Quyết toán cổ phần hóa, Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) được hoàn trả 132 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 6/10, Tập đoàn Cao su Việt Nam (mã GVR, HOSE) công bố quyết định phê duyệt quyết toán cổ phần hóa.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Cụ thể, ngày 14/6, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ban hành quyết định phê duyệt quyết toán tài chính, tiền thu từ cổ phần hoá, chi phí cổ phần hoá, kinh phí chi trả chế độ cho người lao động dôi dư, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm công ty mẹ GVR chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Theo đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần ngày 1/6/2018 là hơn 41.106 tỷ đồng; vốn điều lệ của Công ty cổ phần là 40.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước nắm giữ 3,8 tỷ cổ phần, tương ứng 38.708 tỷ đồng chiếm 96,77% vốn.

Số tiền phải nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 1.313 tỷ đồng. Tuy nhiên số tiền đã nộp về quỹ là 1.445 tỷ đồng. Do đó, số tiền Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hoàn trả lại cho GVR là 132 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí cổ phần hoá được chi gần 19 tỷ, kinh phí chi trả chế độ cho người lao động dôi dư được chi là 33 tỷ đồng.

Sau khi IPO, GVR có mức tăng trưởng ấn tượng, doanh thu năm 2018 là 14.090 tỷ đồng, năm 2019 đạt 19.824 tỷ đồng, năm 2020 đạt 21.140 tỷ đồng (gấp rưỡi năm 2018). Lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 2.544 tỷ đồng, năm 2019 đạt 3.833 tỷ đồng, năm 2020 đạt 5.076 tỷ đồng (vượt 26% kế hoạch và gấp đôi so với 2018). Đã 3 năm liền GVR hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ đề ra.

Nửa đầu năm 2021, GVR đạt doanh thu hợp nhất 10.550 tỷ đồng (tăng 79,6% so với nửa đầu năm 2020), lợi nhuận sau thuế 2.282 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

GVR cho biết nguyên nhân chủ yếu lợi nhuận tăng mạnh là do giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng; doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng và giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng. Nếu cứ tiếp tục giữ đà tăng trưởng như vừa qua thì lợi nhuận năm 2021 sẽ vượt xa kế hoạch mà ĐHCĐ đã đặt ra.

Tuy nhiên, theo Báo cáo ban kiểm soát cho thấy, GVR cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý giá thành, nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng cường giám sát, chỉ đạo việc thực hiện đấu thầu qua mạng khi mua sắm vật tư, hàng hóa. Hiện GVR chưa ban hành khung đơn giá chung cho các loại vật tư chi phí đầu vào.

Hiệu quả kinh doanh của các đơn vị thành viên chưa đồng đều, vẫn còn tồn tại nhiều đơn vị hoạt động chưa hiệu quả cần nâng cao giám sát, nâng cao năng lực quản lý. Năng suất mủ bình quân toàn Tập đoàn 1,55 tấn/ha, thấp hơn mức bình quân cả nước (1,67tấn/ha) đòi hỏi phải sớm có giải pháp cải thiện.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu GVR có chuỗi tăng ấn tượng từ đầu năm đến nay, liên tiếp thiết lập đỉnh mới. Sau khi thiết lập đỉnh lịch sử 41.000 đồng phiên 6/9, GVR điều chỉnh, nhưng bắt đầu lấy lại đà tăng từ cuối tháng 9. Chốt phiên 5/10, cổ phiếu GVR tăng 1,08% lên 37.500 đồng/cổ phiếu, khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục