Dữ liệu việc làm không đáng sợ như dự đoán, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Dù số việc làm bị mất trong tháng 4 đạt mức kỷ lục, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo, trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được xoa dịu giúp chứng khoán toàn cầu khởi sắc trong phiên cuối tuần qua (8/5).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, số việc làm của Mỹ mất tới 20,5 triệu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 17,4%. Dù là con số lớn trong lịch sử, nhưng vẫn thấp hơn so với con số dự báo của các nhà phân tích trong cuộc khảo sát của Reuters là 22 triệu.

Trong khi đó, thông tin cho biết, lãnh đạo thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc điện đàm làm giảm căng thẳng thương mại giữ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sau lời đe dọa trước đó của ông Trump về việc hủy thỏa thuận giai đoạn 1 và đánh thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Những thông tin trên giúp giới đầu tư bớt đi nỗi lo sợ, qua đó giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Dow Jones tăng 455,43 điểm (+1,91%), lên 24.331,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 48,61 điểm (+1,69%), lên 2.929,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 141,66 điểm (+1,58%), lên 9.121,32 điểm.

Sau 2 tuần giảm liên tiếp, phố Wall đã có tuần hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là chỉ số Nasdaq. Cụ thể, trong tuần Dow Jones tăng 2,56%, S&P tăng 3,50% và Nasdaq tăng 6,00%.

Cũng giống chứng khoán Mỹ và châu Á, thông tin Mỹ và Trung Quốc điện đàm để giảm căng thẳng thương mại, cùng lợi nhuận của một số doanh nghiệp vừa công bố tích cực đã giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên cuối tuần, ngoại trừ chứng khoán Anh nghỉ giao dịch.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 145,21 điểm (+1,35%), lên 10.904,48 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 48,20 điểm (+1,07%), lên 4.549,64 điểm.

Sau tuần bị hãm đà tăng trước đó do phiên lao dốc cuối tuần, trong khi các thị trường chính của khu vực nghỉ lễ, chứng khoán Anh đã đòi lại được nợ trong tuần qua, dù cũng bỏ lỡ mất phiên giao dịch tích cực cuối tuần. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 chốt tuần tăng 3%, tuần tăng thứ  2 liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số DAX chỉ tăng 0,39% sau khi tăng hơn 5% tuần trước đó và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp, còn CAC 40 lại điều chỉnh giảm 0,49%.

Thông tin đại diện thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc điện đàm để làm giảm căng thẳng, cùng với kỳ vọng Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường tài chính rộng hơn giúp chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 8/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 504,32 điểm (+2,56%), lên 20.179,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,82 điểm (+0,83%), lên 2.895,34 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 249,54 điểm (+1,04%), lên 24.230,17 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,21 điểm (+0,89%), lên 1.945,82 điểm.

Tương tự, do có thêm phiên giao dịch thứ Sáu và giảm mạnh, nên đà tăng của chứng khoán Nhật Bản trong tuần qua cũng bị hao hụt đi khá nhiều, còn các thị trường còn lại duy trì đà tăng tốt, lấy lại hết những gì đã mất trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,86%, chỉ số Hang Seng tăng 3,41%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,84% và Kospi tăng 3,10%.

Giá vàng lại quay đầu điều chỉnh sau phiên tăng mạnh hôm thứ Năm khi chứng khoán khởi sắc.

Kết thúc phiên 8/5, giá vàng giao giảm 15,1 USD (-0,88%), xuống 1.712,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 11,9 USD (-0,69%), xuống 1.713,9 USD/ounce.

Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với phiên tăng mạnh hôm thứ Năm, giá vàng đã đảo chiều tăng trở lại trong tuần qua, lấy lại được gần phân nửa những gì đã mất trong tuần trước. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,59% và giá vàng tương lai tăng 0,76%.

Báo cáo việc làm của Mỹ vừa công bố với số lao động trong tháng 4 giảm tới 20,5 triệu lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên tới 14,7% khiến các nhà đầu tư và phân tích đều dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần mới, dù không quá tích cực như tuần trước đó.

Cụ thể, trong 11 chuyên gia trả lời khảo sát có 6 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 55%, thấp hơn con số 60% của tuần trước, có 3 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 27%, thấp hơn con số 33% của tuần trước và 2 người dự báo đi ngang, chiếm 18%.

Tương tự, trong 750 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 502 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 67%, cao hơn con số 54% của tuần trước; 139 lượt dự báo giá giảm, chiếm 19%, thấp hơn so với 29% của tuần trước và 109 lượt dự báo đi ngang, chiếm 15%.

Giá dầu thô cũng tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngừng để phóng chống dịch Covid-19.

Kết thúc phiên 8/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,19 USD (+4,81%), lên 24,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,51 USD (+4,88%), lên 30,97 USD/thùng.

Giá dầu thô có tuần hồi phục mạnh thứ 2 liên tiếp trong tuần qua, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 25,08% sau khi tăng 16,77% tuần trước đó và giá dầu thô Brent tương lai tăng 22,46% sau khi tăng 17,96% trong tuần trước đó.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục