Phố Wall mở cửa phiên đầu tuần mới tiếp tục duy trì đà giảm khi giới đầu tư lo lắng về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sau khi ông Trump dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD nông sản Mỹ. Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng dọa sẽ đánh thuế với hàng hóa của Trung Quốc khi ông đổ lỗi cho Bắc Kinh trong việc để đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu dao động trong sắc đỏ trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên, về cuối phiên, với thông tin một số bang lớn của Mỹ mở cửa kinh doanh trở lại, cùng với giá dầu thô tăng, sự hỗ trợ của nhóm công nghệ (Microsoft, Apple, Amazon), internet giúp phố Wall đảo chiều tăng điểm thành công, trong đó chỉ số Nasdaq tăng ấn tượng.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết, đã phác thảo kế hoạch mở cửa lại kinh doanh ở bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Thống đốc California, ông Gavin Newsom, nói rằng các doanh nghiệp bán lẻ ở tiểu bang có thể bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu tuần này.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số Dow Jones tăng 26,07 điểm (+0,11%), lên 23.749,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,03 điểm (+0,42%), lên 2.842,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 105,77 điểm (+1,23%), lên 8.710,72 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lao dốc khi nhà đầu tư bán tháo trước lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi ông Trump đe dọa đánh thuế hàng Trung Quốc và hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Kết thúc phiên 4/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 9,28 điểm (-0,16%), xuống 5.753,78 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức giảm 394,84 điểm (-3,64%), xuống 10.466,80 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 193,95 điểm (-4,24%), xuống 4.378,23 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật và Trung Quốc nghỉ lễ, thì chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc lại lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần mới khi giới đầu tư lo lắng căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc khi ông Trump dọa sẽ hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu Trung Quốc không thực hiện cam kết mua 200 tỷ USD nông sản của Mỹ.
Kết thúc phiên 4/5, Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.029,79 điểm (-4,18%), xuống 23.613,80 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 52,19 điểm (-2,68%), xuống 1.895,37 điểm.
Sau phiên tăng mạnh cuối tuần trước, giá vàng chỉ lình xình và đóng cửa ít thay đổi trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, giá vàng tương lai lại tăng tốt khi giới đầu tư tìm tới trú ẩn trước lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng xấu hơn.
Kết thúc phiên 4/5, giá vàng giao giảm 0,4 USD (-0,02%), xuống 1.702,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 12,4 USD (+0,73%), lên 1.713,3 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục hồi phục tốt khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng lệnh cách ly để mở cửa trở lại nền kinh tế, trong khi các nước sản xuất bắt đầu thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 4/5, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,61 USD (+2,99%), lên 20,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,76 USD (+2,79%), lên 27,20 USD/thùng.