Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính
![]() |
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Việt Nam đã rất chủ động trong việc rà soát, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Mỹ. Việc này không chỉ để đáp ứng phù hợp với chính sách thuế mới của Mỹ, mà còn nhằm hướng tới một cán cân thương mại bền vững hơn.
Chúng ta cần kiên trì tìm kiếm giải pháp, tiếp tục trao đổi với Mỹ để đạt được một sự cân bằng thương mại hợp lý, nhưng nên theo hướng cùng phát triển, chứ không phải thu hẹp thương mại. Quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước.
Mức thuế mà Mỹ công bố sáng 3/4/2025 (giờ Việt Nam) là mức tối đa có thể áp dụng, còn mức cụ thể với từng mặt hàng và lộ trình thực hiện vẫn chưa được làm rõ.
Từ ngày 6 - 14/4/2025, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam có chuyến làm việc tại Mỹ, kỳ vọng sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về tác động của chính sách thuế mới và có bước đi hỗ trợ phù hợp.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
![]() |
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường |
Năm 2024, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, đứng đầu trong cơ cấu hơn 300 thị trường của Việt Nam, cao hơn Trung Quốc với 13,6 tỷ USD.
Năm 2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đặt mục tiêu đạt 64 - 65 tỷ USD, trong đó quý I đã đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với diễn biến mới từ Mỹ, chúng ta cần đánh giá lại và triển khai các giải pháp phù hợp để duy trì đà tăng trưởng. Các ngành hàng cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng tình hình mới.
Trước đây, Việt Nam đã vượt qua nhiều rào cản thương mại của Mỹ, bao gồm quy định chống bán phá giá và yêu cầu tương đương về chất lượng. Tuy nhiên, với mức thuế mới, xuất khẩu nông sản sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Chúng ta cần giữ vững chiến lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tập trung cho sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Mỹ.
Bên cạnh đó, một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW 2024 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ.
Trước tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, ngành nông nghiệp cần vừa nâng cao sản xuất, vừa đa dạng hóa thị trường, không để phụ thuộc vào một vài đối tác.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Chuyên gia kinh tế quốc tế, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân
![]() |
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Chuyên gia kinh tế quốc tế, Giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân |
Việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng hóa Việt Nam là động thái đã được cảnh báo từ trước. Do đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam, Mỹ muốn siết chặt các biện pháp phòng hộ thương mại.
Mức thuế 46% mà Mỹ dự định áp cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ sẽ khiến những mặt hàng này khó tiếp cận thị trường Mỹ hơn. Doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí sản xuất, từ nhân công, điện nước cho đến nguyên vật liệu để duy trì tính cạnh tranh.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần chủ động triển khai các biện pháp cân bằng thương mại với Mỹ. Một trong những giải pháp khả thi là tăng cường nhập khẩu các mặt hàng giá trị lớn từ Mỹ như điện gió, điện khí (LNG), thiết bị y tế, dược phẩm, máy bay, tàu thủy...
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc phương án đầu tư trực tiếp vào Mỹ để hạn chế những tác động từ chính sách bảo hộ thương mại.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
![]() |
TS. Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội |
Chính phủ cần nhanh chóng có các biện pháp đàm phán để hạ mức thuế suất 46% Mỹ dự định áp cho hàng hoá Việt xuất vào Mỹ. Theo tôi, khó có cơ sở để đàm phán mức nền 10% vì Việt Nam nằm trong Top 5 nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, nhưng kỳ vọng có thể thương thảo xuống mức 25 - 30%.
Trong bối cảnh thời gian đang rất gấp gáp, tôi cho rằng, Việt Nam cần thực hiện ngay ba biện pháp sau.
Thứ nhất, bày tỏ thiện chí sẵn sàng minh bạch giải trình cũng như đòi hỏi trách nhiệm giải trình từ Chính phủ Mỹ. Hai bên nên đối chiếu lập luận để làm rõ số liệu. Mỹ nói Việt Nam đang áp thuế 90% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ và Mỹ phải áp thuế đối ứng 46% với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam - vậy dựa trên cơ sở nào?
Khi tham gia chuỗi thương mại, Việt Nam phải đi qua một nước thứ ba là bình thường, nhất là với những sản phẩm trung gian đầu vào. Nếu Mỹ cho rằng có sự “rửa xuất xứ” của hàng hoá nước thứ ba trước khi vào Việt Nam thì phải lập luận rõ ràng hơn. Việt Nam cũng cần biết mức độ Mỹ muốn đòi hỏi ở chính sách thuế quan của Việt Nam.
Việc hai bên đàm phán song phương để minh bạch các con số là cần thiết, là động thái để các nhà hoạch định chính sách kết luận các con số đưa ra có cảm tính hay không. Trong trường hợp Việt Nam nhượng bộ mở cửa thị trường, giảm điều kiện hàng rào thương mại cho Mỹ thì đó là cơ sở để làm việc lại với các hiệp hội, ngành hàng.
Thứ hai, Chính phủ phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để thống nhất cách thức làm việc, đồng thời trao đổi với cộng đồng các nước ASEAN để có tiếng nói chung, cách thức giải quyết vấn đề chung.
Thứ ba, thể hiện thiện chí và cam kết rõ ràng của Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ thể hiện thế mạnh của họ khi đầu tư ở Việt Nam.
Đàm phán thì quan trọng là đặt triển vọng trong tương lai, chứ không nên chỉ dừng ở ngắn hạn. Trong đó, cần nhấn mạnh về việc tạo điều kiện cho những hàng hoá có công nghệ cao và đặc biệt là những dịch vụ thế mạnh của Mỹ, lĩnh vực mà Việt Nam hiện nay cũng đang bị thâm hụt thương mại lớn do phụ thuộc nước ngoài.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS)
![]() |
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) |
Nếu đến ngày 15/4/2025, các cuộc đàm phán không đạt kết quả, chuỗi cung ứng tại châu Á, bao gồm Việt Nam sẽ bị tác động. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng trước mắt có thể chỉ khiến thương mại suy giảm khoảng 5 - 10% trong ngắn hạn.
Về trung hạn, trong vòng 2 - 3 năm tới, có khả năng chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển sang các khu vực khác, chẳng hạn Mỹ Latinh, nhưng điều này không dễ dàng do hạ tầng khu vực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hơn nữa, phần lớn vốn FDI đầu tư vào chuỗi cung ứng châu Á đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), nên việc rời đi sẽ mất nhiều thời gian và các doanh nghiệp cần đánh giá kỹ càng hơn. Trên thực tế, các doanh nghiệp này chỉ mới chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong vài năm qua, đã tốn kém đáng kể chi phí. Đến nay, khu vực này tiếp tục bị áp thuế và không có gì đảm bảo rằng Mỹ Latinh sẽ không rơi vào tình huống tương tự. Do đó, nếu có sự dịch chuyển, quá trình này sẽ mất ít nhất 4 - 5 năm, trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bên cạnh đó, tác động của thuế quan có thể được giảm nhẹ thông qua điều chỉnh tỷ giá, nên cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ.
Như vậy, nếu chuỗi cung ứng dần dịch chuyển sang các nước khác, thì cũng cần thời gian để rút khỏi Việt Nam mà không thể rút ngay lập tức, khi tổng cầu thế giới không thay đổi. Đặc biệt, đối với các ngành như dệt may, ô tô, điện tử không dễ để các nhà đầu tư dịch chuyển một chóng nhanh chóng. Ví dụ, Samsung đã đặt rất nhiều nhà máy sản xuất tại Việt Nam, dù có muốn cũng không thể di dời cùng lúc vài nhà máy đến một quốc gia mới. Quá trình này ở Việt Nam có thể kéo dài từ 5 - 7 năm và giảm dần dần theo từng năm.
Kỳ vọng kịch bản tích cực nhất là Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ, đưa mức thuế về 10% làm ngưỡng cơ bản, thông qua việc mở cửa các chương trình ưu đãi đầu tư, mua sắm máy bay, khí LNG… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư FDI của Việt Nam cũng là các đối tác chính của Mỹ, sẽ giúp Việt Nam đàm phán thuận lợi hơn với Mỹ. Trước đó, phía Mỹ đã công bố báo cáo ước tính thương mại và đề cập đến Việt Nam. Hầu hết các vấn đề được Mỹ nêu ra đã được Việt Nam chủ động xử lý, bao gồm việc mở cửa hơn với sản phẩm nông nghiệp, cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ và sẽ ban hành Nghị định về quản lý thương mại chiến lược.
Bà Đỗ Minh Trangm Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS)
![]() |
Bà Đỗ Minh Trangm Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) |
Mức áp thuế cho Việt Nam là 46% được cho là được tính dựa trên thặng dư thương mại của Mỹ và Việt Nam. Mức này nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar. Mức thuế này cũng cao hơn rất nhiều so với mức thuế 10% cơ bản áp lên toàn bộ các nước không nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 119,5 tỷ USD và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.
Nhìn chung việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế Việt Nam. Các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp là các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ… Nhiều ngành khác sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp, ví dụ bất động sản khu công nghiệp, vận tải hàng hóa, cảng biển. Dự kiến, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng ở mức cao nhất là 46%, GDP Việt Nam có thể suy giảm từ 1 - 2%.
Đối với thị trường chứng khoán, tâm lý bất an, thậm chí hoảng loạn bao trùm trong phiên giao dịch ngày 3/4/2025, khiến VN-Index giảm gần 6,7% và giảm thêm hơn 1,5% trong phiên sau đó. Thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm điểm trong các phiên tới trước khi hồi phục sau khi tìm được điểm cân bằng - khi nhà đầu tư có thể bình tĩnh lại và có thêm các thông tin chi tiết hơn để đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế của mức thuế đối ứng. Bởi lẽ, mức thuế này được cho là mức thuế cao nhất mà Mỹ đang đưa ra, mức thuế thực tế sẽ được đàm phán và áp dụng cho từng mặt hàng. Ngoài ra, chỉ có một số công ty niêm yết thuộc nhóm ngành dệt may, thủy sản, nội thất gỗ… trên sàn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các công ty khác đa phần chịu ảnh hưởng gián tiếp từ những khó khăn của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
![]() |
Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) |
Việt Nam có thặng dư thương mại cao đối với Mỹ nên động thái áp thuế đối ứng của Mỹ sẽ có tác động không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh. Thuế suất cao khiến giá bán tại thị trường Mỹ tăng, giảm khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam buộc phải giảm giá thành để duy trì tính cạnh tranh, vốn là phương pháp không hiệu quả khi mà mức thuế quá cao; tìm kiếm một con đường khác để sang Mỹ thông qua một nước thứ ba, hoặc liên doanh với một đối tác tại Mỹ. Phương án nào cũng dẫn tới chi phí cao hơn, lợi nhuận mỏng hơn.
Thứ hai, mất thị phần và rủi ro rời bỏ thị trường Mỹ. Người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển sang mua hàng nội địa hoặc hàng từ các nước khác có mức thuế thấp hơn.
Thứ ba, chuyển dịch chuỗi cung ứng và mất lợi thế cạnh tranh. Một bộ phận công ty đa quốc gia có thể rời khỏi Việt Nam để chuyển sang các nước khác cũng có điều kiện và chi phí thấp như Bangladesh, Mexico, Ấn Độ nhằm hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn.
Để thích ứng với với những thách thức trên, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần chú trọng đa dạng hóa thị trường. Doanh nghiệp cần nhanh chóng mở rộng thị phần tại các khu vực khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang đàm phán thêm 3 hiệp định mới, các doanh nghiệp cần khai thác tiềm năng từ các FTA này.
Đồng thời, doanh nghiệp cần chuyển đổi từ mô hình gia công sang sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn. Bên cạnh việc xuất khẩu các sản phẩm linh kiện điện tử, vốn là lĩnh vực của các doanh nghiệp FDI, hàng hóa xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là dệt may, giày dép, đồ gỗ, vốn là những sản phẩm gia công cho các công ty tiêu dùng của Mỹ. Việc phụ thuộc quá nhiều vào các đơn đặt hàng từ Mỹ khiến cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị lệ thuộc vào các đối tác nước này, không còn động lực để nâng cao giá trị gia tăng, tìm kiếm các đối tác mới và có thể bị “bỏ rơi” khi các nhà mua hàng tại Mỹ tìm kiếm được nguồn hàng giá rẻ hơn. Theo đó, các công ty xuất khẩu cần đầu tư cho công nghệ, phát triển những sản phẩm mà chỉ Việt Nam có và làm được, từ đó nâng cao khả năng đàm phán với đối tác.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
![]() |
Ông Nghiêm Sỹ Tiến, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) |
Quyết định áp thuế đối ứng lên tới 46% của Mỹ có thể tạo nên cú sốc lớn ở cả cấp độ kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, Chính phủ và Quốc hội đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay. Tuy nhiên, việc Mỹ - thị trường chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - áp dụng biện pháp thuế mới có thể ảnh hưởng đáng kể đến đà tăng trưởng. Hàng hóa Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác. Dù có thể tìm kiếm thị trường thay thế ở quốc gia thứ ba, quá trình này cần thời gian để điều chỉnh. Do đó, xuất khẩu năm 2025 nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với năm 2024.
Thứ hai, dòng vốn FDI - một động lực tăng trưởng cốt lõi của Việt Nam trong nhiều năm qua - có thể sẽ giảm sút. Trước đây, lợi thế của Việt Nam nhờ chiến lược “Trung Quốc +1” đã giúp thu hút các doanh nghiệp chuyển dịch sản xuất nhằm tránh rủi ro từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Việt Nam trở thành đối tượng bị áp thuế mới, lợi thế cạnh tranh đó có thể bị mất đi.
Thứ ba, áp lực lên tỷ giá hối đoái sẽ tăng khi nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu và FDI giảm sút. Đồng thời, dòng vốn ngoại dự kiến sẽ tiếp tục chảy ra do nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán và rút vốn FDI. Trong bối cảnh đó, việc duy trì mức lãi suất thấp như hiện tại trong suốt năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, thách thức trước mắt là sự thu hẹp thị phần tại Mỹ, do hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt hơn khi chịu tác động từ cú sốc thuế. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng sang khu vực ASEAN, EU hoặc các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá tăng do nguồn ngoại tệ suy giảm từ xuất khẩu và FDI có thể làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu, gây áp lực lên biên lợi nhuận và đòi hỏi doanh doanh nghiệp phải chủ động tăng tỷ trọng đầu vào nội địa.
Nhìn chung, cú sốc thuế quan sẽ đặt ra bài toán thách thức các doanh nghiệp phải linh hoạt trong việc đảm bảo được đầu ra tiêu thụ, nhưng với bối cảnh gián đoạn thương mại toàn cầu, hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia bị áp thuế khác.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phân tích SHS Research
SHS Research đã nhận định từ đầu năm nay, yếu tố ảnh hưởng số 1 năm 2025 là chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi là Trump 2.0. Điều này có thể tạo ra một cú giảm nhanh, mạnh, quyết liệt cho thị trường chứng khoán, đặc biệt khi thị trường đang ở vùng giá cao như giai đoạn vừa qua (VN-Index lên trên 1.300 điểm).
Bên cạnh đó, truyền thông đưa tin trong giai đoạn vừa qua theo hướng tích cực và đa số nhà đầu tư tin vào kịch bản tích cực đó. Vì vậy, khi Việt Nam thuộc Top 3 bị Mỹ áp thuế đối ứng cao nhất càng gây tâm lý hoảng loạn cho nhà đầu tư.
Mặt khác, các nhà đầu tư giai đoạn vừa qua gia tăng sử dụng đòn bẩy, khi thị trường bất ngờ giảm mạnh, họ buộc phải chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy, tạo ra các đợt bán tháo trên diện rộng.
Ngoài ra, nhà đầu tư đang xem xét đánh giá lại triển vọng đầu tư của từng ngành. Nhiều ngành có thể giảm hấp dẫn đầu tư nếu việc áp thuế chính thức được thực hiện từ ngày 9/4/2025 như dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, ngay cả bất động sản khu công nghiệp vốn rất hấp dẫn từ giai đoạn Trump 1.0 tới nay.
Chúng tôi vẫn giữ quan điểm từ đầu năm 2025 trong báo cáo năm - “Timing is Everything” (Thời gian là tất cả), năm nay là năm đặc biệt biến động và yếu tố “timing” (thời gian) cần đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện xấu nhất, VN-Index có thể giảm 15 - 20% từ mức đỉnh gần 3 năm qua tại 1.342 điểm, sau đó mới ổn định trở lại.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng, chính sách thuế quan của Mỹ gần đây thường thay đổi nhanh và chúng ta nên tránh các công ty yếu kém, nên đầu tư vào các công ty hàng đầu để trải qua giai đoạn khó khăn này. Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái mạnh sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư.