Quỹ nội vượt quỹ ngoại trong tháng 5

(ĐTCK) Trong tháng 5, hàng loạt quỹ đầu tư ngoại có giá trị tài sản ròng (NAV) sụt giảm, nhiều quỹ có mức giảm mạnh hơn VN-Index. Trong khi đó, hầu hết quỹ nội có kết quả hoạt động tốt hơn.
Quỹ nội vượt quỹ ngoại trong tháng 5

Biến động NAV tháng 5

15/16 quỹ cổ phiếu ngoại sụt giảm NAV trong tháng 5, theo thống kê của ĐTCK dựa trên các quỹ ngoại có công khai NAV hàng tháng. Trong số đó, 9 quỹ giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index.

VN-Index giảm 2,76% trong thời gian này, nhưng Vietnam Emerging Market Fund (VEMF) của Vietnam Asset Management giảm 6,8%, Vietnam Equity Holding (VEH) của Saigon Asset Management giảm 5,63%, hai quỹ Vietnam Enterprise Investments Ltd (VEIL) và Vietnam Growth Fund (VGF) của Dragon Capital cùng giảm 5,4% NAV.

Những quỹ giảm mạnh khác là PXP Vietnam Fund (PXPVF) của PXP Asset Management giảm 4,21%, Vietnam Holding (VNH) giảm 3,59%. Hai quỹ đến từ Singapore là Fullerton Vietnam A và DWS Vietnam Fund giảm lần lượt 3,49% và 3,68%.

Quỹ ngoại duy nhất tăng trong tháng 5 lại là quỹ ETF - tăng 1,44%, mặc dù trên lý thuyết, đây là quỹ bám sát nhất với diễn biến thị trường.

Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, Quỹ VDeF-B của Dragon Capital tăng 0,4% NAV, so với mức tăng 0,2% của chỉ số DC Bond Index (chỉ số do chính Dragon Capital xây dựng làm tham chiếu do sàn giao dịch HNX chưa đưa ra chỉ số tham chiếu cho thị trường này).

Kết quả nêu trên của các quỹ ngoại tệ hơn các quỹ mở nội, khi 5/7 quỹ mở cổ phiếu và cân bằng trong nước có kết quả hoạt động tốt hơn VN-Index trong tháng 5. Trong đó, Quỹ cổ phiếu MBVF thậm chí tăng 2,8% và Quỹ cân bằng BVFED tăng 1,1% NAV.

Lũy kế 5 tháng

Xét kết quả hoạt động từ đầu năm tới nay, các quỹ ngoại đạt mức tăng trưởng khá tốt so với thị trường và vượt trội so với các quỹ nội.

Trong 5 tháng đầu năm, có 4/16 quỹ ngoại vượt mức tăng của VN-Index. Điểm bất ngờ là quỹ đạt mức tăng cao nhất lại là Vietnam Property Holding (VPH) của Saigon Asset Management đầu tư vào bất động sản - thị trường vẫn đang vật lộn với nhiều khó khăn. NAV của quỹ này tăng 25,84%, gấp đôi mức tăng 12,8% của VN-Index. Trong khi đó, Quỹ bất động sản Vietnam Property Holding của Dragon Capital tăng 2,7% NAV.

Các quỹ tăng cao khác trong 5 tháng đầu năm là Fullerton Vietnam A tăng 13,7%, Fullerton Vietnam B tăng 12,86%, Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) của PXPAM tăng 13,25% và JPMorgan Vietnam Opportunity (JFVNOPP) tăng 11,81% NAV. Nhiều quỹ ngoại khác tăng 7 - 9% NAV trong cùng thời gian. Một số quỹ có NAV tăng thấp là VEMF tăng 2,7%, DWS Vietnam Fund thuộc Deutsche Bank Group tăng 4,68%.

Trong khi đó, 2 quỹ cổ phiếu mở nội có NAV tăng thấp hơn VN-Index và 2 quỹ mở cân bằng nội tăng thấp hơn trung bình cộng của DC Bond Index và VN-Index. Trong đó, VFA và VCBF-TBF thậm chí tăng rất thấp, dưới 3%.

Tuy nhiên, theo các quỹ nội, mỗi quỹ có độ rủi ro khác nhau, dẫn đến tỷ suất sinh lời khác nhau và không thể so sánh tuyệt đối.

Nhà đầu tư ngoại vẫn tự tin

Dù NAV tăng cao hay thấp, các quỹ ngoại nhìn chung vẫn có lòng tin vào TTCK Việt Nam.

VAM (công ty có quỹ đầu tư tăng thấp nhất trong các quỹ ngoại) đánh giá: sự ổn định kinh tế vẫn được duy trì trên diện rộng; căng thẳng chính trị với Trung Quốc của Việt Nam có thể không biến mất ngay, nhưng sẽ không có tác động đáng kể gây giảm trong dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, VFM cho rằng, có nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Luật Đầu tư đang được sửa đổi theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch và thuận lợi hơn...

Dragon Capital trong báo cáo tháng 5 của mình tin tưởng rằng, căng thẳng với Trung Quốc ít ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam; trong ngắn hạn, ngành du lịch thiệt hại nhiều nhất, nhưng sẽ trở lại bình thường trong 2 - 3 tháng.

Những quỹ đầu tư tăng trưởng cao và tương đối ổn định như JFVNOPP của JPMorgan hiện đang phân bổ gần 25% danh mục vào ngành tài chính và 24% danh mục vào ngành tiêu dùng thiết yếu. VEEF của PXPAM đầu tư lần lượt 24% và 23% vào ngành tài chính và ngành tiêu dùng thiết yếu, với các cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng giá trị nhiều nhất là VNM, HPG, HCM, FPT, STB, PVD, DPR và MBB.      

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục