Tương lai quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam

(ĐTCK) Ngày 15/11 tới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ phối hợp với Hiệp hội chuyên gia phân tích đầu tư quốc tế và Hiệp hội chuyên gia phân tích chứng khoán Nhật Bản tổ chức hội thảo về loại hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam. 
Ảnh Internet Ảnh Internet

Hội thảo sẽ ghi nhận kinh nghiệm từ Nhật Bản và châu Âu, những nước có loại hình quỹ hưu trí và theo đó là chế độ an sinh của người dân rất phát triển, nhằm mang đến cho Việt Nam những kinh nghiệm để sớm vận hành loại quỹ này.

Tại Việt Nam, số người nghỉ hưu tăng nhanh hơn số người tham gia mới vào bảo hiểm xã hội nên Quỹ hưu trí do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý có khả năng gặp khó khăn về cân đối dòng tiền trong thời gian từ 20-25 năm tới. Từ thực tế này, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016/NÐ-CP tạo khung pháp lý cho loại hình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 86/2017/TT-BTC và như đánh giá của ông Nguyễn Ðăng Minh Khánh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) thì hai văn bản pháp luật này chính thức mở ra cơ hội cho ngành quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam.

Xin nhắc lại rằng, VFM là đơn vị tiên phong trong ngành quỹ ký hợp tác với Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và Ngân hàng BIDV triển khai quỹ hưu trí bổ sung từ tháng 2/2017. Theo VFM, việc hình thành loại quỹ này sẽ góp phần giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội.

Ðặc biệt hơn, việc này cũng góp phần xây dựng cho Việt Nam một hệ thống an sinh xã hội tiên tiến dựa trên mô hình đa trụ cột, là hệ thống đã được công nhận là sẽ góp phần gia tăng an sinh cho người dân khi đến tuổi về hưu.

Nhưng làm thế nào để Việt Nam có loại quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện? Phát biểu tại Hội nghị của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam ngày 10/11/2017, lãnh đạo VFM chia sẻ những điểm khó trong công tác triển khai.

Thứ nhất, quy định pháp lý chưa phù hợp khi yêu cầu ngân hàng giám sát không được cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cho quỹ hưu trí đang ký hợp đồng giám sát. Quy định này làm cho việc tìm kiếm tổ chức cung cấp dịch vụ giám sát cho quỹ hưu trí là khá khó khăn. Ðiểm khó khăn hơn là chính sách thuế.

Chính sách thuế hiện tại cho phép miễn thuế tối đa 1 triệu đồng/tháng áp dụng đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi góp vào quỹ hưu trí tự nguyện. Mức này, theo VFM là không tạo được động lực và không đủ hấp dẫn để các đối tượng tham gia quỹ này.

Ngoài ra, mức miễn thuế này cũng chưa bù đắp được điểm hạn chế về tính linh hoạt, thanh khoản rất thấp của các chứng chỉ quỹ hưu trí (không được chuyển nhượng, cho, tặng, chỉ được nhận trước tuổi nghỉ hưu trong một vài trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật…).

Theo đó, cần sớm có quy định mới điều chỉnh mức miễn thuế cao hơn, hấp dẫn hơn cho người tham gia quỹ khi góp vào quỹ hưu trí tự nguyện.

Khung khổ pháp lý về thành lập và hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện tại Việt Nam nhắm đến mục tiêu đảm bảo và đa dạng hóa an sinh xã hội, phát triển nguồn vốn dài hạn đầu tư trên thị trường tài chính và tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển chương trình hưu trí bổ sung bắt buộc sau này.

Vì thế, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế thì những vướng mắc từ thực tiễn như trên rất cần được Chính phủ và các cơ quan chức năng lắng nghe, tháo gỡ, mới mong Việt Nam sớm có sản phẩm quỹ cho mục tiêu an sinh. 

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục