Nhiều hạn chế
Sở dĩ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN là bởi quá trình triển khai việc này thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo đó, số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong kế hoạch 2011-2015 vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp. Tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN còn chậm, trong khi hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khối này còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…
“Một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. Chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm của DNNN cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập...”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết khi trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN là cần thiết vì gắn liền với đời sống xã hội, được nhiều cử tri quan tâm. Gần đây, nhiều doanh nghiệp dù đã được cổ phần hóa, nhưng còn không ít tồn tại…
- Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn
(Hà Nội)
Một hạn chế nữa của tiến trình cổ phần hóa đang bộc lộ, đó là doanh nghiệp chưa thực sự tập trung vào mục tiêu cổ phần hóa và triển khai phương án cổ phần hóa theo kế hoạch. Tái cơ cấu DNNN mới chỉ dừng lại ở việc sáp nhập với nhau một cách cơ học (chuyển giao DNNN yếu kém của đơn vị này sang đơn vị khác quản lý).
Nguyên nhân của những hạn chế trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẳng thắn chỉ ra, đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt, chưa tập trung cho ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, tình hình tài chính phức tạp, việc xử lý công nợ, xử lý tài chính, phương án sử dụng đất trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, việc lựa chọn cổ đông chiến lược…, chưa cho thấy sự hiệu quả, nên cần có nhiều thời gian để chuẩn bị, xử lý.
Việc bổ sung, sửa đổi chính sách để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn chưa được đẩy nhanh...
Cần thiết giám sát
Liên quan đến sự cần thiết tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giám sát chuyên đề này giúp cho Quốc hội thấy được tổng thể về tái cơ cấu DNNN, đánh giá được hiệu quả đạt được, cũng như những hạn chế, bất cập của chính sách, công tác điều hành, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó đưa ra yêu cầu, giải pháp hữu hiệu hơn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả việc tái cơ
cấu DNNN.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét quyết định giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2006-2016, với đối tượng giám sát là các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố có quản lý DNNN; các doanh nghiệp đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...”, ông Phúc cho biết.
Đề xuất trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội.
“Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa DNNN là cần thiết vì gắn liền với đời sống xã hội, được nhiều cử tri quan tâm. Gần đây, nhiều doanh nghiệp dù đã được cổ phần hóa, nhưng còn không ít tồn tại…”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu quan điểm.
“Phải mở rộng hơn và nên giám sát việc đổi mới hoạt động của DNNN, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp cổ phần, như vậy sẽ giúp cho hoạt động đổi mới DNNN hiệu quả hơn…”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến.