Ngóng các đợt IPO ”khủng” từ quý II

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp, cùng với đó nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho cổ phần hóa được Chính phủ triển khai, tiến trình cổ phần hóa sẽ diễn tiến tích cực hơn trong quý II/2017. 
Ngóng các đợt IPO ”khủng” từ quý II

Quý I/2017, cả nước chỉ cổ phần hóa được 8 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp. Tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm trong quý I/2017 đã được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở. Sự chậm trễ này ngoài lý do có tâm lý chờ đợi cơ chế mới thì còn có những nguyên nhân nào khác, thưa ông?

Tiến độ cổ phần hóa chậm trễ trong 3 tháng đầu năm nay, ngoài lý do rơi vào tháng Tết, còn có nguyên nhân là các doanh nghiệp đang tiến hành các bước cổ phần hóa có quy mô tài sản lớn, phức tạp, điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp, các tổng công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), các tổng công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam  (PV Power)..., nên việc hoàn tất các công việc chuẩn bị để chốt phương án cổ phần hóa tốn nhiều thời gian.

Mặt khác, cổ phần hóa chậm còn do các bộ, ngành và địa phương có tâm lý chờ Chính phủ sửa đổi xong Nghị định 59/2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trong khi với cơ chế hiện hành vẫn đáp ứng được yêu cầu triển khai cổ phần hóa diễn ra hiệu quả, minh bạch, mặc dù bộc lộ một số bất cập.

 Ông Đặng Quyết Tiến

Đó là những bất cập nào?

Thực tiễn áp dụng Nghị định 59/2011/NĐ-CP, cũng như các văn bản sửa đổi, bổ sung nghị định này  đã bộc lộ một số bất cập về tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, khiến doanh nghiệp cổ phần hoá gặp khó khăn trong tìm kiếm cổ đông chiến lược. Gắn với đó là cơ chế bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) chậm được đổi mới cho phù hợp với thực tiễn, cũng như thông lệ quốc tế, nên chưa cải thiện tính hấp dẫn cho các đợt IPO, kể cả ở các doanh nghiệp lớn.

Một số bất cập của quy định về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp cũng đang gây nên những quan ngại làm thất thoát tài sản nhà nước chưa có hướng khắc phục kịp thời.

Bao giờ những bất cập trên được khắc phục, thưa ông?

Những bất cập trên đã có hướng khắc phục tại dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015, mà Bộ Tài chính đã trình Chính phủ.

Trên cơ sở các nội dung đề xuất mới của Bộ Tài chính, khi chủ trì cuộc họp mới đây với các bộ, ngành để góp ý cho dự thảo nghị định này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đưa ra nhiều chỉ đạo và gợi mở quan trọng như việc sửa đổi văn bản này phải đạt các mục tiêu: nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị doanh nghiệp; không để quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm khi dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước có vấn đề, dẫn đến Nhà nước bị thất thoát tài sản, vốn khi cổ phần hóa.

Nghị định mới ban hành phải bảo vệ Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng, chẳng hạn như giữ thương hiệu quốc gia. Mục tiêu của giải pháp cổ phần hóa là hướng tới đa sở hữu doanh nghiệp, là xu hướng vận hành của thị trường hiện đại, nên cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch cổ phần hóa…

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo để trong tháng 4 này trình Chính phủ xem xét ban hành, qua đó, góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa trong thời gian tới.

Trong trường hợp việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 59/2011 chưa thể diễn ra sớm, liệu có tái diễn tình trạng cổ phần hóa vẫn chậm trong quý II này?

Hiện có khá nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp, cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy và xử lý vướng mắc phát sinh khi triển khai các bước cổ phần hóa, nên tiến trình cổ phần hóa sẽ có diễn tiến tích cực hơn trong quý II/2017.

Căn cứ theo lộ trình cổ phần hóa đã được nêu cụ thể tại Quyết định 58/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, thúc đẩy.

Khi phát hiện các vướng mắc, bất cập phát sinh, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính sẽ kịp thời tháo gỡ, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, trong đó bao gồm cả việc xử lý trách nhiệm cá nhân của cán bộ quản lý nhà nước, cũng như lãnh đạo doanh nghiệp không tuân thủ đúng lộ trình cổ phần hóa dẫn đến chậm trễ, không đạt mục tiêu đề ra.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục