Roadshow PG Bank (PGB): Quý I/2023 ước lãi trước thuế 150 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo chia sẻ của lãnh đạo PGB trong buổi buổi hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư với chủ đề “Cơ hội đầu tư cổ phiếu PG bank”, hiện có khá nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm tới việc bán đấu giá của cổ đông lớn Petrolimex tại PGB, nên kỳ vọng thương vụ sẽ thành công.
Roadshow PG Bank (PGB): Quý I/2023 ước lãi trước thuế 150 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư quan tâm đấu giá

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (PLX) dự kiến chào bán 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã PGB) với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu thông qua phương thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Tính tới 31/12/2022, PG Bank chỉ có 1 cổ đông lớn là Petrolimex sở hữu 40% vốn điều lệ và còn lại 60% vốn điều lệ thuộc về các cổ đông khác.

Tại buổi roadshow, kế hoạch kinh doanh cũng như chất lượng tài sản của PGB được nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Quang Định, Chủ tịch HĐQT PGB cho biết, PGB có nhiều cải thiện trong 2022, tập trung gia tăng hiệu quả quản trị, thiết lập sản phẩm dịch vụ chất lượng, đầu tư công nghệ, số hóa để gia tăng trải nghiệm khách hàng. Dựa trên nền tảng này, quý I, Ngân hàng có kết quả khả quan. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ước đạt 150 tỷ đồng cho cả quý I/2023.

Kế hoạch cả năm, PGB dự kiến 530 tỷ đồng và sẽ trình ĐHCĐ tổ chức vào ngày 25/4 tới.

Về kế hoạch phát triển dài hạn, PGB trải qua quá trình tái cấu trúc dài, từ năm 2015 tới nay không tăng vốn, giữ nguyên vốn điều lệ ở mức 3.000 tỷ đồng, mạng lưới giữ nguyên 79 chi nhánh, phòng giao dịch. Kế hoạch giai đoạn 5 năm 2022-2026 trên cơ sở PLX vẫn là cổ đông lớn, không tăng vốn, không mở rộng mạng lưới, thực hiện tăng trưởng bình quân của thị trường đâu đó 10-15% phù hợp với chủ trương chung về tăng trưởng tín dụng của ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì kỳ vọng đến 2026, tổng tài sản ước đạt 58.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo PGB, với việc thoái vốn của PLX, tạo ra cơ hội mới cho nhà đầu tư mới tham gia, nếu tăng vốn và mở rộng mạng lưới thì PGB còn nhiều dư địa phát triển.

Để đảm bảo hiệu quả ngân hàng, đảm bảo biên lãi ròng (NIM), lãnh đạo PGB cho biết, Ngân hàng sẽ tập trung khách hàng đúng định hướng là vừa và nhỏ, siêu nhỏ, và khách hàng cá nhân bán lẻ. Hiện tỷ trọng tăng trưởng khách hàng bán lẻ bao giờ cũng cao hơn khách hàng doanh nghiệp và chiếm tỷ trọng quan trọng trong cơ cấu cho vay của PGB. Với phân khúc khách hàng bán lẻ thì biên lãi lúc nào cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, PGB cũng chú trọng phát triển hơn nữa tiền gửi không kỳ hạn - CASA (hiện là 17,9% cao hơn bình quân ngân hàng cùng quy mô). Song song đó là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, nhằm mục đích gia tăng giao dịch khách hàng trên tài khoản.

Liên quan đến dư nợ trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm tăng 242 tỷ đồng do liên quan một số khoản nợ xấu và đánh giá cần có thời gian thu hồi nên đã bán nợ cho VAMC. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ trái phiếu VMAC của PGB là 951 tỷ đồng, đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, phần còn lại theo quy định trích lập dần 5 năm. Lãnh đạo PGB cho biết, qua rà soát và cơ sở đã trích lập so với với phần còn trích lập dự kiến thêm 550 tỷ đồng thì PGB có khả năng thu hồi và hoàn nhập.

Dư nợ cho vay nhóm bất động sản của PGB ở mức khoảng 2.000 tỷ đồng, nhóm xây dựng 3.000 tỷ đồng – theo chia sẻ từ PGB, hiện chưa phát sinh dư nợ xấu đáng chú ý, nhờ trong quá trình cho vay cũng rà soát chặt chẽ, và khách hàng phân tán chứ không tập trung vào một doanh nghiệp nào.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục