Tiền “chê” các công ty quản lý quỹ nội

(ĐTCK) Trong khi thị trường chứng khoán đang kỳ vọng một cuộc hồi phục trong năm, ngành quản lý quỹ lại đang lo lắng về một năm khó nhất trong hơn một thập kỷ hoạt động.
VCBF đã báo lỗ 9,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013 VCBF đã báo lỗ 9,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013

Ngay từ trong năm ngoái, rất nhiều công ty quản lý quỹ (CTQLQ) - gồm cả công ty nhỏ vốn vài chục tỷ đồng đến công ty vốn vài trăm tỷ đồng - đều lo lắng về khả năng gọi được tiền ủy thác đầu tư trong năm 2014.

Một CTQLQ trực thuộc ngân hàng đã báo cáo kết quả lỗ vài tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013, chủ yếu do doanh thu quản lý danh mục đầu tư của Công ty sụt giảm mạnh, không đủ bù đắp chi phí quản lý doanh nghiệp.

“Vấn đề của công ty tôi bây giờ là không thành lập được quỹ, không có tài sản ủy thác đầu tư để quản lý nên không có doanh thu”, phó tổng giám đốc công ty này nói. “Trong khi kiếm khách hàng mới rất khó, khách hàng cổ đông lại hỗ trợ rất ít cho Công ty”.

Ngay cả các công ty đã thành lập được quỹ mở cũng loay hoay tìm khách. Ước tính của người trong ngành cho biết, quỹ mở cần đạt quy mô tài sản khoảng 200 tỷ đồng mới có thể bù đắp chi phí hoạt động và có lãi, trong khi đó, các quỹ mở hiện nay chủ yếu vẫn đang dừng lại ở quy mô 50 - 70 tỷ đồng.

Một CTQLQ sau khi đã hoàn tất lập quỹ mở trong năm 2013 cho biết, họ cảm thấy áp lực vì khó thuyết phục được các nhà đầu tư bỏ tiền vào quỹ.

“Các khách hàng cá nhân thì vẫn muốn tự đầu tư hơn, trong khi các khách hàng tổ chức như các doanh nghiệp vẫn rất e dè trong việc bỏ ra vài chục tỷ đồng đầu tư chứng khoán”, giám đốc đầu tư của công ty này tâm sự. “Họ vẫn muốn gửi ngân hàng để an toàn và tiện cho việc thanh toán của họ hơn”.

Tình trạng không kiếm được khách hàng ủy thác đầu tư đang đè nặng lên rất nhiều công ty trong ngành quản lý quỹ, do các doanh nghiệp và các tổ chức vẫn đang hạn chế hoạt động đầu tư tài chính - một phần vì chính những tổ chức này cũng không còn tiền đầu tư, một phần vì suy thoái kinh tế kéo dài khiến các tổ chức vẫn đang tránh rủi ro tối đa.

Báo cáo gần đây nhất của Câu lạc bộ Các công ty quản lý quỹ thống kê, hơn 8.800 tỷ đồng vốn huy động lần đầu đã đi ra khỏi các quỹ đóng trong năm 2013, do các quỹ này giải thể hoặc chuyển sang dạng quỹ mở. Nhưng số vốn huy động lần đầu vào các quỹ mới dạng mở lại chưa đầy 270 tỷ đồng, bằng 3% lượng vốn đã “ra đi”.

Tình trạng khó khăn này khiến Câu lạc bộ thậm chí đánh giá năm 2014 “là năm khó khăn nhất đối với các CTQLQ kể từ khi thành lập ngành (năm 2003) tới nay”, trong báo cáo gửi lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tuần trước. Báo cáo nhấn mạnh về khó khăn đặc biệt ở khía cạnh doanh thu, do các quỹ đóng đã kết thúc và các quỹ hoạt động theo mô hình quỹ mở chưa có sự tăng trưởng cần thiết để có được doanh thu bù đắp đủ chi phí quản lý.

Tình trạng khó khăn của các CTQLQ có thể nhìn thấy rõ qua kết quả kinh doanh của các công ty: một nửa ngành không có lãi hoặc thua lỗ trong năm 2013, theo tổng kết tạm tính vào đầu tháng 2 của UBCK. Lãi sau thuế của ngành trong năm ước tính đạt 70 tỷ đồng - quá thấp so với tổng vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng của 41 CTQLQ đang hoạt động.

Ngay cả các công ty lớn hoạt động lâu năm trong lĩnh vực quản lý tài sản cũng trải qua vấn đề doanh thu sụt giảm. Công ty Liên doanh QLQ đầu tư chứng khoán Vietcombank báo cáo lỗ 9,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013, chủ yếu do doanh thu quản lý tài sản sụt giảm sau khi các quỹ đóng VF1, VF3 giải thể trong năm 2013. Công ty TNHH QLQ Manulife Việt Nam báo cáo lỗ 5,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, nâng số lỗ lũy kế lên 25 tỷ đồng trên vốn điều lệ 53 tỷ đồng. CTCP QLQ Vinawealth báo lỗ 9,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2013, nâng số lỗ lũy kế lên tới 2/3 vốn điều lệ.

Đã xuất hiện những công ty đang có lãi thành lỗ lũy kế trong năm. Công ty TNHH QLQ Kỹ Thương trong 9 tháng đã lỗ tận 5,6 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ lũy kế hơn 3 tỷ đồng tính đến 30/9/2013. CTCP QLQ Sài Gòn - Hà Nội lỗ 2,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013 nên đang từ có lãi thời kỳ trước thành lỗ lũy kế.

Lãnh đạo của một trong các công ty này nói: “Chúng tôi vẫn đang loay hoay thực hiện những phương án khác nhau để vực dậy doanh thu, nhưng vẫn không thể biết những phương án này có hiệu quả hay không”.

“Rất nhiều CTQLQ đang sống dở chết dở như chúng tôi”, ông nói, và thậm chí hy vọng rằng sẽ có những nhà đầu tư nước ngoài vào mua lại để những CTQLQ này có thể tái cấu trúc và tiếp tục hoạt động.               

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục