Gỡ khó cho cổ phần hóa, thoái vốn

(ĐTCK) Trong quý II, Chính phủ sẽ có các quyết định tháo gỡ một số vấn đề khó khăn trong thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, để đảm bảo đến năm 2020, kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Gỡ khó cho cổ phần hóa, thoái vốn

Những điểm nghẽn của công tác cổ phần hóa, thoái vốn

Vướng mắc lớn nhất là xác định giá trị đất đai. Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán bên lề buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Vai trò của cải cách doanh nghiệp nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”, do Tổng công ty Ðầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức ngày 17 - 18/4/2019, trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam - Cuba.

Ông Nguyễn Hồng Long cho biết, quan điểm của Chính phủ là vẫn thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp, dù tiến trình hiện nay đang có một số khó khăn.

“Lý do là các văn bản mới được ban hành yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn được minh bạch hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là vấn đề xác định giá trị sử dụng đất. Thực tế, có rất nhiều tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng, giá trị đất chậm vì họ e ngại trách nhiệm về việc này”, ông Long nói.

Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư là đầu mối tập hợp kiến nghị của các địa phương, bộ ngành và báo cáo Chính phủ. Theo kế hoạch, trong quý II/2019, sẽ có quyết định gỡ khó cho vấn đề này.

Các chuyên gia cùng chia sẻ quan điểm nếu không có các giải pháp gỡ khó cho vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục khó khăn. Ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, khâu xác định giá đất hiện phức tạp và khiến những người thực hiện quá trình này e ngại có nhiều rủi ro nếu vận dụng không đầy đủ tất cả các quy định có liên quan.

Ngoài khó khăn trong định giá doanh nghiệp, hoạt động bán vốn, thoái vốn nhà nước gần đây chững lại và có kết quả không khả quan.

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long nêu một kinh nghiệm đáng chú ý. “Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nếu phương án cổ phần hóa xác định nhà nước giữ tỷ lệ chi phối thì ít được các nhà đầu tư quan tâm; những doanh nghiệp bán với tỷ lệ lớn hoặc bán hết phần vốn nhà nước được các nhà đầu tư quan tâm và trả giá cao hơn”.

Thậm chí, việc thoái vốn không thành công còn có tác động ngược lại với doanh nghiệp. Ít được nhà đầu tư quan tâm, khó bán được giá, doanh nghiệp khó thu hút và gia tăng được nguồn lực bên ngoài vào đổi mới, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Ông Long cũng chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, những doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ còn cao thì hiệu quả do cổ phần hóa mang lại từ việc đổi mới quản trị doanh nghiệp và thu hút vốn bên ngoài vào doanh nghiệp rất hạn chế. 

Giám sát khối tài sản nhà nước còn hạn chế

Trong khi một lượng lớn doanh nghiệp đang loay hoay với kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM lại chỉ ra mối lo lắng khác liên quan đến khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay.

Theo chuyên gia này, việc thực hiện giám sát của cơ quan chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) khiến mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.

Cơ quan chủ sở hữu nói chung không đủ công cụ (nhân lực và thông tin) theo dõi trực tiếp nên không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ qua chủ sở hữu đã phê duyệt. Ðồng thời, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.

Một trong những nội dung mà chuyên gia CIEM đặt ra trong tham luận là thực tế có “sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro” có trong giám sát hoạt động doanh nghiệp nhà nước thời gian qua.

Những vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, trong việc mua cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) mà các cơ quan chức năng đang xử lý, được ông Hiếu dẫn chứng như một trường hợp điển hình.

Chuyên gia này dẫn giải: “Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ Thông tin - Truyền thông đều đã bỏ qua”.

Bên cạnh giám sát, chuyên gia của CIEM cũng nhìn sang một thực trạng trong đánh giá hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, cách thức đánh giá của cơ quan chủ sở hữu được thực hiện vào đầu kỳ, với việc phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch do doanh nghiệp xây dựng và trình lên; cuối kỳ, đánh giá, xếp loại dựa trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và xếp loại của doanh nghiệp (có so sánh giữa kết quả và kế hoạch).

“Ðó không phải cách thức đánh giá của một nhà đầu tư”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, hiện chưa có cơ chế để các tổ chức chuyên nghiệp tham gia đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, mà điều này ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết quả đánh giá, xếp loại.

Với những thực trạng trên, ông Hiếu đưa ra bốn kiến nghị đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước. Một là, xây dựng “big data”, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu. Hai là, áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước. Ba là, tập trung quyền sở hữu gắn với tập trung trách nhiệm. Bốn là, làm rõ cơ chế giám sát của ủy ban, cơ quan chủ sở hữu.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục