Quy hoạch quốc gia không phải là phép cộng dồn
Không nằm ngoài dự đoán, việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp một lần nữa nhận được sự góp ý của đông đảo đại biểu Quốc hội, khi Dự thảo Luật Quy hoạch được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV.
Điều này là dễ hiểu, bởi theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra tại Việt Nam. “Đây là xu thế mà từ tình hình thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước đặt ra và thấy rằng, chúng ta không thể ngành nọ, ngành kia cứ tách rời nhau ra để lập từng quy hoạch riêng, mà cần phải có sự tích hợp lại để có sự thống nhất, tránh xung đột, tránh mâu thuẫn và phát huy được tối đa các lợi ích, lợi thế của các ngành, các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Và tất nhiên, vì đây là lần đầu tiên tổ chức lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, nên chắc chắn sẽ còn có nhiều “vấn đề khó, vấn đề thách thức” trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận điều đó.
Cũng theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, đó là không một cơ quan hay hay một tổ chức nào có thể lập được quy hoạch này, mà tất cả phải cùng tham gia.
Tất cả các bộ, ngành liên quan, chuyên gia kể cả trong nước và ngoài nước, cũng phải lập từ quan hệ là từ dưới lên trên theo một nguyên tắc, trình tự nhất định.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) băn khoăn rằng, khi lập quy hoạch tích hợp, phải làm sao không biến quy hoạch tổng thể thành kết quả của phép cộng các quy hoạch hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 16, Dự thảo Luật, sau khi hoàn thành các quy hoạch quy hoạch không gian biển, quy hoạch ruộng đất… rồi mới chuyển sang lập quy hoạch ngành quốc gia.
Từ đó, có căn cứ để lập quy hoạch vùng quốc gia, rồi quy hoạch tỉnh. Có nghĩa, trình tự là, quy hoạch cấp cao hơn làm trước, quy hoạch cấp thấp làm sau.
Tuy nhiên, ông Cường lại e ngại quy trình này. Bởi thông thường, thời gian để hoàn thành hệ thống quy hoạch từ cấp cao đến cấp thấp, nhất là cấp tỉnh, là rất mất thời gian.
“Khi chúng ta lập quy hoạch cấp dưới, thì sau 5 năm quy hoạch cấp trên đã đến kỳ điều chỉnh, như vậy thì không hợp lý”, ông Cường nói và đề xuất quy trình lập quy hoạch phải được thực hiện theo phương pháp tích hợp ngay trong quá trình lập quy hoạch các cấp, theo chu trình “2 xuống 1 lên”.
Nghĩa là, ngay bước đầu tiên, dự thảo quy hoạch quốc gia, sau đó là dự thảo quy hoạch ngành, dự thảo quy hoạch vùng và dự thảo quy hoạch tỉnh.
Khi dự thảo quy hoạch tỉnh xong, sẽ đề xuất các điều chỉnh quy hoạch vùng; điều chỉnh quy hoạch vùng xong lại đề xuất điều chỉnh quy hoạch ngành; quy hoạch ngành điều chỉnh lại dự thảo xong thì đề xuất điều chỉnh dự thảo quy hoạch quốc gia.
Bước thứ 3 là bước xuống, phê duyệt quy hoạch quốc gia, sau đó phê duyệt quy hoạch của ngành, quy hoạch, tỉnh.
“Nếu chúng ta tiến hành đồng thời thế này, tôi nghĩ trong khoảng thời gian từ 2 -3 năm, sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch và tích hợp được tất cả nội dung vào đồng bộ với nhau”, ông Cường nói.Lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, đó là không một cơ quan hay hay một tổ chức nào có thể lập được quy hoạch này, mà tất cả phải cùng tham gia
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với đề xuất này và cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Trọng Nhân khi cho rằng, phải áp dụng khoa học - công nghệ trong việc lập quy hoạch tích hợp.
“Lập quy hoạch tích hợp là phải khắc phục được những nhược điểm hiện nay của cách làm thủ công, rời rạc. Phần mềm để áp dụng giải pháp tích hợp này phải tự động kiểm tra đối chiếu dữ liệu khi tiến hành nhập liệu vào hệ thống dữ liệu quốc gia, bởi hệ thống máy tính thì không có sự thỏa hiệp. Có vậy thì giải pháp tích hợp mới hoàn thành sứ mệnh của mình”, ông Nhân nói.
Không lo “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Một trong những vấn đề cũng khiến các đại biểu băn khoăn, đó là sẽ xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi mà theo quy định của Dự thảo Luật, việc tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia và phê duyệt nhiệm vụ các quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đã bày tỏ băn khoăn như vậy và đặt câu hỏi rằng, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh “liệu có phù hợp” không, khi mà cấp tổ chức quy hoạch là UBND cấp tỉnh.
Theo đại biểu Lê Minh Chuẩn trong Dự thảo chưa thấy việc phân quyền tổ chức lập, phê duyệt nhiệm vụ thành lập Hội đồng Thẩm định và quyết định phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh là theo những nguyên tắc nào.
Vì thế, ông Chuẩn cho rằng, để góp phần nâng cao tính ổn định của quy hoạch, tăng cường vai trò của Quốc hội, tăng cường thứ bậc trong hệ thống quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, chia rẽ, cát cứ của các bộ ngành, địa phương trong công tác quy hoạch, thì phải quy định cấp quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch phải cao hơn cấp tổ chức lập quy hoạch; cấp nào quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thì có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hoặc thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch.
Bên cạnh đó, liên quan đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, theo ông Chuẩn, tổ chức lập quy hoạch là Chính phủ.
Nhưng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thành lập hội đồng thẩm định quy hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch là Quốc hội.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự thảo ban đầu, cũng đề nghị Chính phủ sẽ thành lập hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, khi lập các quy hoạch cấp tỉnh, sẽ có rất nhiều quy hoạch còn có thể phải xử lý trong các trường hợp điều chỉnh.
“Nếu trường hợp nào cũng đưa lên Chính phủ thì rất phức tạp. Do vậy, Chính phủ ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan nhà nước quản lý về quy hoạch giúp Thủ tướng làm một việc là thành lập hội đồng đó và tổ chức thẩm định, sau đó vẫn phải trình cho Thủ tướng.
Các bộ, ngành, địa phương trước đây lập quy hoạch thế nào thì hiện nay vẫn làm như thế, không có chuyện đưa các việc đó về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không phải là cơ quan lập các quy hoạch cụ thể của các ngành, mà chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác quy hoạch và giúp Thủ tướng Chính phủ trong một số việc, như thành lập hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định quy hoạch đó mà thôi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong khi đó, nếu quy định rằng, Quốc hội quyết định thành lập hội đồng thẩm định để phê duyệt các nhiệm vụ về quy hoạch quốc gia, thì vì phải phụ thuộc vào các kỳ họp Quốc hội nên nó thể làm mất thời gian.
Bởi vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Ban soạn thảo đã báo cáo, xin phép Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thiết kế Dự thảo Luật theo hướng, Chính phủ sẽ quyết định thành lập việc này, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra và cuối cùng trình Quốc hội xem xét, quyết định.
“Theo cách đó sẽ linh hoạt và không mất quá nhiều thời gian”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.