Theo đó, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (diễn ra vào tháng 5 - 6/2018), một chuyên đề duy nhất được Quốc hội giám sát là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”.
Trước đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Ðoàn giám sát để triển khai hoạt động giám sát đối với chuyên đề trên cho thấy, Quốc hội đang thể hiện sự rốt ráo trong triển khai các bước để bắt tay vào giám sát cổ phần hóa, trong bối cảnh tiến trình này đang bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém.
Thực tế, tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước; số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước còn chưa hiệu quả; chưa tách được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước...
Trong chương trình giám sát tối cao của mình, cùng với đi sâu giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Quốc hội sẽ tập trung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Với nội dung giám sát về cổ phần hóa, Quốc hội sẽ nắm bắt quá trình tiến hành cổ phần hóa: thủ tục, trình tự định giá tài sản doanh nghiệp, phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), việc tham gia thị trường chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Ngoài làm rõ các sai phạm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan, hoạt động giám sát còn đi sâu nắm bắt các tiêu chí lựa chọn và chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược và chính sách bán cổ phần cho người lao động; xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Ðồng thời, đánh giá về sự thay đổi mô hình quản trị trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc hoàn thiện mô hình tập đoàn, tổng công ty nhà nước và vai trò, mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Trên cơ sở “mổ xẻ” chi tiết bức tranh cổ phần hóa, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội còn đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thúc đẩy cổ phần hóa trong thời gian tới nhằm cải thiện cả về tiến độ lẫn chất lượng.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ðoàn giám sát sẽ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 5 và biểu quyết thông qua ngay tại kỳ họp này.