Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện: Chuyện của những người tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiện có 4 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Tiên phong luôn đi kèm các thách thức, nhưng cũng là động lực để các định chế tài chính khẳng định mình và nỗ lực cải thiện hơn nữa nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường.
Đối với lao động phổ thông thì quỹ hưu trí tự nguyện vẫn còn là một khái niệm tài chính xa lạ Đối với lao động phổ thông thì quỹ hưu trí tự nguyện vẫn còn là một khái niệm tài chính xa lạ

Thêm một dấu mốc quan trọng

Thông tin từ Bộ Tài chính, 4 đơn vị đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện bao gồm Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBVF), Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), với 10 quỹ đang hoạt động. Hiện Bộ đang tiếp nhận một số bộ hồ sơ xin cấp phép thành lập loại quỹ này. Tham gia quỹ hưu trí chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống, với số lượng trên 5.000 người.

Để có thể được cấp phép cung cấp dịch vụ quản lý quỹ hưu trí, các đơn vị phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ. Đối với công ty quản lý quỹ, một số điều kiện phải đáp ứng là có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, tổng giá trị tài sản quản lý tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, đang hoạt động quản lý quỹ mở hoặc quỹ trái phiếu, đồng thời không nằm trong diện đang được tái cơ cấu. Công ty phải có tối thiểu 5 nhân sự với ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực quản lý quỹ hưu trí, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó tối thiểu 3 nhân sự có chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, hoặc CFA…

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ quỹ đóng, quỹ mở, đến quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và hiện nay có thêm quỹ hưu trí là cột mốc quan trọng của ngành quản lý quỹ. Quỹ hưu trí được kỳ vọng là giải pháp chiến lược dài hạn hữu hiệu đối với hệ thống an sinh xã hội, giúp thị trường vốn phát triển hơn nhờ gia tăng được các nhà đầu tư tổ chức.

Những đơn vị tiên phong có thể xem là được “chọn mặt gửi vàng” với uy tín và chất lượng dịch vụ hàng đầu thị trường. Dragon Capital là công ty quản lý quỹ đầu tiên ra mắt chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, mở đường cho các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện đi đúng định hướng. Công ty có hàng trăm nhân sự là chuyên gia tài chính đến từ nhiều quốc gia, đang quản lý khối tài sản trị giá 6 - 7 tỷ USD, các quỹ đa dạng từ cổ phiếu đến trái phiếu, có quỹ đã niêm yết gián tiếp trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, Thái Lan.

Với SSIAM, để có thể ra mắt quỹ hưu trí tự nguyện quy mô lớn nhất (ở thời điểm ra mắt trong nửa đầu năm 2023) - một sản phẩm mới, sản phẩm đầu tư thụ động - đội ngũ quản lý đã phải tính toán, hoàn thiện hệ thống nội bộ và chuẩn bị thêm nhiều thủ tục pháp lý. Bởi lẽ, các quỹ hưu trí gặp phải thách thức trong bối cảnh nhiều người chưa nhận thấy sự hấp dẫn vượt trội của quỹ khi người tham gia được khấu trừ chịu thuế thu nhập tối đa 1 triệu đồng/tháng đối với người lao động và 3 triệu đồng/tháng đối với người sử dụng lao động.

Theo quy định, quỹ hưu trí tự nguyện phải đầu tư tối thiểu 50% vào trái phiếu chính phủ, phần còn lại phân bổ vào chứng chỉ quỹ của các quỹ khác (chủ yếu là quỹ trái phiếu, tiền gửi ngân hàng) và một phần nhỏ quỹ cổ phiếu, nên mức độ an toàn cao. Bởi vậy, quy mô ban đầu của quỹ phải lớn, tức các quỹ hưu trí cần tiếp cận được các doanh nghiệp, cá nhân lớn tham gia ngay ở thời điểm triển khai.

Tương tự, MBCapital đã trải qua 3 năm chuẩn bị kỹ lưỡng để đến tháng 7/2021 được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động quản lý quỹ hưu trí tự nguyện bổ sung. Lợi thế của MBCapital là triển khai được chương trình cho Ngân hàng Quân đội (MB) với số lượng lớn cán bộ, nhân viên tham gia, đồng thời có cơ hội tiếp cận và khai thác tệp khách hàng hơn 10 triệu hiện có của Ngân hàng.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Quỹ hưu trí được kỳ vọng là giải pháp chiến lược dài hạn hữu hiệu đối với hệ thống an sinh xã hội, giúp thị trường vốn phát triển hơn…

Trên thế giới, đứng đầu danh sách về quy mô tài sản quản lý thường có sự góp mặt các quỹ hưu trí, nhất là ở các quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số cao như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tài sản các quỹ hưu trí tương đương hơn 100% GDP, tỷ lệ này trong khu vực từ 8 - 60% GDP, tại Việt Nam hiện ở dưới 1% do mới đi vào vận hành.

Ngành quỹ Việt Nam nói chung, quỹ hưu trí nói riêng đối diện với thách thức là “đặc tính” của nhà đầu tư cá nhân chưa có thói quen và niềm tin để uỷ thác cho các nhà đầu tư có tổ chức như quỹ đầu tư. Các nhân sự triển khai quỹ hưu trí cho biết, tạo được nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, lợi ích của hưu trí tự nguyện tới người lao động và doanh nghiệp là vấn đề khó nhất.

Để quỹ hưu trí hấp dẫn hơn, nhiều ý kiến đề xuất, chính sách thuế cần có thêm ưu đãi và sửa đổi cơ chế phân bổ tài sản. Bởi lẽ, mức ưu đãi thuế thu nhập với người lao động và doanh nghiệp hiện tại chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu nhập của người lao động và doanh nghiệp. Mặt khác, yêu cầu quỹ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu chính phủ sẽ khiến khả năng sinh lời thấp, kém cạnh tranh so với các quỹ có mức độ phân bổ cao vào chứng khoán.

Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần FIDT, đơn vị đang quản lý tệp khách hàng với khối tài sản khoảng 2.000 tỷ đồng cho rằng, thị trường quản lý tài sản Việt Nam còn mới mẻ, cần thời gian để phát triển. Ở nhiều nước, một kế hoạch đầu tư định kỳ vào các quỹ hưu trí tự nguyện sẽ có các cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân rất tốt và kích thích việc cân nhắc “hy sinh” các nhu cầu trước mắt của các cá nhân trong xã hội để tăng sự tích lũy tài chính cho tương lai và hưu trí. Ở Việt Nam, Nhà nước có chính sách khấu trừ hàng tháng 1 triệu đồng vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện, nhưng con số này không hấp dẫn với đa số người thuộc tầng lớp trung lưu, trí thức. Đối với lao động phổ thông thì quỹ hưu trí tự nguyện vẫn còn là một khái niệm tài chính xa lạ. Do đó, sự phát triển của thị trường quản lý tài sản cần thêm các chính sách hỗ trợ về hưu trí, đầu tư.

Nói về thị trường chứng chỉ quỹ Việt Nam, ông Ngô Thành Huấn nhận xét, hiện tại chưa đa dạng và ngành tài chính cá nhân chưa phát triển. Theo đó, cần phát triển hơn nữa về độ đa dạng sản phẩm để thu hút các nhà đầu tư có mục tiêu tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Cùng với đó, thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính cá nhân với việc tư vấn phân bổ hợp lý vào chứng chỉ quỹ cho mục tiêu tài chính.

Nhìn sang các thị trường phát triển, đầu tư vào quỹ đã và đang là xu thế tất yếu với đại đa số người dân. Việc đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu trên thị trường chiếm tỷ trọng không quá lớn, chủ yếu dành cho các chuyên gia/nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các quỹ thu hút vốn hiện nay là các quỹ đầu tư thụ động (đặc biệt là quỹ ETF), còn các quỹ chủ động giảm sức hấp dẫn, đòi hỏi nhà quản lý quỹ phải tạo ra lợi thế cách biệt so thị trường chung.

Mai Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục