Việc nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại đã giúp giới đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi nhanh của kinh tế toàn cầu, qua đó giúp thị trường chứng khoán tăng liên tiếp 2 phiên đầu tuần và duy trì đà tăng tốt trong phần lớn thời gian của phiên thứ Tư.
Tuy nhiên, phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vừa được ký hồi tháng 1, cùng với việc kinh tế châu Âu được dự đoán suy thoái mạnh và giá dầu thô điều chỉnh giảm khiến nhà đầu tư bất an, đồng loạt bán ra, đẩy các chỉ số chính của phố Wall quay đầu trong những phút cuối phiên. Trong đó, chỉ có Nasdaq may mắn giữ được sắc xanh.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Dow Jones giảm 218,45 điểm (-0,91%), xuống 23.664,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,02 điểm (-0,70%), xuống 2.848,42 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 45,27 điểm (+0,51%), lên 8.854,39 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư khi Ủy ban châu Âu dự báo kinh tế khu vực này sẽ suy giảm 7,7% trong năm nay. Ngoài ra, niềm tin của nhà đầu tư vào gói kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bị lung lay khi tòa án tối cao Đức đưa ra phán quyết cho ECB 3 tháng để biện minh cho các chương trình kích thích kinh tế của mình.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,34 điểm (+0,07%), lên 5.853,76 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 123,26 điểm (-1,15%), xuống 10.606,20 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 49,75 điểm (-1,11%), xuống 4.433,38 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn nghỉ lễ, thì các thị trường còn lại đều tăng điểm trong phiên thứ Tư khi giới đầu tư phản ứng tích cực với việc nhiều nước mở cửa trở lại nền kinh tế sau thời gian cách ly để đối phó với dịch Covid.
Kết thúc phiên 6/5, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,06 điểm (+0,63%), lên 2.878,14 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 268,82 điểm (+1,13%), lên 24.137,48 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 33,39 điểm (+1,76%), lên 1.928,76 điểm.
Giá giảm mạnh trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư cảm thấy bị áp lực bởi các yếu tố bên ngoài như giá dầu thô điều chỉnh, trong khi đồng USD tăng mạnh.
Kết thúc phiên 6/5, giá vàng giao giảm 22 USD (-1,29%), xuống 1.684,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 22,1 USD (-1,29%), xuống 1.688,5 USD/ounce.
Sau hơn 1 tuần hồi phục ấn tượng với mức tăng gấp đôi, giá dầu thô đã chịu áp lực đều chỉnh trong phiên thứ Tư do lực chốt lời và đồng USD mạnh.
Kết thúc phiên 6/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,57 USD (-2,38%), xuống 23,99 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,25 USD (-4,21%), xuống 29,72 USD/thùng.