Trong ngành hàng không có khái niệm “góc quan tài” - điểm mà tại đó việc tăng độ cao lên mức trần cho phép của máy bay sẽ dẫn tới hiện tượng máy bay bị khựng lại và rơi xuống theo chiều thẳng đứng.
Vào thời điểm bất định hiện tại, rất cần “phi hành đoàn” thành thạo đưa “máy bay” vào vùng an toàn và ổn định.
Bài 1: Chống lạm phát, nhưng vẫn có thể làm mọi thứ tốt đẹp hơn
Nếu chi phí điều chỉnh lạm phát nhỏ, nhưng mang lại lợi ích lớn (chí ít cũng đã tự gỡ tảng đá to đè chân mình), có thể cân nhắc nới lạm phát cao hơn phần nào.
Lạm phát mục tiêu 4%, vì sao?
Khi Quốc hội New Zealand (quốc gia đầu tiên áp dụng chế độ lạm phát mục tiêu) vào tháng 12/1989, quyết định mục tiêu lạm phát của ngân hàng trung ương là 2%, thay vì là kết quả của cuộc tranh luận kinh tế căng thẳng, điều ngạc nhiên là không nhà lập pháp nào phản đối, có lẽ họ muốn về nhà sớm đón Giáng sinh - nhiều nhà kinh tế ví von. Con số 2% có nguồn gốc từ buột miệng của nguyên Bộ trưởng Tài chính gợi ý ngân hàng trung ương độc lập nên hướng tới lạm phát bằng 0 hoặc 1%. Quốc hội New Zealand xem đó như điểm khởi đầu trước khi đưa ra con số 2%. Theo thời gian, 2% trở thành tiêu chuẩn ở các nền kinh tế phát triển.
Điểm lại lịch sử trên để thấy, tại sao chúng ta tự lấy đá ghè chân mình khi ấn định bất biến con số 4%, bất kể bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi sang môi trường mới. Thậm chí, Chính phủ New Zealand còn đề xuất ngân hàng trung ương cân nhắc mục tiêu giá nhà hợp lý cho người dân, kết hợp với mục tiêu lạm phát. Bài học đầu tiên về lạm phát chúng ta cần cân nhắc: bối cảnh thay đổi, mục tiêu cũng cần linh hoạt hơn.
Bối cảnh mới: Ngọn gió tổng cung trái chiều
Giai đoạn 1980-2010 chứng kiến 4 cơn gió tổng cung xuôi chiều hội tụ cùng hướng: môi trường địa chính trị khá ổn định; tiến bộ công nghệ; nhân khẩu học thuận lợi và toàn cầu hóa. Ngọn gió xuôi khiến nguồn cung phản ứng rất nhanh nhạy trước những thay đổi của nhu cầu. Cứ sau mỗi chu kỳ gián đoạn, nguồn cung nhanh chóng điều chỉnh theo các mô hình nhu cầu mới.
Chính sách tiền tệ diễn biến trong bối cảnh gió tổng cung xuôi chiều - thúc đẩy cung cứ tự động chạy theo cầu - khiến việc chế ngự áp lực lạm phát gặp thuận lợi. Từ những năm 1980 đến nay, lạm phát các nước phát triển nhìn chung giảm mạnh và ít biến động. Ngọn gió xuôi còn thổi mạnh tới các nền kinh tế mới nổi, từ mức 10-15% vào giữa thập niên 1990, lạm phát nhanh chóng hội tụ về mức 2% vào đầu thập niên 2000.
Sáu tháng trước, hầu như ít ai nhận thấy dấu hiệu ban đầu của cơn gió tổng cung trái chiều từ chính sách kích cầu quá mức ở các nền kinh tế phát triển để ứng phó với đại dịch và cú sốc năng lượng, lương thực toàn cầu. Không chỉ ngân hàng trung ương Mỹ (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed), hầu như tất cả nhà đầu tư, các định chế tài chính của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều sai lầm khi tưởng lạm phát cao đã thành dĩ vãng. Báo cáo tháng 6/2022 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế nhận định: “Thế giới đang ở bản lề thay đổi lịch sử với những cơn gió trái chiều sẽ đẩy mọi thứ sang môi trường mới là lạm phát cao và dai dẳng hơn”.
Bật và tắt cầu dao nguồn cung khác bật, tắt nhu cầu
Lạm phát luôn luôn và bất kỳ đâu cũng là hiện tượng tiền tệ. Quá nhiều tiền tệ chạy theo quá ít hàng hóa dẫn đến lạm phát. Nhưng khi tổng cung vừa là ngọn gió ngược, vừa là cú sốc thường xuyên khiến cung không đáp ứng đủ kịp thời nhu cầu, lạm phát không chỉ đơn thuần là hiện tượng tiền tệ, mà còn có yếu tố nguồn cung thiếu hụt dai dẳng. Đây có thể là luận điểm quan trọng cho các phản ứng chính sách của chúng ta.
Cách hiểu nguyên thủy về lạm phát được nhiều nhà kinh tế tinh chỉnh phù hợp bối cảnh mới: lạm phát “thông thường” (thay vì luôn luôn) và “hầu hết” (thay vì bất kỳ đâu) là hiện tượng tiền tệ. Điều này hàm ý tăng lãi suất quá mức sẽ mang lại hậu quả khó lường: vì việc “bật và tắt cầu dao nguồn cung khác bật và tắt nhu cầu”. Tăng lãi suất để tắt nhu cầu vô hình trung làm tắt luôn nguồn cung. Nhưng tắt cầu, sau đó muốn hồi phục [mở cầu dao] thì dễ hơn [giảm mạnh lãi suất, thuế]. Còn nguồn cung bị tắt - doanh nghiệp rời thị trường - muốn mở [cầu dao] không dễ, chúng ta có thể mất vĩnh viễn nhiều nguồn lực quốc gia quan trọng.
Đại dịch và chiến tranh làm thế giới chứng kiến quá trình phân bổ lại các ngành công nghiệp mới. Các công nghệ mới ra đời là sự liên kết các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh… hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là các ngành nghề có liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc. Ngay thời điểm Covid-19 làm tê liệt gần như toàn bộ nền kinh tế cả nước, kinh doanh online vẫn đạt được con số tăng trưởng ngoạn mục lên đến 30%. Những điều chỉnh ngành nghề mới này không nên là nạn nhân của tăng lãi suất quá mức.
Điều chỉnh tăng (giảm) lạm phát ngắn hạn: mở rộng (thu hẹp) cột gôn, nhưng không thay đổi vị trí khung thành
Gần đây, một số báo cáo từ định chế nước ngoài nhận định, Ngân hàng Nhà nước hành động hơi muộn khi không đi tắt đón đầu tăng lãi suất như một số nước. Thế nhưng, trong môi trường tổng cung trở thành cú sốc thường xuyên, nghe như nghịch lý, nhưng tăng lãi suất quá sớm thậm chí còn làm lạm phát tăng mạnh thêm.
Việt Nam có độ mở kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới, sớm muộn ngọn gió tổng cung trái chiều rồi cũng sẽ thổi mạnh đến kinh tế nước nhà. Điều này khiến chính sách tiền tệ không thể đồng thời ổn định cả lạm phát và tăng trưởng như cách hiểu trước đây.
Tờ Economist mới đây thu thập dữ liệu 8 nền kinh tế mới nổi (Brazil, Chile, Hungary, New Zealand, Na Uy, Hàn Quốc, Peru, Ba Lan) có chính sách tiền tệ siêu thắt chặt, thậm chí Brazil còn đi trước bằng cách tăng mạnh lãi suất trước Fed một năm. Kết quả cho thấy, tới tháng 9/2022, lạm phát cơ bản (đã loại trừ giá năng lượng, thực phẩm) ở 8 quốc gia này tăng 2 con số, gần 10% và ngày càng có xu hướng ở mức cao và dai dẳng nhiều hơn so với mức trung bình toàn cầu; thị trường chứng khoán, nhà đất và tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm.
Tăng lãi suất quá sớm hay quá muộn cũng có nguy cơ ngang nhau, nên khó phê phán phản ứng chính sách từ quan điểm “sớm hay muộn”. Bối cảnh bất định hiện tại khiến Raghuram Rajan, nguyên Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ rất hoang mang với các dữ liệu vì không hiểu hết điều gì diễn ra, nên không thể đưa ra các lập trường vững chắc theo bất kỳ hướng nào.
Chính sách tiền tệ linh hoạt có thể mang hình thái mới có tên “kích cầu từ phía cung”, hay “chính sách tưới tiêu tiền tệ” như cách gọi của một số nhà kinh tế về bản chất của nó. Không thắt chặt quá mức, mở van tín dụng để tiền, nếu chảy đúng vào các nguồn cung thiết yếu, chúng ta không phải lo lắng thái quá về lạm phát.
Chẳng hạn, doanh nghiệp xăng dầu không tiếp cận được tín dụng nên không mua được hàng, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng làm thị trường xăng dầu tê liệt. Ngân hàng nếu ưu tiên bơm tín dụng đúng địa chỉ cho ngành xăng dầu, có khi làm hạ nhiệt giá xăng, giảm mạnh lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn so với lập luận “hết room”. Tất nhiên, chính sách này chỉ áp dụng trong tình thế khẩn cấp, chứ không thể kéo dài.
Việc mở van tín dụng khẩn cấp có thể làm tăng áp lực lạm phát, đồng nội tệ mất giá và cái giá phải trả nhiều hơn để kiềm chế lạm phát trong tương lai. Nhưng mặt khác, thắt chặt tài khóa tiền tệ quá mức, kinh tế suy yếu, các thị trường chứng khoán, nhà đất có nguy cơ suy sụp do thiếu thanh khoản. Tất cả sẽ làm mất niềm tin trên thị trường. Đây chính là nguy cơ lớn nhất hiện nay.
Tất cả cho thấy, nếu chi phí điều chỉnh lạm phát nhỏ, nhưng mang lại lợi ích lớn (chí ít, cũng đã tự gỡ tảng đá to đè chân mình), có thể cân nhắc nới lạm phát cao hơn phần nào.
Để tránh tạo kỳ vọng lạm phát, cần truyền thông thật rõ: chúng ta mở rộng cột gôn, chứ không thay đổi vị trí khung thành. Lạm phát 4% (vị trí khung thành) vẫn là mục tiêu không đổi, nhưng trước mắt, có thể mở rộng khung thành, bằng việc Quốc hội cho phép Chính phủ linh hoạt điều hành trên mức 4% trong một khoảng thời gian. Trong trung hạn 2-3 năm, nếu năm nào diễn biến giá thuận lợi, cột gôn (lạm phát) sẽ thu hẹp còn 2-3%, sao cho trung bình lạm phát vẫn đạt mức 4% trong một khoảng thời gian nhất định.
Nhiễu loạn buộc tăng giảm độ cao phù hợp, nhưng không vì thế thay đổi hành trình chuyến bay
Mục tiêu lạm phát 4% trong nhiều năm qua dựa trên luận điểm các yếu tố tổng cầu là nhân tố chính tạo ra lạm phát. Khi lạm phát được thúc đẩy bởi nhu cầu, ổn định lạm phát cũng là ổn định tăng trưởng, không có đánh đổi giữa 2 mục tiêu. Nhưng vấn đề là giờ đây, yếu tố nguồn cung dai dẳng khiến lạm phát phát sinh ngay cả khi kinh tế suy thoái.
Việt Nam có độ mở kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới, sớm muộn ngọn gió tổng cung trái chiều cũng sẽ thổi mạnh đến kinh tế nước nhà. Điều này khiến chính sách tiền tệ không thể ổn định cả lạm phát và tăng trưởng như cách hiểu trước đây. Trong môi trường mới, về lý thuyết, chính sách tiền tệ phải lựa chọn đánh đổi giữa hai mục tiêu: hoặc chấp nhận lạm phát cao hơn (nhưng nâng lãi suất không giúp tăng lương thực), hoặc phá hủy nhu cầu để kiềm chế lạm phát.
Song thật may mắn - với lạm phát hiện ở mức tương đối chấp nhận được, kinh tế vĩ mô ổn định và với nhiều công cụ bình ổn giá có sẵn - thay vì phải đánh đổi, chúng ta có cơ sở để lựa chọn tối ưu giữa hai khả năng: có thể nới lạm phát cao hơn 4%, đồng thời nâng lãi suất từng bước nhỏ theo một quy tắc nào đó có thể dự đoán được, tránh gây cú sốc tâm lý thị trường.
Kinh tế vĩ mô của chúng ta tuy tốt, nhưng vi mô đang có vấn đề, thậm chí vấn đề lớn, phần nào do những bất cập trong kết hợp giữa chính sách tài khóa tiền tệ khiến thanh khoản thị trường bị tắc nghiêm trọng. Đổ hết tội nghẽn thanh khoản chỉ do chính sách tiền tệ chống “lạm phát”, xem chừng không ai thấy con voi trong phòng. Cần xem lại các điểm nghẽn trữ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, những bất cập quay xe liên tục trên thị trường trái phiếu, đầu tư công “có tiền nhưng không tiêu được” và những tin đồn... Tất cả đã làm sụt giảm niềm tin thị trường.
Môi trường vi mô hiện tại chỉ có một số “nhiễu loạn” buộc chúng ta tăng, giảm độ cao tương ứng, nhưng không vì thế thay đổi hành trình chuyến bay. Thị trường đang rất đòi hỏi cách làm chuyên nghiệp hơn. Trong ngành hàng không có khái niệm “góc quan tài” - điểm mà tại đó việc tăng độ cao lên mức trần cho phép của máy bay sẽ dẫn tới hiện tượng máy bay bị khựng lại và rơi xuống theo chiều thẳng đứng. Vào thời điểm bất định hiện tại, rất cần phi hành đoàn thành thạo đưa máy bay vào vùng an toàn và ổn định.
(Còn tiếp)