Rocky huyền thoại và "đám mây" ở Việt Nam
Có một phân cảnh vô cùng thú vị trong bộ phim mới nhất ở chuỗi phim Rocky của Silvester Stallone. Khi nhà cựu quán quân Rocky Balboa viết ghi chú lên mảnh giấy phác thảo những việc cần làm cho người bảo trợ, cậu này ngay lập tức chụp hình mảnh giấy bằng chiếc smartphone.
Khi cậu bé quay đi, Rocky gào lên: “Cậu không cầm mảnh giấy à?” - “Tôi có rồi, nó đã được đưa lên mây”, cậu bé trả lời. Ông già Rocky ngẩn ngơ nhìn trời: “Đám mây nào? Đám mây nào?”.
Nhà cựu vô địch quyền anh hạng nặng của thế giới - Rocky có thể không biết về đám mây, nhưng chàng trai sau này suýt trở thành tân vô địch thế giới (con trai ngoài giá thú của cựu vô địch thế giới Apollo Creed) cùng hàng chục đến hàng trăm triệu người khác trên thế giới đang dựa vào nó. Phân cảnh này phản ánh một sự thay đổi cực lớn không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới với điện toán đám mây.
Ở Việt Nam, câu chuyện về điện toán đám mây (cloud) đã được nhắc rất nhiều trên các phương tiện truyền thông trong những năm gần đây. Và cũng giống như Rocky Balboa, hàng triệu người Việt Nam đang dùng các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây mà không hề biết. Nếu đặt xe trên ứng dụng Grab hoặc VeXeRe, sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, thậm chí máy tính… bạn đang dùng chúng trên hạ tầng “đám mây”.
Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ đã nhìn thấy tầm quan trọng của điện toán đám mây với vai trò là nhân tố nền tảng cho sự phát triển của cách mạng 4.0. Tuy nhiên, hầu hết chỉ tìm hiểu và đi thuê hạ tầng của nước ngoài phục vụ cho các nhu cầu của riêng mình hơn là đầu tư để cung cấp cho các doanh nghiệp, cá nhân trong nước.
“Cloud” chỉ bùng lên thời gian gần đây cùng với một số rất ít công ty lớn trong nước đầu tư mạnh vào hạ tầng này để cung cấp dịch vụ cho đại chúng.
Đám mây là "móng nhà" của cách mạng 4.0
Nếu như trước đây, một công ty muốn mở rộng năng lực CNTT của mình, mua thêm một máy chủ và đưa vào vận hành thì việc làm thủ tục mua sắm, nhập thiết bị, thuê vị trí đặt máy chủ và đưa vào vận hành sẽ mất tối thiểu 3-4 tháng. Điều này sẽ khiến cho những startup có tốc độ tăng trưởng gấp đôi mỗi quý như VeXeRe, Novaon hoặc những công ty lớn có tốc độ tăng trưởng caogặp vấn đề cực lớn về mở rộng hạ tầng CNTT phục vụ nhu cầu kinh doanh. Cơ hội có thể bị lỡ, kinh doanh trục trặc… là điều xảy ra trong quá khứ.
Thế nhưng với điện toán đám mây, giờ đây, các công ty chỉ mất 5 phút để có thể thuê không hạn số máy chủ, nhân gấp nhiều lần năng lực tính toán, backup dữ liệu… cho việc mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin của mình từ các nhà cung cấp trong nước mà lớn nhất và nhiều dịch vụ nhất là Viettel IDC (đơn vị chiếm tới 23% thị phần điện toán đám mây tại Việt Nam). Đây là chưa kể tới việc họ có thể tối ưu chi phí cực đại bởi dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu và có thể giảm quy mô cho thuê ngay lập tức khi không cần dùng số lượng lớn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Viettel IDC cho biết, khi nói về cách mạng 4.0 người ta thường nói về 4 công nghệ: Cloud, IoT, Big Data và AI. Trong số này, Cloud là nền tảng ở dưới cùng, bất kỳ một ứng dụng nào về AI, IoT hay Big Data đều cần có hạ tầng ở bên dưới là Cloud thì mới chạy được.
“Cloud giống như móng nhà để các ứng dụng công nghệ chạy ở bên trên, giúp công nghệ kia thể hiện được sức mạnh thực sự. Đặc biệt là xu hướng 4.0 là sản xuất số lượng lớn nhưng cá thể hoá thì bản chất phải tính toán rất lớn, nhanh, kịp thời, và linh động. Đây chính là ưu thế của cloud”, ông Dũng nhận xét.
Lãnh đạo của Viettel IDC bổ sung, với vị trí là một nhà cung cấp hạ tầng về viễn thông và CNTT lớn nhất Việt Nam, ban lãnh đạo tập đoàn Viettel hiểu rõ nhu cầu về cloud với sự phát triển tương lai không chỉ cho mình mà cho toàn xã hội.
“Đây là lý do ban lãnh đạo tập đoàn quyết định đầu tư mạnh cho điện toán đám mây không chỉ để phục vụ cho nhu cầu đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 của Viettel, mà còn tạo ra một hạ tầng 4.0 cho xã hội nói chung như chúng tôi đã làm trong lĩnh vực viễn thông. Một nền tảng điện toán đám mây mạnh sẽ là hạ tầng cơ bản cho sự phát triển của cách mạng 4.0 ở Việt Nam”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.
Cùng với sự tham gia mạnh mẽ của Viettel IDC, các công ty công nghệ lớn của Việt Nam cũng gia nhập thị trường cloud như CMC, FPT, VNPT… và thúc đẩy xu hướng “mây hoá” ở nhiều doanh nghiệp.
Chiến lược kích cầu "đám mây" ở Việt Nam
Theo số liệu của PGS. TS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) công bố tại một cuộc hội thảo năm 2017, Việt Nam là nước có nhịp độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của cả khối ASEAN (49,5%).
Đến năm 2018, Việt Nam đạt 41/100 điểm và trở thành nước đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng “Chỉ số sẵn sàng cho Điện toán Đám mây tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Điều này cho thấy mô hình Cloud đang trở nên phổ biến và bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với mô hình CNTT truyền thống. Trong tương lai, việc ứng dụng mô hình này tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tăng mạnh và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam con rất thấp (1,7 USD/người/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.
Nhận định về con số này, ông Nguyễn Tiến Dũng nói: “Số liệu này cho thấy thị trường cloud tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và chỉ cần chăm chỉ khai phá, kích thích được thị trường thì nhu cầu sẽ bùng nổ. Và việc Viettel từng làm với viễn thông di động trước đây là một ví dụ điển hình”.
Đại diện Viettel IDC cũng cho biết, công ty này đã có chiến lược kích thích việc sử dụng hạ tầng điện toán đám mây trên diện rộng ở nhóm khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với chính sách giá rẻ và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Bên cạnh đó là các sản phẩm đặc thù cho thị trường ngách với giá siêu rẻ mà dịch vụ Data Archive mới được giới thiệu là ví dụ điển hình (rẻ hơn từ 5-10 lần mức giá trên thị trường).
“Chúng tôi tin rằng, sau 2-3 năm nữa, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và đó là một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam”.