Nhiều quốc gia ngập trong nợ do tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc

(ĐTCK) Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề xử lý khoản nợ khổng lồ từ các quốc gia vay nợ Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng và đang gặp khủng hoảng về vấn đề trả nợ do đại dịch Covid-19, theo các nhà phân tích.
Nhiều quốc gia ngập trong nợ do tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc

Kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn được gọi là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang gây nên làn sóng tranh cãi và chỉ trích vì làm nhiều quốc gia ngập chìm trong nợ.

Đây là một dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng một mạng lưới phức tạp gồm các tuyến đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, châu Phi và châu Âu. Dự án này cũng nhằm mục đích thúc đẩy thương mại.

Các tổ chức tài chính Trung Quốc đã cung cấp hàng trăm tỷ USD tài trợ cho các quốc gia tham gia vào các dự án BRI.

“Nhiều quốc gia theo sáng kiến BRI đã vay nợ rất nhiều từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án mới, nhưng đại dịch đang làm gián đoạn các nền kinh tế và sẽ làm phức tạp thêm các kế hoạch trả nợ”, theo Kaho Yu, chuyên gia phân tích cấp cao châu Á tại Verisk Maplecroft.

Một số dự án BRI lớn như các dự án tại Indonesia, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka và Pakistan đã bị đình trệ do các biện pháp phong tỏa và đóng cửa đất nước, theo Simon Leung, một đối tác tài chính ngân hàng tại công ty luật Baker McKenzie.

Sự bùng phát đại dịch cũng đã dẫn đến sự gián đoạn trong các dự án BRI vốn phụ thuộc lớn vào lao động và nguồn cung, nhưng cả 2 vấn đề này đều gặp khó khăn do các biện pháp phong tỏa, theo Simon Leung.

“Sự sụt giảm trong doanh thu xuất khẩu, cùng với sự gia tăng chi tiêu trong nước do sự bùng phát đại dịch dẫn đến đồng tiền nội tệ bị mất giá và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thanh toán các khoản nợ bằng đồng ngoại tệ cho các ngân hàng Trung Quốc”, ông nói thêm.

Nhu cầu sụt giảm cho hàng hóa trong nước dẫn đến nhu cầu nội tệ suy yếu. Tất cả những điều đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các quốc gia trong việc thanh toán các khoản nợ bằng đồng USD cho Trung Quốc.

Theo nghiên cứu từ Green Belt and Road Initiative Center có trụ sở tại Bắc Kinh, có hơn 130 quốc gia đã tham gia vào sáng kiến RBI và trong đó có rất nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Phi và Trung Á.

Theo ông Kaho Yu, các quốc gia có thu nhập thấp thuộc RBI đã yêu cầu Trung Quốc giảm nợ. Điều này có thể gồm nhiều hình thức miễn lãi, gia hạn thời hạn thanh toán hoặc tạm dừng thanh toán trong trung hạn.

Các nhà phân tích cho biết, Pakistan và Sri Lanka là một trong những nước có tình hình tệ nhất và có thể không thể thực hiện các nghĩa vụ nợ trong năm nay do hậu quả của đại dịch.

Trao đổi hàng hóa

Bên cạnh đó, theo ông Kaho Yu, những quốc gia đã kí kết giao ước “hàng đổi hàng” với Trung Quốc có thể còn khó khăn hơn.

Một số khoản vay của các nước từ Trung Quốc được báo cáo theo số thùng dầu, đây cũng là thông lệ mà Ngân hàng thế giới gọi là hành động không rõ ràng vì nó che dấu số tiền thanh toán thực sự.

“Kể từ khi đại dịch tấn công vào giá dầu, các quốc gia này sẽ phải sản xuất thêm dầu để trả nợ. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã phá vỡ tất cả các hoạt động công nghiệp, khiến các quốc gia này không thể đáp ứng được mức sản xuất cần thiết. Kết quả là, các công ty Trung Quốc có thể sẽ được trao quyền kiểm soát liên doanh hoặc được hoàn trả bằng tài sản”, theo ông Kaho Yu.

Trung Quốc đã có một hồ sơ theo dõi về việc tiếp quản tài sản khi các quốc gia không thể trả nợ. Một ví dụ điển hình là Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng chiến lược cho Bắc Kinh vào năm 2017, sau khi họ không thể trả hết nợ cho các công ty Trung Quốc.

Theo báo cáo, các khoản vay Trung Quốc cho các quốc gia được giữ bí mật và Bắc Kinh thường yêu cầu tài sản của khu vực công làm tài sản thế chấp. Từ năm 2000 đến 2017, khoản nợ các quốc gia khác nợ Trung Quốc tăng gấp 10 lần, theo một nghiên cứu năm ngoái.

Áp lực xử lý nợ xấu

Theo nghiên cứu từ Economist Intelligence Unit (EIU), Trung Quốc sẽ gặp áp lực phải xử lý nợ xấu vì phải gia hạn các khoản vay hoặc thậm chí phải xóa nợ.

“Có một khả năng rằng Trung Quốc sẽ buộc phải xóa nợ do các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng hoặc các thỏa thuận khác”, EIU cho biết. Một sự kiện bất khả kháng xảy ra khi các tình huống không lường trước được như thảm họa tự nhiên hoặc trong trường hợp này, một đại dịch ngăn không cho bên nào hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng.

“Xóa nợ trên diện rộng có thể tạo ra chu kỳ phản hồi tiêu cực, điều này sẽ ngăn cản hoạt động cho vay của Trung Quốc trong tương lai trong phần còn lại của năm 2020 (và đến năm 2021)”, theo EIU.

Phần lớn các khoản cho vay được thực hiện thông qua hai ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, cả hai đều liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, theo Simon Leung.

“Những ngân hàng này được hưởng sự ủng hộ và hỗ trợ của chính phủ và do đó, việc đàm phán lại nợ có thể liên quan đến đàm phán về mặt chính trị”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ có động lực để xóa nợ do tầm quan trọng của BRI đối với Trung Quốc và đặc biệt đối với những dự án quan trọng về mặt chiến lược mà Trung Quốc có cổ phần chiến lược trong nhiều dự án xuyên quốc gia, theo chiến lược gia vĩ mô châu Á tại ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ.

Mặt khác, các ngân hàng Trung Quốc cũng đang đối diện với một khoản nợ xấu ngày càng gia tăng vì người tiêu dùng và các công ty cũng phải chịu gánh nặng của đại dịch. Đầu năm nay, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết họ cũng phải chịu mức nợ xấu cao hơn do phải hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đại dịch.

Vũ Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục