Chẳng hạn, với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, mua bảo hiểm vật chất xe chưa chắc đã được bồi thường vấn đề thủy kích nếu không mua thêm điều khoản này, hoặc bảo hiểm mất cắp hay bảo hiểm đâm va…
Nhưng ngay cả khi hợp đồng có điều khoản bồi thường đó, nếu chủ xe cố tình vi phạm, từ đó gây ra lỗi nghiêm trọng hơn cho chiếc xe, chủ xe cũng chưa chắc đã được bồi thường. Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, đầu năm 2016, công ty này vừa từ chối bồi thường cho tổn thất kéo của một khách hàng do vi phạm nghĩa vụ bảo vệ xe theo quy định trong hợp đồng. Xe đã hỏng do khách quan, nhưng khách hàng này không chịu xuống kiểm tra mà tiếp tục đi thêm một đoạn đường, thậm chí bảng điều khiển báo hiệu máy có sự cố vẫn tiếp tục chạy khiến xe hỏng nặng hơn.
“Khi đơn bồi thường được gửi tới, chúng tôi chỉ chấp nhận bồi thường những hư hỏng ban đầu (khi xe mới hỏng), còn giai đoạn sau khi xe hỏng chủ xe cố tình chạy dẫn đến những hư hỏng nặng hơn thì không được bồi thường. Bảo hiểm chỉ bồi thường cho các tổn thất bất ngờ không lường trước”, vị đại điện trên cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành, trong các loại hình bảo hiểm, bảo hiểm xe cơ giới được coi là loại hình bảo hiểm phổ biến và thông dụng với những người sở hữu xe ô tô. Song thực tế, vẫn có nhiều chủ xe mua bảo hiểm “để cho có”, chứ không thực sự quan tâm đến điều khoản trong hợp đồng. Vậy nên mới có nhiều trường hợp khi có sự cố xảy ra và không được bồi thường như mong muốn thì nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí tranh chấp, kiện tụng.
Như vụ việc vừa kể trên, chủ xe cũng không chấp nhận chỉ được bồi thường phần lỗi ban đầu nên cũng đã thuê luật sư làm việc với hãng bảo hiểm. Tuy nhiên, đại diện công ty bảo hiểm trên nói rằng, công ty phải tuân thủ theo pháp luật, cụ thể là các điều khoản đã ghi trong hợp đồng và chỉ bồi thường những lỗi thuộc về khách quan. Thực tế, trường hợp bị từ chối bồi thường như chủ xe trên không phải là hiếm, mà xảy ra khá nhiều.
Một trong những thiệt hại mà các chủ xe hay gặp phải, nhưng lại ít chú ý khi mua bảo hiểm là thủy kích. Vụ tổn thất sau vụ lũ lụt ở Quảng Ninh năm 2015 có lẽ sẽ là bài học kinh nghiệm đắt giá cho nhiều chủ xe. Đại diện một hãng bảo hiểm cho biết, ngay sau khi xảy ra lũ lụt, hãng bảo hiểm đã kiểm tra rà soát danh sách các khách hàng mua bảo hiểm xe cơ giới của công ty. Rất nhiều chủ xe mua bảo hiểm bị thiệt hại, nhưng không nhiều xe được bồi thường vì chủ xe không mua thêm bảo hiểm thủy kích, dù mức phí của loại hình bảo hiểm này chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm.
Thủy kích là hiện tượng nước lọt vào động cơ qua đường hút gió, làm cong, gãy tay biên, trục khuỷu hoặc thậm chí vỡ lốc máy… Hiện tượng thủy kích dù không thường xuyên xảy ra, nhưng nếu bị thủy kích thì thiệt hại khá lớn. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm vẫn khuyến cáo khách hàng nếu thường xuyên phải hoạt động ở địa hình hay khu vực thời tiết phức tạp, dễ bị thủy kích thì nên mua thêm loại hình bảo hiểm này.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, 2 phần quan trọng nhất trong điều khoản bảo hiểm cần phải đọc kỹ là “Phạm vi bảo hiểm” và “Điều khoản loại trừ”. Bên cạnh những lưu ý về các điều khoản, một trong những lý do mà khách hàng hay bị từ chối bồi thường là không tuân thủ theo đúng quy trình khai báo tổn thất, hoặc không chuẩn bị đầy đủ hồ sơ của doanh nghiệp bảo hiểm. Khi xảy ra tổn thất, đặc biệt là những vụ tổn thất nhỏ, nhiều khách hàng thường ngại các thủ tục liên quan đến công an giao thông nên không khai báo, không có biên bản xác định lỗi tan nạn.
Trên thị trường, đối với các vụ tổn thất vật chất trên 10 triệu đồng, thì bắt buộc phải có đầy đủ xác nhận của cảnh sát giao thông. Hiện nay, để giảm bớt các thủ tục hồ sơ cho khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm cách nới rộng mức yêu cầu hồ sơ công an… Chẳng hạn, PTI đang có mức yêu cầu hồ sơ công an cao nhất, với mức 30 triệu đồng/vụ.
“Để đảm bảo tốt nhất các quyền lợi của mình khi mua bảo hiểm, khách hàng nên đọc kỹ các điều khoản. Trong đó, các nội dung liên quan đến phần ‘phạm vi bảo hiểm’ cần yêu cầu nhân viên bảo hiểm giải thích rõ”, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ.