Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 32.038 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với năm 2014. Trong khi đó, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của bảo hiểm phi nhân thọ năm 2015 ước khoảng 13.579 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 42,38%, cao hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (39,37%). Tỷ lệ bồi thường chung dưới 40% doanh thu được coi là tỷ lệ bồi thường chấp nhận được.
Đại diện BIC cho biết, tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại của BIC năm 2015 ở mức 41,9%, tăng 4,1% so với năm 2014. Tỷ lệ bồi thường tăng cao, theo lý giải của BIC, là do tỷ lệ bồi thường gốc chung của thị trường bảo hiểm tăng cao (năm 2015, tỷ lệ bồi thường gốc của thị trường tăng 3% so với năm 2014).
Ngoài ra, còn do định hướng kinh doanh năm 2015 của BIC tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ (sản phẩm bán lẻ đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người thường có tỷ lệ bồi thường cao hơn).
Hay như Bảo Minh, tổng chi bồi thường năm 2015 của hãng bảo hiểm này cũng tăng cao, chiếm trên 50% doanh thu (năm 2014 là 44%). Cùng với việc chi trả các vụ tổn thất những năm trước đó, bảo hiểm cháy nổ tăng đột biến 99%, khiến tỷ lệ chi bồi thường/doanh thu phí bảo hiểm (tỷ lệ tổn thất đối với loại hình bảo hiểm cháy nổ) tăng mạnh (năm 2015 là 33% trong khi năm 2014 là 21%). Bồi thường thuộc mức trách nhiệm giữ lại bình quân hơn 41% cũng tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2014…
Bảo Minh cũng nhìn nhận, việc kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ các quy định nghiệp vụ của các đơn vị chưa sâu, dẫn đến chưa có các giải pháp phát triển kinh doanh cũng như ngăn ngừa hạn chế tổn thất ngay (nhóm bảo hiểm cháy nổ). Trong khi đó, tại các đơn vị lại không đánh giá kỹ rủi ro trước khi nhận bảo hiểm hoặc đánh giá chiếu lệ…
Năm 2016, nếu mức tăng của bảo hiểm phi nhân thọ là 15% thì theo dự kiến của doanh nghiệp bảo hiểm, các nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới cũng tăng trưởng khoảng 20%, bảo hiểm con người tăng khoảng 21%, bao gồm cả nhóm bảo hiểm tai nạn qua các công ty tài chính; bảo hiểm tài sản kỹ thuật dự đoán duy trì ở mức 20%...
Cùng với việc có thể tiếp tục phải chi trả những khoản bồi thường cho sự cố Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh hồi năm 2014, việc đẩy mạnh khai thác mảng bảo hiểm bán lẻ như bảo hiểm cơ giới, bảo hiểm y tế sức khỏe cũng sẽ khiến tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tăng cao.
Chưa kể đến các mảng bảo hiểm khác như rủi ro bảo hiểm cháy nổ vẫn còn cao, đặc biệt rủi ro loại 3 - 4 - 5 đã được cảnh báo, vì vậy, các nhà tái bảo hiểm thắt chặt điều khoản, tăng phí tái bảo hiểm và giảm hoa hồng nhượng tái sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu, tăng trưởng của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật…
Thực tế, dù biết việc tiếp tục đẩy mạnh bảo hiểm bán lẻ như cơ giới, y tế… cũng có thể khiến tỷ lệ bồi thường tăng cao, nhưng đây cũng là những nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn và cũng dễ tạo doanh thu nên việc các hãng bảo hiểm đẩy mạnh những mảng này là đương nhiên. Song, có lẽ việc siết chặt điều khoản, điều kiện nhằm giảm tỷ lệ bồi thường sẽ được làm rốt ráo hơn.
Đại diện Bảo Minh cho biết, với bảo hiểm xe cơ giới năm 2016 vẫn tập trung cao độ để phát triển bán hàng bằng nhiều giải pháp, nhưng vẫn phải phát triển theo nguyên tắc tăng trưởng cao hơn so với chi phí, đảm bảo tăng trưởng nhưng không lỗ. Trong khi đó, với bảo hiểm con người, hãng bảo hiểm này tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát tỷ lệ bồi thường bảo hiểm tai nạn và y tế…
Một trong những mục tiêu trọng tâm năm 2016 của BIC cũng là rà soát lại danh mục sản phẩm, đổi mới, bổ sung sản phẩm mới và cách thức cung cấp dịch vụ để tăng khả năng cạnh tranh, góp phần mở rộng khai thác ra các đối tượng khách hàng ngoài BIDV (đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình trử lên tại các khu vực đô thị) để tạo lập cơ sở khách hàng bền vững.