"Chỉ mặt đặt tên” nguyên nhân chậm cổ phần hóa
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn... Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2017, tình hình cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước triển khai còn chậm, khi đến nay mới có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa...”, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết như vậy khi báo cáo trước Quốc hội về tình hình triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2017.
Nguyên nhân cổ phần hóa chậm được Chính phủ chỉ rõ là do một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa quyết liệt thực hiện phương án theo kế hoạch đề ra. Việc xử lý các dự án thất thoát, thua lỗ lớn cũng làm chậm tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp liên quan.
Đồng tình với đánh giá trên, khi trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cổ phần hóa chậm do tình trạng thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp, tâm lý chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền thống nhất chủ trương thành lập cơ quan đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Để khắc phục tình trạng cổ phần hóa chậm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa từng tập đoàn, tổng công ty, thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định, xác định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Đồng thời, Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5, khóa XII.
"Cùng với đó là chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao trách nhiệm, chất lượng tư vấn và kiểm toán, xác định, thẩm định giá trị vốn, tài sản tại doanh nghiệp, trong đó có giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng...”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với 12 dự án thất thoát, thua lỗ lớn của ngành công thương. Được biết, tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất đến hết năm 2016 là 16.100 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 dự án là 57.700 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.000 tỷ đồng…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo do một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để xác định, đánh giá, kiểm tra thực địa; đề ra nguyên tắc và xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty liên quan thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung giải quyết các tồn đọng, vướng mắc; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài; đồng thời, xác định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Giải pháp cho thời gian tới, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ, giảm tối đa tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối.
"Cần kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, các bộ, ngành trong việc chậm cổ phần hóa. Rà soát các dự án đầu tư có vốn nhà nước đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động và có giải pháp xử lý dứt điểm tất cả các dự án thua lỗ kéo dài, báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến...”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.