Quỹ ngoại lãi lớn trên thị trường Việt

(ĐTCK) Trong khi các quỹ đầu tư trong nước vẫn chật vật, thì các quỹ đầu tư nước ngoài lại có một năm 2013 khả quan. Nhiều quỹ trong số này kỳ vọng sự khởi sắc hơn nữa trong năm 2014.

Trong 16 quỹ ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam do Edmond De Rothschild thống kê vào ngày 2/1/2014, có 11 quỹ tăng tài sản ròng (NAV) trên 20%. Trong số 11 quỹ này, có 4 quỹ tăng từ 30 - 40% và 1 quỹ tăng trên 40%.

Quỹ tăng trưởng cao nhất là Quỹ đóng Vietnam Holding (VNH), với NAV tăng 40,8%. Quỹ do Công ty Vietnam Holding Asset Management có văn phòng đặt tại Zurich, Thụy Sỹ quản lý. Năm 2013, quỹ này vừa đạt mức tăng NAV cao, vừa huy động được thêm hơn 15 triệu USD vốn của nhà đầu tư hồi tháng 10.

Công ty tương đương với Vietnam Holding là PXP Asset Management, đặt trụ sở tại Anh, đạt mức tăng NAV 38,3% và 30,4% cho hai quỹ PXP Vietnam Fund và Vietnam Emerging Equity Fund của mình.

Tiếp đến, Công ty Vietnam Asset Management (VAM) với văn phòng ở Singapore và huy động vốn từ nhà đầu tư châu Âu, Dubai, Nhật Bản, Malaysia, Singapore đã báo cáo hai quỹ HLG Vietnam Fund và Vietnam Emerging Market Fund cùng tăng NAV 33%. Những quỹ khác đã có mức tăng NAV xấp xỉ 30% là Vietnam Equity Holding của Saigon Asset Management, với kết quả tăng 29,4%; Vietnam Enterprise Inv'ts Ltd của Dragon Capital, tăng 29,2%.

Trong báo cáo cập nhật tháng 1/2014, PXP Vietnam Fund viết: “Chúng tôi cho rằng, Việt Nam hiện nay đang ở ‘điểm ngọt’ (về mặt công nghệ, với cùng một lượng yếu tố tác động đầu vào, ‘điểm ngọt’ sẽ đem lại kết quả tối đa cho những tác động đó)” và nhận xét, “bức tranh vĩ mô đã đem lại một nền tảng tuyệt vời cho khả năng tiếp diễn xu hướng tăng của thị trường”.

Quỹ ngoại lãi lớn trên thị trường Việt ảnh 1
Hầu hết quỹ ngoại có mức tăng trưởng NAV trên 20% trong năm 2013

Công ty VAM, trong báo cáo cuối năm 2013, đã chuyển từ những nhận xét thận trọng trong suốt cả năm sang cái nhìn tích cực hơn hẳn: “Số liệu vĩ mô cả năm gần đây đã củng cố niềm tin rằng, nền kinh tế cuối cùng cũng bước vào giai đoạn phục hồi”.

“Chúng tôi cảm thấy lạc quan hơn và sẽ tiếp tục tìm kiếm những cổ phiếu dài hạn được định vị tốt để có thể hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2014”, VAM viết.

Chiến lược đầu tư của các quỹ kể trên nhìn chung không giống nhau, nhưng đều hưởng lợi lớn từ các nhóm ngành sản xuất thiết yếu giá thấp. Báo cáo gần nhất vào tháng 11/2013 của VNH cho thấy, Quỹ phân bổ tài sản nhiều nhất vào Vinamilk (8,4%), Dược Hậu Giang (8,03%), Bảo vệ thực vật An Giang (7,45%), Traphaco (7,21%), bên cạnh đó là Nhựa Bình Minh (BMP), Thủy sản Hùng Vương (HVG), Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD). Hai ngành nghề chiếm tỷ trọng cao nhất là xây dựng và vật liệu xây dựng, chăm sóc sức khỏe (cùng có tỷ trọng 19%), tỷ trọng lớn thứ ba là ngành thực phẩm và đồ uống (15%).

Hồi tháng 6/2013, Quỹ VNH chia sẻ với ĐTCK rằng, Quỹ tập trung vào những công ty bị định giá thấp. VNH thời điểm đó cho biết, số công ty vốn hóa lớn chỉ chiếm 20% trong danh mục của Quỹ, còn lại là các công ty vốn hóa vừa và nhỏ. P/E trung bình cả danh mục của VNH là 8,49 lần, ngay cả những công ty vốn hóa lớn trong danh mục của Quỹ cũng có P/E khá thấp, ở mức 12,36 lần.

Trong khi đó, PXP Vietnam Fund phân bổ 32% tài sản vào các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, sau đó là ngành tài chính và nhóm ngành nguyên vật liệu, với cùng tỷ trọng, xấp xỉ 17%.

Thực tế, trong năm 2013, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, đã không có được mức tăng giá cao. Trong khi VN-Index tăng 21,97%, thì VN30 Index gồm 30 mã cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HOSE chỉ tăng 15,83%, thấp hơn cả kết quả tăng 18,83% của HNX-Index.

“Cuộc khởi sắc năm vừa qua sau nhiều năm ảm đạm của TTCK Việt Nam khiến tôi tin rằng, cuối cùng thì những miếng ghép lớn cần thiết cho một năm Ngựa thành công cũng đã được đặt đúng chỗ”, lãnh đạo một quỹ ngoại hào hứng chia sẻ với ĐTCK.

“Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý từ các chuyên gia thị trường quốc tế”, vị lãnh đạo này nói.

Một điểm thú vị đối với những quỹ dẫn đầu về kết quả hoạt động trong năm 2013 là các quỹ này đều có quy mô vừa và nhỏ. VNH có tổng tài sản (sau khi huy động thêm) là 110 triệu USD, PXP có quy mô 74 triệu USD, Vietnam Emerging Equity Fund có quy mô 32 triệu USD. Thậm chí, HLG Vietnam Fund Vietnam Emerging Market Fund chỉ có quy mô lần lượt là 4 triệu USD và 13 triệu USD. Quỹ Vietnam Equity Holding có quy mô 77 triệu USD. Duy nhất Vietnam Enterprise Inv'ts Ltd của Dragon Capital có quy mô 491 triệu USD.

Những quỹ có quy mô lớn hơn đạt mức tăng trưởng NAV thấp hơn: Vietnam Growth Fund của Dragon Capital có quy mô 271 triệu USD tăng 24,9%, Vietnam Opportunity Fund của VinaCapital có quy mô 768 triệu USD tăng 16,1%.          

Hải Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục