18/30 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 12 doanh nghiệp bảo hiểm còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường, trong đó có 8 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường trên 50%….
Tỷ lệ bồi thường cao vẫn luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý bởi điều này có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho doanh nghiệp, khách hàng, và cả ngành bảo hiểm. Chính vì thế, việc đưa ra các giải pháp để kiểm soát rủi ro, đặc biệt là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…
"Doanh nghiệp bảo hiểm không phải là “bò sữa”, chính những người tham gia bảo hiểm với mong muốn bảo vệ mình trước những rủi ro không lường trước được, mới là những người bị thiệt hại nhiều nhất từ hiện tượng trục lợi bảo hiểm" - Một chuyên gia bảo hiểm.
không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp bảo hiểm, mà cơ quan quản lý cũng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ nhằm hạn chế các hình thức cạnh tranh không lành mạnh như giảm phí dưới ngưỡng an toàn, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm... những tác nhân chính dẫn đến tăng tỷ lệ bồi thường.
Tuy nhiên, CEO của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, tỷ lệ bồi thường cao cũng có những yếu tố tích cực. Thực vậy, tỷ lệ bồi thường cao có nghĩa là khách hàng được nhận nhiều quyền lợi hơn với chi phí thấp hơn, điều này có lợi cho khách hàng. Tất nhiên, để chấp nhận tỷ lệ bồi thường cao mà vẫn có lãi thì doanh nghiệp bảo hiểm phải có khả năng cắt giảm các chi phí hoạt động khác.
“Doanh nghiệp bảo hiểm hoàn toàn có thể chuyển những chi phí tiết kiệm được trong hoạt động kinh doanh của mình cho khách hàng và đối tác”, vị CEO trên nhìn nhận. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu doanh nghiệp có các quy trình hoạt động hiệu quả và năng suất lao động cao.
Cũng giống như khối phi nhân thọ, tỷ lệ bồi thường cũng luôn là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cho dù khối bảo hiểm nhân thọ có lợi thế hơn khi hầu hết doanh nghiệp đều nhận được sự hỗ trợ từ các tập đoàn mẹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có khả năng hài hòa lợi ích giữa khách hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và nhà cung cấp dịch vụ y tế vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Có một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đưa ra thị trường một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khá ưu việt từ năm 2014 và đạt được doanh thu rất tốt. Tuy nhiên, sau hơn một năm thăm dò thị trường, tỷ lệ chi trả quyền lợi bảo hiểm thực tế cao hơn rất nhiều so với giả định kỹ thuật, nên doanh nghiệp này đã buộc phải ngừng kinh doanh sản phẩm trên kể từ tháng 11/2015.
Đây không phải là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ duy nhất phải quyết định dừng bán các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có sức hút lớn do không kiểm soát được hiện tượng trục lợi bảo hiểm, cụ thể là khách hàng mua bảo hiểm sau khi phát hiện có bệnh và việc cấu kết giữa nhân viên y tế với bệnh nhân dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm thiếu khả năng tiếp cận với hồ sơ y tế của khách hàng nên không có đủ cơ sở để từ chối bồi thường.
Những suy nghĩ không phù hợp của một bộ phận khách hàng và đối tác cũng là một vấn nạn của ngành bảo hiểm. Cụ thể, một số khách hàng mua bảo hiểm chỉ để được bồi thường, thay vì để có được sự an tâm. Chính vì thế, họ cố gắng bằng mọi cách để được nhận lại nhiều hơn số tiền họ đã bỏ ra.
Hậu quả là nhiều khách hàng chân chính phải đóng phí bảo hiểm cao hơn để doanh nghiệp bảo hiểm có đủ tiền bồi thường cho một bộ phận nhỏ khách hàng “không chân chính” kia. Bên cạnh đó, một số bệnh viện hay garage sẽ thu phí cao hơn nếu khách hàng sử dụng bảo hiểm, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm mang đến cho họ một nguồn khách hàng ổn định.
Một chuyên gia bảo hiểm cho biết, suy cho cùng thì doanh nghiệp bảo hiểm không phải là “bò sữa”, chính những người tham gia bảo hiểm với mong muốn bảo vệ mình trước những rủi ro không lường trước được, mới là những người bị thiệt hại nhiều nhất từ hiện tượng trục lợi bảo hiểm. Vì thế, việc hình sự hóa tội trục lợi bảo hiểm gần đây tạo kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.