Nội dung trên được Thủ tướng nêu ra và yêu cầu các bộ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh trong cả nước; các tập đoàn, tổng công ty… tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, đang diễn ra chiều nay (6/12).
Đây là hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm tạo ra bước đột phá trong nhận thức và hành động thời gian tới để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Nhìn nhận số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm rất nhanh trong những năm qua, từ 12.000 doanh nghiệp đến tháng 10/2016 giảm còn 718 doanh nghiệp, nhưng Thủ tướng nêu câu hỏi: tại sao vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa cao như vậy, mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước là thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ?
Trước thực trạng trên, người đứng đầu Chính phủ “ra đề” cho các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty là giải pháp nào trong thời gian tới để thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp đạt kết quả tốt nhất. Phải xác định doanh nghiệp nào nhà nước cần nắm giữ 100% vốn và nắm cổ phần chi phối.
Dự thảo quyết định về phân loại doanh nghiệp nhà nước đang trên bàn tôi, nhưng tôi chưa ký, vì muốn nghe thêm ý kiến. Tại doanh nghiệp thủy nông, nhà nước có cần nắm 100% vốn không?
(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 còn phù hợp không.
“Tôi được phản ánh nhiều chính sách không phù hợp. Hôm nay các bộ, UBND các tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty cần đề xuất giải pháp cho vấn đề này”.
Ngoài ra, có những vẫn đề mới nào đặt ra khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hay không. Ví dụ như chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong xác định giá trị doanh nghiệp; bán vốn theo lô, bán vốn dưới mệnh giá thực hiện như vừa qua đã ổn chưa; chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hậu cổ phần hóa thế nào. Tại nhiều tập đoàn, tổng công ty, nhà nước vẫn nắm giữ 100% vốn đã hợp lý chưa? Cần sửa cơ chế xử lý xác định giá trị đất đai khi định giá doanh nghiệp như thế nào?
“Tôi đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, doanh nghiệp thảo luận về hướng thành lập cơ quan đầu mối chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo văn bản quy định về vấn đề này, Ban cán sự đảng Chính phủ chưa cho ý kiến, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đang xem xét…”, Thủ tướng yêu cầu.
Liên quan đến cổ phần hóa thời gian tới, Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ để không thất thoát tài sản nhà nước. Cùng với đó phải làm rõ trách nhiệm cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cố tình triển khai cổ phần hóa chậm trễ…