Rộng đường cho tài sản số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiền mã hóa từng bị coi là “tiền ảo”, không có giá trị thực, đã dần trở thành tài sản số, được thừa nhận trong khung pháp lý của nhiều quốc gia.
Tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa đạt 24.000 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 17% GDP toàn cầu Tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa đạt 24.000 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 17% GDP toàn cầu

Sự phát triển nhanh chóng

Khi Satoshi Nakamoto công bố bản cáo bạch (whitepaper) Bitcoin vào tháng 10/2008, ít ai có thể hình dung một loại “tiền Internet” vô danh sẽ tạo nên một cuộc cách mạng tài chính toàn cầu. Tiền mã hóa (Cryptocurrency) - một dạng của tiền điện tử hoặc tiền kỹ thuật số - dần được các tổ chức tài chính, công ty đại chúng và cả các chính phủ công nhận là một lớp tài sản hợp pháp.

Ban đầu, tiền mã hóa bị nhiều tổ chức hoài nghi do tính biến động cao và nguy cơ bị sử dụng cho các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền. Tuy nhiên, theo thời gian, các công ty bắt đầu nhận ra tiềm năng của loại tiền mới này.

“Bitcoin chỉ là một trò lừa đảo Ponzi”, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, từng tuyên bố vào năm 2017. Thế nhưng, chính ngân hàng do ông điều hành đã ra mắt đồng tiền kỹ thuật số riêng (JPM Coin) chỉ 2 năm sau đó và thành lập bộ phận kinh doanh tiền mã hóa vào năm 2020.

Đây chỉ là một trong vô số ví dụ về sự thay đổi nhận thức đối với tiền mã hóa. Hiện tại, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu đạt gần 3.000 tỷ USD, với hàng nghìn dự án blockchain và nhiều loại tiền mã hóa được phát triển. Theo báo cáo từ Crypto.com, năm 2024, số lượng người sở hữu tiền mã hóa tăng 13% so với năm 2023, đạt 659 triệu người, trong đó hơn 337 triệu người có nắm giữ Bitcoin và 142 triệu người sở hữu đồng Ethereum. Cùng với đó, có khoảng 0,3 - 1,2 triệu người đầu tư vào Bitcoin thông qua các quỹ ETF Bitcoin tại Mỹ.

Chuyển từ cấm đoán sang quản lý

Sự phát triển nhanh chóng của tiền mã hóa đã buộc các nhà quản lý và chính phủ của nhiều quốc gia đối mặt với một thực tế mới: dù thích hay không, tiền mã hóa đã trở thành một phần không thể thiếu của hệ sinh thái tài chính toàn cầu.

Năm 2013, Cơ quan Thực thi tội phạm tài chính Mỹ (FinCEN) đưa ra hướng dẫn về tiền ảo. Cùng năm đó, Bitcoin ATM đầu tiên xuất hiện tại Vancouver (Canada), tạo cầu nối đầu tiên giữa thế giới số và thực.

Năm 2015, Tiểu bang New York, Mỹ giới thiệu “BitLicense” - khung quản lý đầu tiên dành riêng cho doanh nghiệp tiền mã hóa. Dù gây tranh cãi với chi phí tuân thủ cao, đạo luật đã tạo tiền lệ quan trọng, đó là tiền mã hóa có thể được quản lý, thay vì cấm đoán.

Bước ngoặt thực sự đến vào năm 2017, khi Nhật Bản sửa đổi Luật Dịch vụ thanh toán, công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp, có thể chuyển giao giữa các cá nhân, nhưng không được xem là tiền hoặc tài sản được xem là tiền. Đây là quốc gia G7 đầu tiên tạo khung pháp lý toàn diện cho tiền mã hóa. Đến năm 2019, Nhật Bản sửa đổi các đạo luật liên quan đến tiền ảo, đổi thành tài sản mã hóa (crypto asset), nhằm mô tả chính xác hơn bản chất của tiền mã hóa.

Theo Nikkei Asia, chỉ sau 1 năm thực hiện, số lượng người dùng tiền mã hóa ở Nhật Bản đã tăng từ khoảng 1 triệu lên hơn 3,5 triệu.

Năm 2020 đánh dấu mốc chuyển đổi ngoạn mục khi MicroStrategy, công ty phần mềm Mỹ niêm yết trên sàn NASDAQ, tuyên bố chuyển đổi 250 triệu USD dự trữ tiền mặt sang Bitcoin. Đến thời điểm hiện tại, công ty này đã nắm giữ hơn 500.000 Bitcoin.

Trong một bài phát biểu với Bloomberg, ông Michael Saylor, CEO MicroStrategy giải thích về lý do thay đổi hướng đi từ một công ty công nghệ chuyển sang mua và nắm giữ Bitcoin rằng, tiền đang mất giá với tốc độ đáng báo động, trong khi Bitcoin dần trở thành nơi trú ẩn an toàn, vượt trội so với vàng.

Tiếp theo đó, Tesla đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin, PayPal cho phép giao dịch tiền mã hóa, Visa bắt đầu hỗ trợ thanh toán bằng Stablecoin (một loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì giá trị ổn định, thường được neo với một tài sản cụ thể như đồng USD) cho các đơn vị mua hàng. Sau khi triển khai thí điểm Crypto.com, Visa mở rộng khả năng thanh toán bằng Stablecoin với USDC của Circle, thêm các chương trình thí điểm với các đơn vị chấp nhận thanh toán Worldpay và Nuvei, đồng thời sử dụng blockchain Solana... Các động thái này mở đường cho làn sóng chấp nhận tiền mã hóa từ các tổ chức tài chính truyền thống.

Tháng 6/2023, Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Tài chính Mỹ (FASB) đã ban hành hướng dẫn kế toán đầu tiên cho tài sản tiền mã hóa, giải quyết một trong những trở ngại lớn đối với việc các công ty đại chúng nắm giữ Bitcoin. Cụ thể, với quy tắc mới, các công ty có thể báo cáo những khoản lãi/lỗ chưa thực hiện và ghi nhận lợi nhuận trong sổ sách nếu giá Bitcoin hoặc tài sản mã hóa đi lên.

Tháng 1/2024, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) phê duyệt các quỹ ETF Bitcoin giao ngay, sau gần một thập kỷ từ chối. Trong 3 tháng đầu hoạt động, các quỹ này đã thu hút hơn 12 tỷ USD vốn mới (dữ liệu từ Bloomberg).

Theo PwC, tổng khối lượng giao dịch tiền mã hóa đạt 24.000 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 17% GDP toàn cầu.

“Khi một thị trường đạt quy mô này, các nhà quản lý không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia định hình nó”, ông Gary Gensler, cựu Chủ tịch SEC thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times.

Xây dựng khung pháp lý

Giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu hiện đạt gần 3.000 tỷ USD, được sở hữu bởi 659 triệu nhà đầu tư.

Ở châu Âu, Quy định Thị trường tài sản tiền mã hóa (MiCA) của EU có hiệu lực từ tháng 6/2024, tạo ra khung pháp lý thống nhất đầu tiên cho 27 quốc gia thành viên.

Đến tháng 3/2025, sự kiện được xem là lịch sử của ngành tiền mã hóa - Hội nghị Thượng đỉnh tiền mã hóa - lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà Trắng.

“Cuộc chiến chống lại tiền mã hóa đã kết thúc” là thông điệp chính mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới cộng đồng blockchain tại hội nghị. Khác biệt hoàn toàn với chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Nhiều quốc gia nhận ra rằng, xây dựng một khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số có thể mang lại lợi thế cạnh tranh lớn.

Singapore được xem là trung tâm tài chính số hàng đầu châu Á, với khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Cơ quan Tiền tệ Singapore đã hoàn thiện khung quy định Stablecoin vào tháng 8/2023, thúc đẩy sự phát triển của XSGD (Stablecoin gắn với SGD). Hơn 75% giá trị giao dịch XSGD từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 là dưới 1 triệu USD, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của người dùng cá nhân. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN (2023), Singapore đã thu hút hơn 300 công ty blockchain, tạo ra hơn 10.000 việc làm và giá trị kinh tế 2 tỷ USD mỗi năm.

Trong khi đó, Dubai thuộc UAE đã công bố chiến lược blockchain với mục tiêu trở thành “thủ đô blockchain của thế giới” vào năm 2030, xác định tiềm năng tạo ra hơn 40 tỷ USD giá trị kinh tế.

Thái Lan nổi lên là một trong những quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á trong việc chấp nhận và điều chỉnh quy định về tiền mã hóa, bắt đầu từ năm 2018 với Sắc lệnh Khẩn cấp về kinh doanh tài sản kỹ thuật số. Nhờ đó, Thái Lan đã tận dụng blockchain không chỉ trong lĩnh vực tài chính, mà còn trong quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ công. Không chỉ vậy, quốc gia này thu được khoảng 1,2 tỷ USD thuế từ giao dịch tiền mã hóa trong năm tài khóa 2023 (số liệu từ Nikkei Asia). Việc miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty phát hành token đầu tư (từ 2022) đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp blockchain đăng ký hoạt động.

“Các quốc gia thiết lập được quy định cân bằng đầu tiên sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ sự phát triển của công nghệ blockchain”, Ravi Menon, Giám đốc Cơ quan Tiền tệ Singapore nhận định tại Diễn đàn Fintech Singapore năm 2023.

Tại Việt Nam, đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tài sản số (tài sản ảo, tài sản mã hóa).

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được đưa ra lấy ý kiến người dân, lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Cơ quan soạn thảo đưa ra khái niệm tài sản số với nội hàm là một loại sản phẩm công nghệ số và dự kiến giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành ban hành, hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục