Ngày 8/10 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương và Đại hội Thi đua yêu nước Khối doanh nghiệp, doanh nhân lần thứ I.
Phát biểu tại Đại hội, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, dù đã có bước phát triển và lớn mạnh, nhưng so với yêu cầu phát triển, đội ngũ doanh nhân hiện vẫn còn chưa đông, chưa mạnh.
Tính bình quân, hiện nay cứ 200 người dân Việt Nam mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển, cứ 15 - 20 người dân là có 1 doanh nghiệp.
Về quy mô, 96-97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Vì vây, rất cần phải có một cuộc cách mạng về khởi nghiệp để đạt được mục tiêu con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Đây là nền tảng để Việt Nam có được ngày càng nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN, châu Á và vươn ra thế giới. Giới doanh nhân Việt Nam thực sự tự hào khi trong vừa tháng 9 mới đây, đã có 1 doanh nhân người Việt thành công tại Hoa Kỳ được xếp hạng trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ do Tạp chí Forbes công bố.
Bên cạnh đó, bắt đầu có các gương mặt doanh nhân Việt nam xuất hiện với thứ hạng cao trong bảng xếp hạng trong khu vực châu Á và ASEAN, thương hiệu nhiều sản phẩm Việt Nam đã được vinh danh trên thị trường quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Lộc, con số này còn khiêm tốn và rất cần có những nỗ lực đột phá từ chính bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng như vai trò hỗ trợ của Nhà nước để ngày càng nhiều hơn.
Ông Lộc cũng khẳng định, Nhà nước chỉ có thể đóng vai trò hỗ trợ, còn nhiệm vụ và sứ mệnh chính trong thương trường kinh doanh vẫn thuộc về đội ngũ doanh nhân để tự phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, từ đó đưa đất nước phát triển vươn lên. Tuy nhiên, ông Lộc cũng đề xuất Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ, động viên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh làm giàu chân chính.
Bình chọn doanh nhân thế nào?
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thể chế để bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh và phát triển, Nhà nước tăng cường tiếp tục quan tâm đổi mới thi đua khen thưởng đổi mới đối với doanh nhân một cách thiết thực, hiệu quả. Việc khen thưởng tri ân nên lượng hóa cụ thể thông qua phân cấp khen thưởng một cách xứng đáng đối với doanh nghiệp có thành tích tạo được nhiều việc làm cho lao động để kịp thời động viên, khuyến khích DN.
Đồng tình đề xuất này, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, việc xác định các tiêu chí, thành tích để bình chọn doanh nhân cần phải thay đổi về mặt tư duy từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Sự thay đổi này cần thể hiện một cách cụ thể từ việc xét duyệt thành tích mang tính “xin - cho”, ban phát chuyển thành trách nhiệm chủ động tìm kiếm, phát hiện, giúp đỡ, hỗ trợ, tôn vinh các cá nhân, tổ chức điển hình tiên tiến.
Về tiêu chí xét duyệt đối với đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong giai đoạn hiện nay, ông Đoàn đề xuất, ngoài các yếu tố hiệu quả về doanh thu, lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước…, cần chú trọng tiêu chí tỷ trọng cao của các yếu tố hội nhập, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, yếu tố về minh bạch và đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp.
Cũng tại đại hội thi đua khối DN năm nay, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt nam, trong đó có sự kiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán đã được đặc biệt nhấn mạnh và trở thành vấn đề được hầu hết giới doanh nghiệp quan tâm.