẽ cần thêm thông tin và thời gian để hoàn thành" các thủ tục kiểm toán. Tuy nhiên, công ty này lý giải rằng việc chưa công bố kết quả kinh quả không phải là vỡ nợ.
Bộ Tài chính là cơ quan hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho Huarong. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ cần phải phát triển đủ nhanh để đảm bảo ngân sách của chính phủ trung ương không bị căng thẳng thêm.
Theo Bank of America, nếu vụ việc của Huarong được giải quyết với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, nó sẽ thúc đẩy cải thiện lĩnh vực quản lý tài sản của Trung Quốc, cũng như các tổ chức khác liên quan tới chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, "nếu trái phiếu bằng USD của Huarong bị vỡ nợ một cách hỗn độn, chúng ta có thể thấy một đợt bán tháo trên diện rộng các khoản tín dụng Trung Quốc, đặc biệt là các khoản tín dụng đầu tư", Bank of America đánh giá.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc hối thúc Huarong thoái vốn bằng cách bán các tài sản không thuộc lĩnh vực cốt lõi trong nỗ lực cải tổ, theo thông tin Reuters đăng tải hồi đầu tháng 6.
Trong trường hợp Huarong vỡ nợ, chi phí vốn hay theo quan điểm của nhà đầu tư "tỷ lệ hoàn vốn đầu tư", có thể tăng đáng kể đối với các doanh nghiệp nhà nước khác khi "thị trường đánh giá lại nhận thức về sự đảm bảo ngầm của nhà nước", ông Chang Wei-Liang, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Ngân hàng DBS (Singapore) cho biết. Khi rủi ro tăng lên, các công ty phải cam kết mức lợi nhuận cao hơn để thu hút nhà đầu tư.
Chuyên gia Ngân hàng DBS cho rằng Trung Quốc có đủ tiền để giải quyết các vấn đề của Huarong.
Tuy nhiên, "câu hỏi quan trọng là liệu nhà nước Trung Quốc sẽ lựa chọn can thiệp bằng cách bơm thêm vốn, hay bắt chủ sở hữu cổ phần và chủ nợ trước kia phải chịu lỗ để củng cố các quy tắc thị trường", ông Chang Wei-Liang nói thêm.
Điểm yếu của một số địa phương và ngân hàng
Trong nỗ lực tìm ra những điểm nóng tiềm ẩn đối với các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, các nhà phân tích của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nhận thấy các ngân hàng nhỏ tập trung ở phía Bắc và phía Trung Nam của Trung Quốc phải đối mặt với chất lượng tài sản ngày càng giảm sút.
"Các ngân hàng thương mại ở thành phố và khu vực nông thôn với các khoản nợ xấu trên mức trung bình của ngành ngân hàng sẽ phải xóa bỏ các khoản vay trị giá 69 tỷ đồng nhân dân tệ để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức trung bình của ngành, trong đó các ngân hàng ở Đông Bắc (Trung Quốc) bị ảnh hưởng nặng nề nhất", S&P Global Ratings nêu trong báo cáo ngày 29/6.
Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng của các ngân hàng nhỏ trong việc hỗ trợ các công ty nhà nước ở địa phương, thậm chí có khả năng buộc các ngân hàng lớn hơn phải can thiệp để duy trì sự ổn định của hệ thống, báo cáo S&P Global Ratings nêu thêm.
Ming Tan, chuyên viên phân tích tín dụng của S&P Global Ratings cho rằng những tỉnh của Trung Quốc gặp vấn đề lớn hơn là những nơi có hoạt động của các ngành công nghiệp chu kỳ.
Chuyên gia này cho rằng, giới chức Trung Quốc cần phải cân bằng giữa việc chấp nhận các khoản vay chất lượng kém hơn có mức rủi ro cao hơn và kiểm soát các vấn đề không tiến triển.
"Chắc chắn có nguy cơ quản lý yếu kém đang diễn ra, nhưng cho đến nay những gì chúng tôi thấy là vấn đề này được quản lý khá tốt", Ming Tan đánh giá.
Tuần trước, cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc tiết lộ rằng vào năm ngoái, ngành ngân hàng đã xử lý khối nợ xấu cao kỷ lục 3,02 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 465,76 tỷ USD). Các dữ liệu khác được công bố tuần trước cho thấy GDP quý II/2021 của Trung Quốc tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo trước đó.
Một số nhà phân tích đã chỉ ra những yếu kém ở cấp địa phương tại Trung Quốc. Phân tích của Công ty quản lý tài sản Pinpoint cho thấy tiêu dùng trong tháng 5 ở thủ phủ của 4 tỉnh (Trung Quốc), bao gồm Vũ Hán, Quý Dương, Thạch Gia Trang và Ngân Xuyên.
Bà Francoise Huang, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Công ty bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, một công ty con của Tập đoàn tài chính Allianz, cho biết: "Một tỉnh yếu hơn về mặt tài chính có thể liên quan đến tình hình kinh tế kém năng động; (và) tình hình kinh tế suy yếu có nghĩa là có thể có nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp hơn".
Nữ chuyên gia của Euler Hermes cho rằng vấn đề dài hạn là tái cấu trúc kinh tế của những tỉnh yếu kém này để tạo điều kiện cho những tỉnh năng động hơn phát triển. "Tôi không nghĩ giải pháp sẽ là (tiếp tục) đầu tư vào những lĩnh vực kém hiệu quả hơn chỉ vì mục đích duy trì sự tồn tại của những lĩnh vực này", bà Francoise Huang nhận định.