Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, môi trường kinh doanh của Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới, trước hết trong khu vực ASEAN vẫn còn khoảng cách khá lớn.
“Các doanh nghiệp gặp hàng loạt khó khăn từ khó vay vốn, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng hạ tầng kém, đặc biệt là các vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu”, ông Lộc nói.
Theo Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các khoản chi trả không chính thức, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước và luôn phải tìm cách đối phó với những rủi ro có thể xảy ra từ việc thay đổi chính sách hay sự áp dụng và thực hiện không nhất quán, không dự đoán được của cơ quan nhà nước các cấp.
Do đó, cho đến nay, nhiều cơ quan nhà nước vẫn chỉ loay hoay tập trung tìm kiếm các giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, thay vì trăn trở tìm ra các giải pháp mới để hỗ trợ kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Ông Lộc cho biết, trong quá trình rà soát độc lập các điều kiện kinh doanh quy định tại văn bản quy phạm pháp luật cấp thông tư chuyển đổi lên nghị định theo yêu cầu của Chính phủ mới đây, VCCI và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phát hiện hàng trăm vấn đề bất cập, có thể bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hoá. Thực tế này cho thấy, có thể phát hiện thêm rất nhiều vấn đề tương tự đang tồn tại ở các văn bản quy phạm pháp luật khác và dư địa cải cách đang còn rất lớn.
VCCI đề nghị, các cơ quan quản lý phải tính toán và đánh giá được chi phí, lợi ích của từng thủ tục hành chính đặt ra, chứ không nêu chung chung là nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, như cách làm phổ biến trước đây.
“Chúng ta dường như đang lạm dụng các giải pháp quản lý, đặt ra rất nhiều gánh nặng hành chính, thủ tục cấp phép và không bao giờ tính đến nó tạo ra gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp, ảnh hưởng ra sao đến sức cạnh tranh của hàng hoá và gây thiệt hại bao nhiêu đến nền kinh tế. Những thủ tục như kiểm định formaldehyt đối với hàng dệt may trước đây, thủ tục dán nhãn năng lượng hay rất nhiều thủ tục chuyên ngành khác trong xuất nhập khẩu tạo ra những chi phí khủng khiếp cho doanh nghiệp, trong khi mục tiêu quản lý đạt được là không rõ hoặc không đáng kể. Vừa qua, Bộ Công thương quyết định bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm định formaldehyt là một điển hình tốt cần được nhân rộng”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho hay, phần lớn các hội viên của AmCham đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam thời gian gần đây, song vẫn tồn tại những thách thức với doanh nghiệp trong việc xử lý vấn đề tham nhũng, nguồn nhân lực hạn chế, môi trường pháp lý và cấp phép hoạt động quá phức tạp, nhiều rào cản và không rõ ràng, cách diễn giải luật không nhất quán và việc thực thi không đồng đều...
Một số quy định mà cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ cho là không hợp lý như Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước “buộc tất cả các giao dịch thanh toán điện tử phải thông qua một doanh nghiệp nhà nước độc quyền”, thay vì thông qua các hệ thống hiện đại đã được sử dụng trên toàn cầu. AmCham đề nghị, Việt Nam cần áp dụng các hệ thống tăng cường thanh toán điện tử, giảm cơ hội cho các giao dịch bất hợp pháp trong quá trình cấp phép.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV), ông Kenneth M. Atkinson cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách triệt để các thủ tục khai thuế, thanh tra thuế, các quy định quản lý chuyên ngành để tạo môi trường kinh doanh minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), ông Tomaso Andreatta kiến nghị, cần đơn giản hóa các luật và thủ tục hành chính, giảm phạm vi lạm quyền bằng cách làm rõ các quy định và cải thiện tiền lương của công chức nhà nước, bảo đảm việc phản hồi liên quan tới thủ tục hành chính công của các công ty nằm trong giới hạn hợp lý và tránh áp dụng hiệu lực hồi tố.
“Thực thi được các cải cách này một cách triệt để sẽ giúp nâng cao khả năng thu hút đầu tư vào Việt Nam so với các nước khác trong khu vực ASEAN và giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Andreatta nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị của Diễn đàn Doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan. Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và thông báo, phản hồi cho Diễn đàn biết.