Trông đợi Luật Quy hoạch sẽ xóa… quy hoạch treo

(ĐTCK) “Khi Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua và đưa vào áp dụng, tôi kỳ vọng chất lượng quy hoạch trên cả nước sẽ tốt hơn. Thực tế cho thấy, việc quy hoạch không tốt đang ảnh hưởng đến các bên liên quan, nhất là ở các địa phương, vì có những quy hoạch chậm, quy hoạch chồng lấn giữa địa phương này với địa phương khác. Dân sợ nhất là quy hoạch treo…”, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Đinh Văn Nhã phát biểu.
Trông đợi Luật Quy hoạch sẽ xóa… quy hoạch treo

Càng minh bạch càng tốt

Theo kế hoạch làm việc của Quốc hội, dự án Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp này (cuối tháng 11/2017). Ông Đinh Văn Nhã, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, với nội dung của dự thảo Luật hiện tại, ông sẽ biểu quyết thông qua.

Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, đồng thời kỳ vọng Luật Quy hoạch ra đời sẽ khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch hiện tại, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề xuất Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định theo hướng nhấn mạnh các loại quy hoạch càng công khai ở mức độ cao nhất càng tốt. Tính chất công khai nên bắt đầu ngay từ khi lấy ý kiến người dân trong quá trình xây dựng kế hoạch, cho đến khi quy hoạch được phê duyệt và đưa vào áp dụng, để người dân biết và giám sát.

“Tôi lấy ví dụ gần đây có nhiều ý kiến trái chiều về quy hoạch Ga Hàng Cỏ ở Hà Nội. Thế nhưng khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội trực tiếp được Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giải trình thì thấy quá hợp lý. Do đó, công khai quy hoạch càng cao bao nhiêu, thì càng dễ được người dân chia sẻ và ủng hộ, tránh những thông tin suy luận không tích cực. Tình trạng thông tin mù mờ, úp mở trong quy hoạch dễ phát sinh tiêu cực”, ông Trí đề xuất.

Cũng liên quan đến vấn đề minh bạch, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề xuất dự thảo Luật cần bổ sung các quy định để kiểm soát tình trạng quy hoạch chồng lấn, dẫn đến khiếu kiện phức tạp.

Để đảm bảo tính ổn định cho hệ thống quy hoạch, ông Trí đề nghị, thay vì tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm, thì nên chốt là 50 năm, còn tầm nhìn của quy hoạch vùng là từ 30 năm trở lên, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm trở lên.

Một đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội là bà Trần Thị Quốc Khánh cũng ghi nhận dự thảo Luật lần này đã có nhiều nội dung tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, dự thảo Luật cần có các quy định đảm bảo tính liên kết hệ thống cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tránh phân tán và mạnh ai nấy khai thác và sử dụng như hiện tại.

Tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội

Đại diện cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi đưa ra Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội lấy ý kiến, Ban soạn thảo cùng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

“Đây là luật rất khó vì liên quan đến nhiều nội dung, nhưng phải làm. Chưa kể, đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra khái niệm lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, nên không tránh khỏi những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện.

Do vậy, chúng tôi nhất trí với ý kiến được nêu tại Quốc hội là chúng ta cần phải đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các phần mềm để làm sao phương pháp xây dựng đảm bảo thống nhất và công khai, minh bạch, chất lượng tốt nhất và với thời gian nhanh nhất”, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, giải trình một vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nếu các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch ngành, quốc gia thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia. Còn nếu các quy hoạch vùng mâu thuẫn với nhau và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với nhau, thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch của cấp trên.

Cũng theo ý kiến từ Ban soạn thảo, dự thảo Luật Quy hoạch đã giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường, đó là đã bỏ các quy hoạch sản phẩm. Với các quy hoạch ngành, chỉ giữ những quy hoạch ngành liên quan đến kết cấu hạ tầng và khai thác sử dụng tài nguyên.

Chốt phần thảo luận của Quốc hội về nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 24 đại biểu phát biểu. Nhìn chung, ý kiến các đại biểu cơ bản tán thành ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục