Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, sẽ phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều luật khác nhau. Việc sửa đổi, bổ sung 32 luật, có thể còn nhiều hơn nữa, là một khối lượng công việc vô cùng lớn, nhưng không có lý do gì mà trì hoãn trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
“Nếu tiếp tục lùi thông qua Luật Quy hoạch, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. Vì Luật Quy hoạch là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm sau này”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Khắc Định đánh giá sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện Luật Quy hoạch. Hồ sơ Luật Quy hoạch gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện sự cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các bộ, ngành, địa phương thông qua việc chỉnh sửa, bổ sung, giải trình.
“Đơn cử, trong Danh mục Các ngành quốc gia lập quy hoạch được ban hành kèm theo Dự thảo Luật Quy hoạch trước đây quy định, “Quy hoạch mạng lưới trường đại học quốc gia”, nhưng giờ được sửa thành “Quy hoạch mạng lưới trường đại học và sư phạm cấp quốc gia”. Điều này không chỉ đơn thuần là bổ sung quy hoạch sư phạm cấp quốc gia, mà là sự tiếp thu ý kiến vì hệ thống sư phạm đang được xã hội đặc biệt quan tâm về vấn đề chất lượng đào tạo”, ông Định phát biểu.
Nếu tiếp tục lùi thông qua Luật Quy hoạch, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới
- Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Thị Kim Ngân
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá rất cao các nội dung của Dự thảo Luật Quy hoạch. “Trong 8 luật phải sửa đổi, bổ sung ngay trong Luật Quy hoạch, trên thực tế hầu như chỉ sửa từ “quy hoạch” thành “kế hoạch” nghe ra rất đơn giản, nhưng thực chất đây chính là sự thay đổi rất lớn, mang tính chất đột phá. Bởi nếu làm theo quy hoạch tức là phải làm hoặc không được phép làm trên sự áp đặt của người khác, tổ chức khác, cơ quan khác, mang nặng tư duy quản lý kế hoạch hóa tập trung; còn làm theo kế hoạch tức là chủ động làm việc căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tín hiệu của thị trường”, ông Bình minh chứng.
Để Luật Quy hoạch đi vào cuộc sống từ ngày 1/1/2019, ngoài 8 luật có nội dung sửa đổi không nhiều và cũng không quá phức tạp được sửa đổi ngay trong Luật Quy hoạch, còn phải sửa đổi, bổ sung ít nhất 24 luật khác. Theo đó, trong năm 2018, ngoài các luật đã có trong Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, còn phải bổ sung thêm 24 luật vào Chương trình sẽ gây ra quá tải hoặc phải lùi thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch đến năm 2020.
“Không thể lùi thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật Quy hoạch tại Phiên họp thứ 14 vào ngày 18/9/2017.
Lý do được ông Phúc đưa ra là đầu quý II/2020, các địa phương trên cả nước bắt đầu tổ chức đại hội đảng các cấp, nếu lùi thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch đến ngày 1/1/2020, thì các địa phương không có cơ sở để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, việc sửa đổi 24 luật chắc chắn sẽ kịp nếu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội thực sự quyết tâm và chỉ cần xây dựng 1 luật sửa 24 luật, thay vì xây dựng 24 luật hoặc một số luật sửa một nhóm luật.
Đồng tình với quyết tâm đưa Luật Quy hoạch vào cuộc sống kể từ ngày 1/1/2019, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu xây dựng một luật sửa 24 luật, thậm chí nhiều hơn thì trong vòng 1 năm (năm 2018) hoàn toàn có thể bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng.
“Chúng ta quyết tâm không lùi Luật Quy hoạch, vì đây là bước chuẩn bị vô cùng quan trọng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030”, bà Phóng nhấn mạnh.