Nền tảng thanh khoản của thị trường đang có xu hướng giảm dần, trong đó, những phiên giảm điểm lại có khối lượng giao dịch cao hơn những phiên phục hồi. Diễn biến này là một chỉ báo cho thấy thị trường tiếp tục điều chỉnh, thậm chí VN- Index có thể hướng về ngưỡng kháng cự mạnh 950 điểm. Thanh khoản đang là vấn đề lớn của thị trường khi duy trì mức thấp sang tuần thứ 7, với giá trị khớp lệnh chỉ đạt trên 2.500 tỷ đồng, thấp hơn mức bình quân 15 tuần.
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán trong nước, ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán cho rằng, sau nhịp tăng mạnh của chỉ số VN-Index trước đó, cổ phiếu các nhóm ngành dệt may, thủy sản, điện nước... đều tăng giá và neo ở mức khá cao.
Đây là nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ, cùng với kết quả kinh doanh tương đối tích cực. VN-Index hiện đã rơi về vùng đáy nhạy cảm 960 điểm và tâm lý của thị trường đang có phần bi quan, dẫn tới nhiều cổ phiếu sẽ bị bán mạnh. Đó có thể là cơ hội để dòng tiền bên ngoài giải ngân trở lại.
Thêm vào đó, nhóm cổ phiếu lớn có tầm ảnh hưởng đến chỉ số lại đang rơi vào vòng xoáy thông tin, chưa tạo ra lực hỗ trợ cùng nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn khác. Khi đó, dòng tiền mạo hiểm có xu hướng tìm đến nhóm cổ phiếu thị giá thấp (penny), đặc biệt là những cổ phiếu có thị giá “siêu thấp”. Do thị giá thấp, quy mô vốn hóa nhỏ, nên chỉ cần một lượng tiền nhỏ tham gia mua vào cũng có thể tạo ra bước sóng tăng đối với nhóm cổ phiếu này.
Nhóm cổ phiếu nhỏ tăng mạnh trong thời gian qua như OGC, FLC, DLG, PVX..., khi rơi vào đà giảm là giảm “không phanh”. Đặc biệt, những mã penny thanh khoản kém lại càng rủi ro khi giá điều chỉnh giảm.
Cổ phiếu VHG (CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam) đang được thị trường chú ý hơn khi tăng trần 24 phiên liên tiếp (từ mức giá 440 đồng/cổ phiếu lên 1.940 đồng/cổ phiếu, chốt phiên 22/4), tăng gần 5 lần. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt, với tổng giá trị giao dịch hàng ngày của VHG khoảng 1 tỷ đồng, nhà đầu tư khó có thể “kiên nhẫn” chờ đợi từ đầu đến phiên thứ 24, mà thường chốt lãi theo ngày T+.
Câu chuyện tương tự với PPI (của CTCP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương). Những cổ phiếu này chủ yếu thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí có sự tham gia của dòng tiền đầu cơ của “đội lái”.
Việc một cổ phiếu tăng trần liên tiếp trong khi hoạt động kinh doanh của DN phát hành chưa có nhiều chuyển biến khiến thị trường đặt dấu hỏi. Và rõ ràng đầu tư vào nhóm cổ phiếu này, rủi ro sẽ cao hơn so với việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hay những mã có yếu tố cơ bản tốt. Nhìn lại nhóm cổ phiếu nhỏ tăng mạnh trong thời gian qua như OGC, FLC, DLG, PVX..., có thể thấy khi rơi vào đà giảm là giảm “không phanh”. Đặc biệt, những mã penny thanh khoản kém lại càng rủi ro khi cổ phiếu điều chỉnh giảm.
Thực tế, dòng tiền trong một chu kỳ tăng trưởng thường trải qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất, dòng tiền thường tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn nhằm kéo chỉ số. Khi dòng tiền này kích thị trường tăng điểm thì các nhà đầu tư khác mới mạnh dạn giải ngân, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu midcap. Và cuối chu kỳ, xu hướng dịch chuyển là sang nhóm penny.
Đến chu kỳ vòng xoay của dòng tiền, nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn luôn tạo ra những hiệu ứng thu hút nhà đầu tư, dù các cổ phiếu này không có nền tảng cơ bản tốt. Chẳng hạn, tại VHG, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của công ty mẹ âm hơn 302 tỷ đồng.
Công ty cũng đang tiến hành các thủ tục hủy niêm yết trên HOSE để chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Vì thế, việc “đu sóng” penny thường thuộc về những nhà đầu cơ, những người ưa mạo hiểm. Đối với thị trường chung, điều này phần nào có những tác động tích cực, bởi nếu nhìn vào số mã tăng hay giảm sẽ không chênh lệch.
Rủi ro đang lớn hơn cơ hội
Rủi ro đáng ngại trên thị trường chứng khoán hiện nay, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đó là số lượng cổ phiếu bị gãy giá xu hướng ngày một tăng lên và dòng tiền liên tiếp bị rút ra, xu hướng giảm ngắn hạn đang ngày một rõ hơn.
Thị trường Việt Nam tiếp tục ở tương quan yếu hơn so với các thị trường chứng khoán quốc tế và nếu các thị trường này quay đầu giảm trở lại thì áp lực lên thị trường Việt Nam sẽ còn lớn hơn nữa. Chỉ số VN-Index cho biết tâm lý thị trường đang yếu, chỉ số vừa mất vùng hỗ trợ 965 - 970 điểm và nhiều khả năng bước vào xu hướng giảm ngắn hạn. Chiến lược giao dịch ngắn hạn vì vậy, nên ưu tiên giữ lại các cổ phiếu mạnh và cắt lỗ với các trạng thái yếu.
“Việc các cổ phiếu dẫn dắt diễn biến lình xình do nền tảng thanh khoản yếu đã thúc đẩy một phần dòng tiền đầu cơ tìm kiếm khả năng sinh lợi ở những mã vốn hóa vừa và nhỏ”, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT chia sẻ.
Đứng ở góc nhìn dòng tiền, theo VNDRIRECT, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu nhỏ có thể là bẫy tâm lý kéo những nhà đầu cơ vào cuộc, với hy vọng không bỏ lỡ bữa tiệc đầu cơ giống như giai đoạn trước.
Không phủ nhận có nhiều cổ phiếu có vốn hóa trung bình (midcap) và penny có nền tảng cơ bản và định giá khá tốt, tuy nhiên không phải tất cả. Hơn nữa, sau một giai đoạn tăng khá mạnh thì sự suy yếu tại phân khúc này bắt đầu được thể hiện trong một vài phiên gần đây.
Do đó, trong ngắn hạn, rủi ro tại nhóm này đang cao hơn cơ hội. Đứng trên quan điểm đầu tư ngắn hạn, ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, dòng tiền cũng như các tín hiệu kỹ thuật hiện tại chưa thực sự thích hợp cho việc mở các vị thế mua mới. Ngược lại, đứng trên quan điểm đầu tư giá trị, định giá của khá nhiều cổ phiếu bluechip đã trở nên hấp dẫn nên sẽ là “thách thức” đối với nhóm cổ phiếu penny, đặc biệt cổ phiếu của những doanh nghiệp không có thông tin thực sự tích cực.
Rủi ro ở thời điểm hiện tại thuộc về nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh hoặc cổ phiếu gặp thông tin bất lợi. Vì thế, nhà đầu tư cần phải phân tích kỹ, hiểu rõ doanh nghiệp và hiểu những thông tin như trên. Có những thông tin bi quan được công bố, nhưng lại là cơ hội lớn để mua vào. Nắm chắc được doanh nghiệp sẽ hiểu đâu là cơ hội và đâu là rủi ro. Đặc biệt, một số penny có liên quan đến các hoạt động “làm giá” cổ phiếu, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về tình hình doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, tài sản…
Về mặt lý thuyết, VNDIRECT cho rằng, các chỉ số có nhiều khả năng hồi phục trong phiên giao dịch tới, song thực tế, chưa nhận thấy sự thay đổi đáng kể nào cho xu hướng ngắn hạn hiện tại của thị trường. Dòng tiền duy trì ở mức yếu và tiếp tục bị rút ra sau từng phiên; sự phân hóa ngày càng kém dần do số lượng cổ phiếu đổ gãy không ngừng tăng lên, tạo áp lực cắt lỗ ngắn hạn.
Áp lực của xu hướng giảm vẫn rất rõ rệt trong khi mức điều chỉnh lại chưa đủ tạo biên an toàn hấp dẫn để dòng tiền quay lại mua vào. Chiến thuật hợp lý giai đoạn này theo nhiều công ty chứng khoán, vẫn là duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức rất thấp, tỷ trọng tiền mặt ở mức cao và kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội mua tốt sẽ đến trong thời gian tới.