Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 mất 1,8% ngay đầu phiên giao dịch 1/5, báo hiệu thị trường chứng khoán Mỹ có thể mở cửa giảm sâu và tiếp đà trượt điểm của phiên trước đó 30/4.
Trong khi đó, chỉ số FTSE100 của Anh giảm sâu hơn với 2,4% còn hầu hết các thị trường chứng khoán tại châu Âu đều đóng cửa ngày Quốc tế Lao động (1/5).
Nhiều thị trường lớn tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore… cũng đóng cửa nghỉ ngày Quốc tế Lao động. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chốt phiên giảm 2,8% khi cổ phiếu của Tokyo Electron mất hơn 5%, còn chỉ số Topix giảm 1,81%. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đóng cửa mất hơn 5% khi cổ phiếu của các công ty khai khoáng lớn như BHP “bay hơi” hơn 6%, còn cổ phiếu “nặng ký” của ngành ngân hàng như Commonwealth và ANZ đều trượt hơn 4%.
Hãng công nghệ Mỹ Amazon hôm 30/4 công bố doanh thu đạt kỷ lục nhưng lợi nhuận sụt giảm thất vọng do chi phí liên quan đến dịch Covid-19 như xét nghiệm cho nhân viên và tiền lương tăng cao. Cụ thể, doanh thu quý I/2020 của Amazon tăng 26% so với cùng kỳ năm trước lên mức kỷ lục 75,5 tỷ USD, nhưng lợi nhuận giảm 29% còn 2,5 tỷ USD do gánh nặng chi phí.
Còn Apple xác nhận doanh số quý I/2020 vẫn tăng nhẹ dù các đối tác cung ứng tại Trung Quốc đóng cửa ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và doanh số từ thị trường này cũng bị “sứt mẻ”. Hãng này cho biết doanh thu quý I tăng 1% lên 58,3 tỷ USD nhưng lợi nhuận vẫn giảm khoảng 3% xuống còn 11,25 tỷ USD.
Cổ phiếu của Apple và Amazon đều dẫn đầu sóng tăng điểm trên thị trường những tuần gần đây, nhưng lần lượt giảm 3,2% và 5,4% trong những giờ giao dịch kéo dài sau khi 2 hãng này công bố lợi nhuận quý I.
“Rủi ro lớn đối với các thị trường chứng khoán đều xoay quanh câu hỏi sức chịu đựng và khả năng phục hồi của các cổ phiếu công nghệ lớn ra sao”, Mike Bell, chuyên gia thị trường toàn cầu của Quỹ quản lý tài sản J.P. Morgan nhận định.
Chứng khoán Mỹ đêm qua chốt phiên “đỏ lửa” khi cả 3 chỉ số lớn đều trượt dốc. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa mất 288,14 điểm còn 24.345,72 điểm, còn chỉ số S&P 500 trượt 0,9% và kết thúc phiên với 2.912,43 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,3% còn 8.889,55 điểm.
Nhìn lại chuỗi giao dịch của tháng trước, chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng điểm phần trăm lớn nhất kể từ năm 1987 khi 2 chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 12,7% và 11,1% trong tháng 4, còn Nasdaq Composite ghi nhận sóng tăng mạnh nhất với 15,5% - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2000.
Giới đầu tư đang ngóng đợi một loạt doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận quý I/2020 trong hôm nay 1/5, trong đó có các “đại gia” ngành năng lượng như Exxon Mobil và Chevron.
Thông tin được đón đợi khác là chỉ số sản xuất chế tạo tháng 4 mà Viện Quản lý Cung ứng (Mỹ) dự kiến công bố vào cuối ngày 1/5, dẫu biết các chuỗi cung ứng đều bị gián đoạn và nhu cầu hàng hóa đầu vào của các nhà máy giảm mạnh vì dịch Covid-19.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi lên với dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 2% lên 27,06 USD/thùng, còn giá dầu thô tương lai của Mỹ tăng mạnh hơn 4,3% lên 19,65 USD/thùng. Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu nhiên liệu sẽ tăng lên khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ và nguồn cung bị siết lại theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Thị trường tiền tệ ghi nhận chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mức 100 thiết lập đầu tuần về 99,136. Đồng yên Nhật Bản mất giá và giao dịch ở mức 107,13 JPY/USD, còn đô la Australia cũng suy yếu và trao tay 1 AUD/0,6463 USD.