Quý III/2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn “sống nhờ” hoạt động tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã có những doanh nghiệp địa ốc công bố báo cáo tài chính quý III/2024 và điểm chung là hoạt động tài chính tiếp tục đóng góp chính vào doanh thu và lợi nhuận, thay vì hoạt động cốt lõi là kinh doanh bất động sản.
Quý III/2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn “sống nhờ” hoạt động tài chính

Tại CTCP Vạn Phát Hưng (mã VPH), ngay từ đầu năm 2024, Ban lãnh đạo Công ty đã dự báo hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ vẫn gặp khó khăn và kết quả kinh doanh sau 9 tháng đầu năm phần nào phản ánh thực trạng này, khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh xuống còn gần 34 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước, chủ yếu thu từ các hợp đồng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, với việc hạch toán chuyển nhượng 99% cổ phần tại CTCP Bất động sản Nhà Bè cho đối tác trong quý này giúp Vạn Phát Hưng thu về khoản doanh thu tài chính kỷ lục lên tới 355 tỷ đồng, kéo theo lãi ròng tăng vọt, gấp đôi mục tiêu cả năm.

Tương tự, hoạt động tài chính cũng là “cứu tinh” của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) trong quý III/2024.

Cụ thể, trong kỳ, Phát Đạt ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết hơn 193 tỷ đồng, qua đó ghi nhận doanh thu tài chính hơn 194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt vỏn vẹn hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập khác cũng tăng đột biến khi thu về khoản tiền phạt chậm trả hơn 23 tỷ đồng.

Nhờ đó, Phát Đạt không chỉ tránh được kịch bản thua lỗ, mà còn ghi nhận khoản lãi ròng hơn 51 tỷ đồng trong quý III/2024, bù lại gần như hoàn toàn cho hoạt động kinh doanh chính khi không ghi nhận hoạt động nào từ chuyển nhượng bất động sản và góp phần giúp lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 154 tỷ đồng.

Giải trình kết quả kinh doanh quý III/2024, Ban lãnh đạo Phát Đạt cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế nhìn chung vẫn còn khó khăn, bao gồm cả ngành bất động sản, dẫn đến việc đầu tư và phát triển các dự án của Công ty chưa được thuận lợi.

Việc ghi nhận doanh thu tài chính phần nào giúp kết quả kinh doanh bớt kém sắc, nhất là sau 9 tháng mới hoàn thành 17% kế hoạch lãi sau thuế cả năm.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2024, CTCP Địa ốc Sacom - Samland (mã SLD) đã có lãi trở lại với hơn 1,24 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ hơn 19,4 tỷ đồng, chủ yếu nhờ được hoàn nhập 3,29 tỷ đồng tiền trích lập dự phòng giảm giá đầu tư trước đó.

Ban lãnh đạo Samland cho biết, việc hoàn nhập giúp chi phí tài chính trong kỳ ghi nhận âm hơn 2,4 tỷ đồng và doanh thu tài chính tăng lên hơn 684,4 triệu đồng, từ đó báo lãi trở lại trong quý III cũng như 9 tháng đầu năm nay.

Đối với CTCP Đầu tư bất động sản Taseco - Taseco Land (mã TAL), dù chưa có báo cáo tài chính quý III/2024 chính thức, nhưng trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đơn vị này đã hé lộ việc Taseco Land chuyển nhượng thành công 2 lô đất tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) và dự kiến mang về dòng tiền hơn 1.422 tỷ đồng.

Cụ thể, VCBS cho biết, trong quý III/2024, Taseco Land sẽ ghi nhận hơn 222 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng lô đất B2 CC4 tại Khu đô thị Starlake. Trước đó, Taseco Land đã nhận đặt cọc hơn 351 tỷ đồng từ đối tác cho việc chuyển nhượng lô đất B3 CC2 với kỳ vọng mang về thêm hơn 1.200 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn đối mặt với khó khăn, việc thực hiện cơ cấu lại tài sản thông qua các hoạt động chuyển nhượng dự án, bán cổ phần công ty con… giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc vừa giảm bớt gánh nặng nợ nần, làm sạch bảng cân đối tài chính, vừa mang lại những khoản doanh thu lớn, từ đó làm bàn đạp cho việc triển khai dự án mới.

Việc nhiều dự án bị “treo”, chậm trễ giải quyết vướng mắc pháp lý, vốn đọng lâu, áp lực đáo hạn nợ tới gần buộc các doanh nghiệp phải đẩy nhanh thanh lý các khoản đầu tư không đủ lực triển khai để nhanh chóng thu hồi vốn, tạo vòng quay dòng tiền tốt hơn.

Điều này đã được thể hiện ở kết quả kinh doanh quý II/2024 khi có tới phân nửa doanh nghiệp có lãi nhờ hoạt động tài chính và theo dự báo, điều này sẽ còn tiếp diễn trong quý III và IV/2024.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục