Nếu các địa phương đều đề xuất phù hợp nhu cầu cần thiết có sân bay, đưa ra đầy đủ luận cứ thuyết phục, số sân bay cần phát triển lên đến 40 vượt quy hoạch, vậy có bị đánh mất cơ hội không?
Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 11/10.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong quản lý quy hoạch rất quan trọng nhưng nếu không hợp lý sẽ là điểm nghẽn phát triển. Quy hoạch cần tính đến sự thay đổi liên tục nên cần có quy hoạch mở và không nên chốt con số cụ thể. Cần thiết có quy hoạch cứng và mềm. Bởi vì quá trình điều chỉnh quy hoạch trở nên mất thời gian và kiểu xin- cho không hay và ngay từ đầu nên mở.
Cụ thể, với việc đầu tư phát triển sân bay ông Cung cho rằng, không đặt trình tự sân bay nào xây dựng thời gian nào, cứng nhắc như Sapa xây dựng năm này, Hà Giang xây dựng năm kia mà cần có sự linh hoạt.
|
Ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng Naco, Tập đoàn Royal Haskoning DHV trả lời phỏng vấn bên lề tọa đàm "Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh". Ảnh Dũng Minh |
Với kinh nghiệm tư vấn phát triển 600 sân bay trên thế giới của công ty Naco, thuộc Tập đoàn Tập đoàn Royal Haskoning DHV, ông Mick Werson, Chuyên gia Kinh tế trưởng Naco cho rằng, quy hoạch phát triển sân bay cần phải linh hoạt không nên cứng nhắc quá, chiến lược không cần quá chi tiết về mặt con số, chỉ cần đủ và có khả năng đối mặt với sự linh hoạt của thực tế bởi ngành hàng không, ngành du lịch năng động với các công nghệ mới.
Theo chuyên gia đến từ Naco, đến thời điểm nào đó cần chiến lược cụ thể và chi tiết sẽ triển khai. Còn với quy hoạch tổng thể chỉ cần đưa ra triết lý, định hướng, trách nhiệm vai trò phân cấp phân quyền để không gian phát triển cơ hội dự án.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở Colombia vài tuần trước. Colombia có chiến lược phát triển sân bay mới bên ngoài thành phố với chủ trương cho nhà đầu tư tư nhân tham gia và chính phủ nắm quyền kiểm soát quản lý cơ sở hạ tầng với mục tiêu đầu tư hiệu quả. Colombia là một quốc gia điển hình cho sự linh hoạt trong chiến lược.
Tại Việt Nam, Chính phủ không thể vừa làm quy hoạch vừa triển khai dự án, vừa lo nguồn lực vốn. Trong khi đó, nhà đầu tư tư nhân có thể trở thành đối tác tốt của Chính phủ trong phát triển sân bay nhỏ đảm bảo đủ năng lực vận hành, khai thác tạo ra lợi ích cho địa phương và quốc gia. Chính phủ là đơn vị nắm quyền kiểm soát là kinh nghiệm thế giới.
Tuy nhiên, ông Mick Werson cho rằng, đầu tư sân bay nhỏ không có nghĩa cứ 50 km có một sân bay, mà cần đầu tư dựa trên nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, về quy hoạch, có 5 loại: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị nông thôn.
Ví dụ sân bay Sapa trong quy hoạch ngành giao thông có thể đề cập xác định khai thác vùng Đông Bắc thành một trung tâm kết nối. Mỗi sân bay có chức năng của nó mỗi vùng mỗi khu vực.
Sân bay nhỏ cũng tạo điều kiện kết nối với các trung tâm lớn. Nếu sân bay nhỏ đảm bảo các vấn đề kỹ thuật, đảm bảo an toàn sẽ tạo ra cơ hội phát triển lớn. Ông Vịnh cũng ủng hộ, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư phát triển sân bay nhỏ một cách hiệu quả.
Về vấn đề đầu tư, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, không nên có suy nghĩ Nhà nước làm một mình, mà Nhà nước huy động các nguồn lực không chỉ nguồn lực vật chất, khi đầu tư phải tính cả lợi ích phát triển kinh tế xã hội, cơ hội kinh doanh tạo ra từ đó, phương thức quản lý hiệu quả hội nhập.
Quy hoạch hệ thống sân bay sắp tới sẽ cần có tầm nhìn dài hạn hơn như thế nào trên cơ sở những kinh nghiệm rút ra thời gian qua, với thực trạng nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…, là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.