Phát triển nhà đầu tư tổ chức, nhìn từ quỹ hưu trí

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc triển khai quỹ hưu trí tự nguyện thành công sẽ giúp chính phủ giảm gánh nặng an sinh xã hội và tạo sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính. Kinh nghiệm của các thị trường phát triển là những bài học quý cho Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên

Mô hình quỹ hưu trí đã được triển khai rất thành công ở các nước phát triển. Còn tại Việt Nam, khung pháp lý cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện mới ra đời từ năm 2016 (ban hành theo Nghị định 88/2016/NĐ-CP).

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam

Việc tham gia quỹ hưu trí tự nguyện đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người lao động. Thứ nhất, thông qua chính sách này, doanh nghiệp có thể giữ chân được nhân tài và nhờ đó, tiết kiệm được chi phí tuyển dụng. Đây có thể xem là một lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp. Thứ hai, quỹ hưu trí là một cơ chế thuận tiện giúp người tham gia có thể chủ động tích lũy trong giai đoạn có thu nhập từ lương để chuẩn bị tốt cho lúc nghỉ hưu, tức giai đoạn chi tiêu. Quỹ được quản lý và giám sát chặt chẽ bởi nhiều bên, bao gồm Bộ Tài chính, ngân hàng giám sát, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo tính minh bạch về pháp lý và sự ổn định bền vững trong dài hạn. Thứ ba, khi tham gia quỹ hưu trí, doanh nghiệp và cả người lao động đều được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập.

Ở bình diện rộng hơn, sự thành công của quỹ hưu trí giúp chính phủ giảm gánh nặng về an sinh xã hội, bên cạnh đó tạo sự phát triển bền vững cho thị trường tài chính và giúp tối ưu hóa nguồn vốn dài hạn cho sự phát triển của nền kinh tế.

Dragon Capital Việt Nam là công ty quản lý quỹ đầu tiên trên thị trường cung cấp chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện cho khách hàng doanh nghiệp từ năm 2021. Sau 3 năm triển khai, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là nhóm nhân sự chất lượng cao ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc tích lũy cho an sinh tuổi già và đầu tư cho tương lai.

Không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng sản phẩm quỹ hưu trí của chúng tôi. Với doanh nghiệp nước ngoài, một trong những lý do lớn là nhu cầu đồng bộ phúc lợi với chính sách toàn cầu giữa nhân viên các quốc gia đang hoạt động kinh doanh. Nhưng với các doanh nghiệp nội địa, đây là một tín hiệu tích cực, thể hiện tầm nhìn về chiến lược đãi ngộ nhân sự, không chỉ là những phúc lợi ngắn hạn mà còn có những chính sách phúc lợi dài hạn cho cả cuộc đời lao động.

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng 99% trong cơ cấu nhà đầu tư, khiến thị trường biến động mạnh

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng 99% trong cơ cấu nhà đầu tư, khiến thị trường biến động mạnh

Cần khuyến khích bằng ưu đãi thuế

Sau 8 năm kể từ khi hành lang pháp lý về mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện được ban hành, toàn thị trường có khoảng trên 20.000 người tham gia, một con số còn khiêm tốn!

Ở các nước phát triển, mô hình quỹ hưu trí tự nguyện đã được phổ biến rộng rãi. Một trong những yếu tố phát huy hiệu quả là nhờ chính phủ có chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích người lao động tham gia quỹ hưu trí và các doanh nghiệp, do nhu cầu cạnh tranh thu hút nhân sự, cũng tạo điều kiện để tất cả người lao động có cơ hội tham gia quỹ hưu trí.

Tại Việt Nam. để khuyến khích sự tham gia từ người lao động và người sử dụng lao động thì mức ưu đãi thuế nên được nâng lên và điều chỉnh để đuổi kịp lạm phát. Một mức có thể tham khảo là tương đương với mức đóng góp bảo hiểm xã hội - 22% của lương, với mức trần 36 triệu đồng/tháng. Theo quy định hiện hành. doanh nghiệp được khấu trừ thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 3 triệu đồng/tháng/nhân viên và người lao động được khấu trừ 1 triệu đồng/tháng cho thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi tham gia quỹ hưu trí tự nguyện. Đây là mức rất thấp so với các nước có mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thành công.

Ví dụ, Thái Lan có chính sách ưu đãi thuế khá hấp dẫn cho người lao động tham gia quỹ hưu trí tự nguyện, với mức trần đóng góp vào quỹ hưu trí được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gần gấp đôi so với GDP trên đầu người. Cụ thể, mức trần ưu đãi thuế đóng góp vào Quỹ hưu trí Provident là 500.000 Baht/năm, tương đương 360 triệu đồng/năm, hay 30 triệu đồng/tháng. Thái Lan có quy định các công ty niêm yết bắt buộc phải thành lập quỹ hưu trí để người lao động tự nguyện tham gia. Theo thống kê gần nhất (tháng 9/2023) thì Quỹ Provident có quy mô khoảng 14 tỷ USD với khoảng 42% dân số lao động tham gia đóng góp.

Trong khi đó, Mỹ có chương trình 401K (quỹ hưu trí tự nguyện) có mức trần ưu đãi thuế đóng góp vào quỹ hưu trí là 23.000 USD/năm (tương đương 575 triệu đồng/năm). Mức ưu đãi còn được điều chỉnh cao hơn với người trên 50 tuổi (30.500 USD/năm) và được tăng mỗi năm để đuổi kịp lạm phát. Theo ICI Global, đến năm 2023, Chương trình 401k có tổng tài sản quản lý là 6.900 tỷ USD, với 70 triệu người tham gia.

Ngoài chương trình 401K do doanh nghiệp tài trợ, cá nhân cũng có thể mở tài khoản hưu trí cá nhân (IRA – Individual Retirement Account) với mức trần ưu đãi thuế khi đóng góp vào là 7.000 USD/năm. Hiện quy mô của quỹ hưu trí dưới dạng này có tổng tài sản đang quản lý là 12.600 tỷ USD; trong đó, một nửa là từ Chương trình 401K rollover khi cá nhân nghỉ việc.

Một điều quan trọng nữa là nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích của quỹ hưu trí và kế hoạch hưu trí cá nhân cho toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Vai trò của chính phủ trong việc định hướng, thông qua các tổ chức như công đoàn, hiệp hội, hội phụ nữ là rất quan trọng trong việc chung tay phổ cập những kiến thức này.

Ngoài ra, quy định hiện hành liên quan đến đầu tư cũng cần được xem xét. Theo quy định hiện hành, 50% tài sản của quỹ hưu trí phải đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Điều này làm giới hạn khả năng tiếp cận các công cụ tài chính có thể đem lại lợi suất đầu tư tốt hơn cho người tham gia quỹ hưu trí. Ở những nước có quỹ hưu trí thành công, người tham gia quỹ có thể được tự chọn đầu tư phần đóng góp vào các công cụ tài chính và tỷ trọng phân bổ tài sản khác nhau, ví dụ quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu chính phủ và/hoặc quỹ trái phiếu doanh nghiệp… nhằm tối ưu hoá lợi suất trong quá trình tích lũy dài hạn của quỹ hưu trí và đồng thời, đáp ứng được khẩu vị rủi ro của từng người tham gia.

Ở Việt Nam, chúng ta có thuận lợi là có thể học hỏi và áp dụng những mô hình thành công và chính sách hiệu quả từ các nước trong việc mở rộng sự phát triển của quỹ hưu trí và phát triển được bền vững. Tuy nhiên, chúng ta cần quyết liệt để rút ngắn khoảng cách cũng như phát triển toàn diện hệ thống an sinh xã hội, trong đó có quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

Một khi mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện phát triển, thị trường chứng khoán trong nước được bổ sung thêm dòng vốn không nhỏ từ nhà đầu tư tổ chức, giúp cơ cấu nhà đầu cũng như dòng tiền trên thị trường không quá thiên lệch về phía nhà đầu tư cá nhân. Đây là một trong những yếu tố để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường.

Lương Thị Mỹ Hạnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ