Rắc rối khởi nghiệp ở Ấn độ và góc nhìn về Việt Nam

(ĐTCK) Với dân số hiện tại là 1,21 tỷ người, cho tới năm 2022, Ấn Độ được dự kiến sẽ thay thế Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất trên thế giới. Chính bởi kích cỡ dân số khổng lồ, một trong những khó khăn lớn nhất tại đây là tạo ra việc làm cho các công dân.
Rắc rối khởi nghiệp ở Ấn độ và góc nhìn về Việt Nam

Trong năm ngoái, Cơ quan Kinh tế và Thống kê Ấn Độ nhận được 75.000 đơn xin việc cho 30 vị trí phục vụ, với công việc chính liên quan tới nhận thư và pha trà. Trong số những đơn này, rất nhiều ứng viên có bằng kỹ sư hoặc quản lý ở cấp đại học. Năm 2011, khoảng 10 triệu công dân Ấn Độ tốt nghiệp đại học đi tìm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao ngay cả với những người có bằng cấp, với con số khoảng 7,2 triệu người.

Theo thống kê thất nghiệp hàng tháng do BSE và Trung tâm Giám sát nền kinh tế Ấn Độ (CMIE) thực hiện, tỷ lệ thất nghiệp nói chung, bao gồm cả những trí thức, đã tăng từ mức 7,97% trong tháng 4/2016 lên 9,84% trong tháng 8 năm nay.

Trong bối cảnh khó khăn này, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sản xuất, không tỏ ra hiệu quả trong việc tạo ra việc làm. Hy vọng của người dân Ấn Độ được đặt vào một lĩnh vực đầy hứa hẹn tại quốc gia này, đó là khởi nghiệp. Một cuộc khảo sát do Inshorts và Ipsos thực hiện cho thấy, hơn 50% công dân trẻ Ấn Độ (dưới 35 tuổi) muốn được làm việc tại các dự án khởi nghiệp hơn là tại các công ty lớn. Đa phần những người trong độ tuổi này có mong muốn được trở thành một phần của cuộc cách mạng khởi nghiệp. Trong số 53.089 người tham gia khảo sát, hơn 45% cho biết đang chuẩn bị tiến hành khởi nghiệp trong 5 năm tới.

Khởi nghiệp đang nổi lên như là một động lực tăng trưởng của Ấn Độ, được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn sẵn sàng đổ tiền vào quốc gia này trong vài năm qua. Tuy nhiên, năm 2015, xu hướng đầu tư và tuyển dụng mạnh mẽ tại các dự án khởi nghiệp đột ngột chững lại khi các quỹ đầu tư bắt đầu rút vốn.

Với việc nguồn tiền đầu tư ít hơn, các dự án khởi nghiệp buộc phải cắt giảm các chi phí, một trong số đó là số việc làm và mức lương cho nhân viên. Chưa kể, nhiều dự án khởi nghiệp nhanh chóng sụp đổ vì thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Theo Xeler8, trong số 2.281 dự án khởi nghiệp bắt đầu từ thời điểm tháng 7/2014, đến nay đã có 997 dự án đóng cửa, với tỷ lệ thất bại ở mức 43,7%. Đa phần những cá nhân khởi nghiệp sẽ tìm tới làm việc tại một công ty nào khác, chỉ 22-24% số người cho rằng sẽ tiếp tục bám trụ với chiến lược khởi nghiệp.

“Những doanh nhân cho rằng thất bại là đáng trân trọng, nhưng những nhân viên mới là người phải gánh chịu hậu quả”, Divyadeep Jadhav, từng là nhân viên của một unicorn (dự án khởi nghiệp trị giá ít nhất 1 tỷ USD) tại Ấn Độ cho biết.

Kể từ tháng 10 năm ngoái tới nay, Foodpanda và Zomato India đã sa thải hơn 300 nhân viên. Đây cũng là năm tệ nhất khi Snapdeal phải sa thải 200 nhân viên, trong khi các công ty khởi nghiệp khác cũng phải giảm nhân sự trung bình 100 người. Riêng việc đóng cửa hãng thương mại điện tử AskMe, cuộc sống của 4.000 nhân viên sẽ bị ảnh hưởng. Cũng chính vì diễn biến này, các nhân viên bắt đầu nghi ngại về việc tham gia môi trường khởi nghiệp. Điều này sẽ tạo nên những khó khăn cho lĩnh vực khởi nghiệp tại Ấn Độ.

Từ những thực tế kể trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến lược cổ vũ phong trào khởi nghiệp của chính phủ Ấn Độ, trong đó có việc miễn các loại thuế phí và kiểm tra lao động trong 3 năm đầu hình thành đang tồn tại nhiều vấn đề. Người lao động thường chỉ có thể lựa chọn ngẫu nhiên đến làm việc tại một dự án khởi nghiệp, dựa trên các thông tin thiếu phần chính xác về vị thế tài chính, nguồn vốn đầu tư và mô hình kinh doanh. Trong khi giới chức thiếu các biện pháp bảo vệ người lao động tại một lĩnh vực mà tỷ lệ thất bại có thể lên tới 70%.

Không riêng tại Ấn Độ, khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay cũng đang trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của cộng đồng DN và nhà đầu tư, đặc biệt là khi nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Việt Nam là quốc gia có trên 50% dân số dưới 30 tuổi. Tỷ lệ thất nghiệp đang là vấn đề báo động, đặc biệt là các trí thức trẻ. Một chiến lược quốc gia về khởi nghiệp, thành lập được những DN trẻ có chất lượng và góp phần giải quyết việc làm đang là một vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề mà Ấn Độ đang gặp phải chính là tấm gương mà Việt Nam cần phải soi mình, để đưa ra những định hướng đúng đắn, vừa thúc đẩy cách mạng khởi nghiệp, vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của người lao động.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục