Có 9 trong số 16 quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được Edmond de Rothschild thống kê có tăng trưởng vượt trên mức tăng 19,5% của VN-Index trong 6 hoặc 7 tháng đầu năm (xem bảng 1). Trong đó, nhiều quỹ có mức tăng trưởng NAV thậm chí cao hơn mức tăng NAV của chính những quỹ này trong cả năm 2012.
Quỹ Hong Leong Vietnam Fund do Công ty Quản lý quỹ Vietnam Asset Management (VAM) quản lý tiếp tục có tăng trưởng NAV vượt trội, với 36,5% từ đầu năm tới nay, riêng trong tháng 7 tăng 7%. Theo báo cáo tháng 7 của VAM, quỹ này đang duy trì tỷ lệ tiền mặt khá cao, chiếm đến 35%. Số tài sản còn lại, Quỹ phân phối nhiều nhất vào ngành dược và công nghệ sinh học với tỷ trọng chiếm gần 35%, theo sau đó là ngành thực phẩm, đồ uống và thuốc lá với tỷ trọng 22,5%.
Cổ phiếu ngành dược chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư của một số quỹ ngoại có tăng trưởng NAV cao nhất nửa đầu năm nay
Tuy nhiên, dù tăng trưởng tốt, nhưng trong báo cáo tháng 7 (phát hành giữa tháng 8), VAM viết: “Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng và đang theo dõi chặt chẽ thị trường để quan sát những diễn biến mới và dấu hiệu cho một cuộc phục hồi rõ ràng hơn”, bởi “quá trình phục hồi của nền kinh tế “vẫn chậm và mong manh do cầu yếu”. VAM cũng nhận xét rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ của Chính phủ đã khá hạn chế do nguy cơ lạm phát tăng cao.
Quỹ Vietnam Azalea Fund của Mekong Capital cũng hưởng lợi lớn từ cổ phiếu Traphaco khi mà cổ phiếu này đã tăng giá tận 86% từ đầu năm tới nay. Danh mục cổ phiếu nắm giữ của quỹ này hiện bao gồm FPT (CTCP FPT), NLG (của CTCP Đầu tư Nam Long), AGPPS (CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), TRA (CTCP Traphaco) và ITC (CTCP Đầu tư - Kinh doanh nhà). Giá cổ phiếu FPT cũng tăng 28% từ đầu năm tới nay, tuy nhiên PNJ và ITC đều giảm.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào các chuỗi cửa hàng ăn cũng đem lợi nhuận lớn cho Mekong Capital từ đầu năm tới nay, trong đó, Golden Gate - công ty đầu tư vào chuỗi cửa hàng ăn Kichi Kichi, chuỗi cửa hàng bia Vuvuzela - đã đạt tăng trưởng lợi nhuận 45% từ đầu năm tới nay. (Xem bảng 2).
Bảng 2: Cổ phiếu có tỷ trọng cao nhất trong danh mục của MEKONG CAPITAL
Cổ phiếu
Ngày định giá (6/8/2013)
Giá cổ phiếu từ đầu năm đến ngày định giá
P/E 2013 dự phóng
Tăng trưởng lợi nhuận ròng 2013 (ước tính)
Tỷ trọng do các quỹ của Mekong nắm (đến 6/8/2013)
TRA
81.000 86% 13 32% 24,99% FPT
45.200 28% 7,3 10% 0,87% PNJ
26.200 -24% 10,5 13% 6,90% ITC
7.000 -14% 48,1 44% 20,00% NHW
8.600 -8% 7,3 6% 29,70% NLG
21.900 1% 77,5 333% 6,73%
Ngành dược tiếp tục đem lại tăng trưởng NAV lớn cho Quỹ Vietnam Holding. Trong tháng 7 trầm lắng khi VN-Index chỉ tăng 2,2% so với tháng trước, NAV của Vietnam Holding đã tăng 5,22% nhờ DHG (Dược Hậu Giang) - cổ phiếu này đã tăng vọt 25,3% trong tháng sau khi Công ty công bố kết quả kinh doanh quý II. Quỹ này hiện đang giữ tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu DHG cao nhất, ở 9,14% tổng tài sản, đồng thời Quỹ cũng đầu tư 8,92% tổng tài sản vào TRA. (Xem bảng 3).
10 cổ phiếu tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Vietnam Holding
Tên công ty
Tỷ trọng NAV
DHG
9,14% VNM
9,08% TRA
8,92% AGPPS
8,87% BMP
7,98% HVG
6,74% PVD
5,22% TLG
4,90% VSC
4,17% NSC
3,90%
Với mức tăng 27% từ đầu năm tới nay, Quỹ PXP Vietnam Fund tỏ ra tương đối lạc quan về thị trường trong trung hạn. Quỹ này đưa ra quan điểm của mình rằng: “Việc thực hiện các cải cách kinh tế đúng lúc và hiệu quả sẽ biến lạc quan trở thành tin tưởng, cho phép nhà đầu tư lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây tập trung vào các yếu tố đầu tư cơ bản”. Tuy nhiên, khác với 3 quỹ trên, danh mục của PXP không tập trung vào ngành dược hay tiêu dùng. Quỹ này hiện đang phân bổ vốn nhiều nhất vào VNM, HCM, MBB, REE và FPT, theo báo cáo tháng 7 của Quỹ.
Cũng có nhiều quỹ đạt tăng trưởng NAV dao động quanh 20% như Vietnam Enterprise Inv’ts Ltd của Dragon Capital, Vietnam Emerging Market Fund của VAM, Vietnam Equity Holding của Saigon Asset Management và DWS Vietnam Fund của Deutsche Asset Management (Asia) Limited thuộc Deutsche Bank Group quản lý. Danh mục của những công ty này đa dạng hơn, ví dụ như Vietnam Enterprise Inv’ts Ltd phân bổ tới hơn 14% tài sản vào bất động sản và hơn 10% tài sản vào ngành ngân hàng.
Trong khi đó, các quỹ bất động sản vẫn tiếp tục vật lộn với khó khăn của thị trường. Bốn quỹ Aseana Properties của Aseana Properties Ltd, Vietnam Property Fund của Dragon Capital, Vietnam Property Holding của Saigon Asset Management và VinaLand (VNL LN) của VinaCapital đã giảm trung bình 2,8% NAV từ đầu năm tới kỳ báo cáo gần nhất, trong đó, VinaLand giảm mạnh nhất với -9,3% trong 6 tháng đầu năm, theo báo cáo của Rothschild.
VinaLand trong báo cáo 6 tháng đầu năm của Quỹ cho biết, việc giảm NAV chủ yếu do giảm giá trị các dự án và chi phí hoạt động Quỹ. Quỹ này đang thông báo thoái vốn khỏi Dự án Signature One ở quận 2, TP. HCM, thoái 70% vốn ở một dự án bất động sản không nêu tên với giá trị thấp hơn 3,3% giá trị tài sản ròng hiện tại của khoản đầu tư. Quỹ cũng cho biết, có 17 dự án đã được định giá lại vào thời điểm báo cáo bán niên, kết quả là phần lớn các dự án đều giảm giá trị, một dự án giữ nguyên và chỉ một dự án tăng giá trị - chủ yếu do thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu và tốc độ bán các khu định cư vẫn rất thấp.